Thêm một đồng minh của Mỹ chuyển tiền cọc mua “rồng lửa” S-400 của Nga
(Dân trí) - Sau Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh Ấn Độ của Mỹ đã chuyển tiền cọc cho Nga, động thái cho thấy New Delhi đã quyết mua hệ thống phòng không S-400 của Nga bất chấp sự phản đối của Washington.
Một phát ngôn viên của FSVTS, cơ quan chính phủ phụ trách hoạt động hợp tác thương mại vũ khí của Nga, ngày hôm nay 29/8, xác nhận rằng Ấn Độ đã bắt đầu thanh toán hợp đồng mua tổ hợp phòng thủ S-400 của Moscow.
Quan chức trên cho biết, Nga đã nhận được khoản tiền cọc cho thương vụ. Nga và Ấn Độ đã đặt bút kí vào hợp đồng trị giá 5,4 tỷ USD vào tháng 10 năm ngoái sau thời gian dài đối thoại và thương lượng. Thương vụ quy định Nga có nghĩa vụ chuyển giao 5 tổ hợp S-400 cho Ấn Độ vào trước năm 2023.
Vụ mua sắm được thực hiện bất chấp Ấn Độ nhận được cảnh báo từ Mỹ rằng hợp đồng giữa Moscow và New Delhi có thể ảnh hưởng tới hợp tác trong lĩnh vực quân sự giữa Mỹ và Ấn Độ, cũng như việc Ấn Độ có thể bị trừng phạt theo quy định của Đạo luật Chống lại các đối thủ của Mỹ (CAATSA). Đây là đạo luật nhằm ngăn các quốc gia thực hiện các hợp đồng vũ khí lớn với Nga.
Tuy nhiên, New Delhi nhấn mạnh rằng hệ thống S-400 là khí tài cần thiết cho nền quốc phòng nước này và họ sẽ theo đuổi hợp đồng đến cùng.
Trong tuần này, chính quyền Mỹ đã chính thức rút lại đề xuất bán hệ thống phòng thủ Patriot trị giá 3,5 tỷ USD cho đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đáp trả việc Ankara mua tổ hợp phòng không S-400 của Nga.
Việc Mỹ rút không bán cho Thổ Nhĩ Kỳ Patriot được cho là động thái đáp trả gần nhất với việc Ankara đã bắt đầu nhận các lá chắn phòng không S-400 của Nga.
Trước đó, Mỹ đã loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình sản xuất máy bay chiến đấu F-35, chặn không cho Ankara nhận 100 máy bay thế hệ 5 và loại bỏ các công ty Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chuỗi sản xuất. Mỹ viện dẫn mối đe dọa an ninh từ S-400 khi đặt tổ hợp “rồng lửa” hoạt động cùng với F-35 trong một nền quân sự.
Washington cũng đã nhiều lần dọa sẽ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì thực hiện hợp đồng vũ khí lớn với Nga. Mặc dù vậy, Ankara vẫn kiên quyết có được hệ thống S-400 và tuyên bố rằng họ có quyền làm như vậy với cương vị là một quốc gia độc lập.
Đức Hoàng
Theo RT