1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vì sao các nước muốn mua bằng được S-400 của Nga?

(Dân trí) - Bất chấp những cảnh báo trừng phạt của Mỹ, nhiều nước trong đó có Ấn Độ vẫn quyết mua bằng được hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga.


Hệ thống S-400 của Nga (Ảnh: EPA)

Hệ thống S-400 của Nga (Ảnh: EPA)

Cuộc tập trận Vostok-2018 của Nga hồi tháng trước đánh dấu cuộc tập trận lớn nhất trong hơn 30 năm với sự tham gia của hàng trăm nghìn binh sĩ, khí tài quân sự. Đây không đơn thuần là một cuộc diễn tập quân sự mà còn là cơ hội để Nga phô trương các khí tài quân sự, nguồn thu lớn thứ hai của Nga chỉ sau dầu mỏ. Tất nhiên, S-400 không thể vắng mặt trong cuộc tập trận rầm rộ này.

Nhiều nước, trong đó có Trung Quốc, Ả rập Xê út, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Qatar tuyên bố sẵn sàng mua S-400 của Nga, bất chấp cảnh báo trừng phạt từ Mỹ hay NATO.

"S-400 là một trong những hệ thống phòng không hiện đại nhất hiện nay, có thể ngang tầm với hệ thống phòng thủ của phương Tây. Radar và cảm biến cũng như các tên lửa của nó có thể bao quát một vùng rộng lớn. Cụ thể, radar có tầm quét ít nhất khu vực trong bán kính 600km trong khi tên lửa có tầm bắn tới 400km", Siemon Wezeman, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), nhận định.

Cũng theo chuyên gia này, S-400 có thể theo dõi đồng thời nhiều mục tiêu khác nhau, trong đó có cả mục tiêu tàng hình. Ngoài ra, S-400 có khả năng cơ động cao, có thể khai hỏa và di chuyển đến vị trí khác trong vòng vài phút.

Kevin Brand, một chuyên gia phân tích quân sự, cho rằng S-400 còn có ưu điểm có thể tích hợp tên lửa tầm xa, tầm trung, tầm ngắn tùy vào mục đích sử dụng.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết mua S-400 làm dấy lên lo ngại rạn nứt trong liên minh quân sự NATO cũng như lo ngại rò rỉ dữ liệu an ninh chung. Với Ấn Độ, Ả rập Xê út, Qatar, các nước không phải thành viên của NATO, việc mua S-400 có thể kéo theo căng thẳng ngoại giao, kinh tế giữa các nước này với Mỹ.

Tuy nhiên, đầu tuần này, Ấn Độ vẫn quyết ký hợp đồng hơn 5 tỷ USD mua hệ thống phòng thủ hiện đại này của Nga. “Ấn Độ không muốn chỉ mua vũ khí từ một nhà cung cấp hay quá phụ thuộc vào một nước, do vậy, họ có thể mua một số vũ khí từ Nga, số khác từ Mỹ”, chuyên gia Brand nói. Một yếu tố khác cũng chi phối quyết định của Ấn Độ được cho là việc Nga sẵn sàng chia sẻ công nghệ quân sự.

Trong khi đó, theo chuyên gia Wezeman, khả năng Mỹ thực hiện cảnh báo trừng phạt là rất ít, đặc biệt với các nước như Ấn Độ hay Ả rập Xê út.

“Lệnh trừng phạt không tự động kích hoạt, trong khi việc xem xét miễn trừ là hoàn toàn có thể nếu Mỹ tính đến lợi ích quốc gia. Mỹ dường như sẽ không trừng phạt các nước như Ấn Độ hay một số nước khác bởi họ là các đối tác quân sự và chính trị đặc biệt quan trọng”, ông Wezeman nói.

Minh Phương

Theo Aljazeera