1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thế thượng phong

Hội nghị Thượng đỉnh Nga - EU vừa kết thúc hôm qua cho thấy, dầu mỏ đã được nước Nga sử dụng như một con bài mặc cả chiến lược.

Trong bối cảnh các nền kinh tế lớn trên thế giới đang quyết liệt chạy đua tìm những nguồn cung dầu mỏ và khí đốt mới để phục vụ nhu cầu tăng trưởng kinh tế trong nước, nước Nga với tiềm năng dầu mỏ - khí đốt khổng lồ “trời cho” đang từng bước khôi phục lại uy danh cường quốc bằng những nước cờ ngoại giao năng lượng khôn khéo của mình.

 

Hội nghị thượng đỉnh Nga - EU tại London hôm 4-5/10 vừa qua diễn ra trong một không khí ấm áp và vui vẻ chưa từng thấy sau 6 năm quan hệ không mấy suôn sẻ giữa hai bên. Ngoài sự đồng thuận tăng cường hợp tác chống khủng bố (vốn đang là chủ đề nổi trội của các cuộc hội đàm quốc tế trước nguy cơ chung toàn cầu), có lẽ kết quả làm cho Thủ tướng Blair – đương kim chủ tịch EU – và Tổng thống Putin hài lòng nhất là thoả thuận về dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Nga chạy ngầm dưới biển Bantích, qua Đức (đi kèm là một kho dự trữ khí đốt ở Bỉ) và cung cấp cho toàn bộ thị trường Tây Âu, kể cả nước Anh (dự kiến chiếm 50% nhu cầu khí đốt của EU).

 

Khi giá dầu thế giới biến động mạnh, Trung Đông bất ổn triền miên, và nguồn cung dầu mỏ - khí đốt ngày càng khan hiếm do nhu cầu của thế giới tăng nhanh, EU buộc phải thực tế và linh hoạt hơn khi tạm gác những bất đồng về dân chủ và nhân quyền với Nga để nhanh tay giành lấy những bản hợp đồng năng lượng “béo bở” từ vùng Siberia và Sakhalin của Nga, về lâu về dài nhằm kéo Nga tham gia sâu hơn vào không gian địa kinh tế, địa chính trị của cựu lục địa. Các tập đoàn dầu mỏ lớn của các nước EU (như BP và Shell) chắc chắn sẽ được lợi lớn từ những thoả thuận này. Đối với EU, hàng loạt thoả thuận mang tính nhượng bộ khác đối với Nga tại Hội nghị lần này vừa là sự công nhận vị thế của Nga, vừa là sự đánh đổi lợi ích dễ chấp nhận.

 

Trong cục diện các nước lớn đều tích cực sử dụng phương thức ngoại giao “dầu mỏ” và Nga được “ve vãn” đặc biệt để đổi lấy những hợp đồng khai thác năng lượng (như Trung Quốc và Nhật Bản từng làm trong dự án xây dựng đường ống dẫn khí xuyên Siberia), Tổng thống Putin đã sử dụng thế thượng phong chính trị của Nga để đi những nước cờ có lợi nhất. Thoả thuận trên nằm trong định hướng chiến lược của Nga nhằm phát triển hợp tác năng lượng gắn với thị trường EU – nơi sẽ gắn kết chặt chẽ với sự phát triển của nền kinh tế Nga. Đường ống này không chạy qua lãnh thổ của Ba Lan và các nước Bantích (Latvia, Lithuania và Estonia) cũng là một lời cảnh cáo đối với nhóm chống Nga này trong EU.

 

Xét về mặt chiến lược, Nga luôn muốn được thừa nhận vai trò cường quốc của mình sau một thời kỳ khủng hoảng và hạn chế sự xâm nhập ảnh hưởng của EU vào không gian “hậu Xô viết” ở Ukraina, Belarutxia, Grudia, và Uzbekistan. Kết quả hội nghị này đã phần nào xoa dịu sự lo ngại của Nga, và con bài “dầu mỏ - khí đốt” về lâu dài sẽ góp phần phục vụ cho chiến lược đảm bảo phía Tây thuận với EU, phía Đông thuận với Trung Quốc và Nhật Bản và giảm dần ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực Trung Á.

 

Ngày xưa, ý tưởng “Cộng đồng than - thép châu Âu” đã từng hàn gắn quan hệ giữa Pháp và Đức. Nay, dầu mỏ-khí đốt cũng đang kéo Tây Âu và Nga xích lại gần nhau hơn. Chừng nào nguồn năng lượng này vẫn chưa thể thay thế được trong nền kinh tế hiện đại, chừng đó nó vẫn được sử dụng như con bài mặc cả chiến lược trên bàn cờ chính trị quốc tế.

 

Theo Vũ Lê Thái Hoàng

Vietnamnet