Thế lực nào đứng sau một loạt cái chết của cựu quan chức Ukraine?
Ngoài xung đột ở miền Đông, một cuộc chiến ngầm không kém phần khốc liệt khác đang diễn ra ở Ukraine, với hàng loạt những cái chết đáng ngờ liên quan đến các cựu quan chức trong chính quyền cựu Tổng thống Viktor Yanukovych.
Oleg Kalashnikov, cựu nghị sĩ thuộc đảng Các khu vực là nạn nhân mới nhất: Ông được phát hiện chết tại căn hộ ở thủ đô Kiev ngày 15/4, do bị bắn vào đầu. Kalashnikov là một trong ít nhất 9 cựu quan chức thiệt mạng “đáng ngờ” trong vòng 3 tháng trở lại đây.
Ngày 29/1, cựu Thống đốc khu vực Kharkov, Aleksey Kolesnik, được tìm thấy chết trong tư thế treo cổ. Ngày 25/2, bi kịch xảy đến với thị trưởng Melitopol, Sergey Valter theo một kịch bản tương tự. Chỉ một ngày sau, Phó cảnh sát trưởng Melitopol, Aleksandr Bordyuga được phát hiện chết trong gara. Ngày 28/2, cựu nghị sĩ, Phó Chủ tịch đảng Các khu vực, Mikhail Chechetov, đã nhảy từ cửa sổ căn hộ tầng 17 tại Kiev, để lại một bức thư tuyệt mệnh. Ngày 9/3, cựu nghị sĩ đảng Các khu vực Stanislav Melnyk chết vì một phát đạn. Ba ngày sau, Oleksandr Peklushenko, cựu nghị sĩ và cựu thống đốc khu vực Zaphorizhia được tìm thấy đã chết với một viên đạn bắn vào cổ. Ngày 22/3 công tố viên 32 tuổi Sergey Melnichuk tử vong do rơi từ cửa sổ căn hộ tầng 9 xuống nền bê tông, mà cảnh sát nói là “tự sát”.
Giới báo chí đã yêu cầu chính quyền Ukraine cung cấp thông tin về quá trình điều tra những cái chết “đáng ngờ” này. Đáp lại, Văn phòng Tổng công tố nói rằng, đây là những vấn đề thuộc “bí mật nhà nước”. Sau khi có sự can thiệp từ Phủ Tổng thống, Văn phòng này mới chịu đưa ra một số thông tin khá chung chung như sau: 4 người trong số này được điều tra theo hướng tự sát (không công bố kết quả điều tra), hai trường hợp khác thì không có yếu tố liên quan đến giết người.
Các sự kiện dồn dập diễn ra đúng thời điểm chính quyền Kiev tìm cách loại trừ ảnh hưởng của các trùm tài phiệt Ukraine, với việc buộc tỉ phú Ihor Kolomoisky từ chức thống đốc vùng Dnipropretovsk. Đó chỉ là bước khởi đầu và giới tài phiệt sẽ có phản kháng để duy trì và gia tăng ảnh hưởng trong một trật tự mới. Những người chót “biết nhiều” và mới đây còn đứng trong cùng một chiến tuyến sẽ là mục đối tượng được đưa vào tầm ngắm.
Liệu có âm mưu "giết người diệt khẩu"?
Trung tâm của mọi nghi vấn về những cái chết bất thường này chính là trùm tài phiệt 48 tuổi giàu nhất Ukraine, ông Rinat Akhmetov, với khối tài sản ước tính 6,8 tỉ USD. Ông này cũng chính là cựu nghị sĩ thuộc đảng Các khu vực trong chính quyền Yanukovych (đảng này đã chuyển thành Khối đối lập trong Quốc hội Ukraine hiện nay).
“Akhmetov chính là giáo chủ áo xám của đảng Các khu vực. Yanukovych là lãnh đạo chính thức, nhưng Ahkhmetov mới là người kiểm soát mọi nguồn tài chính cũng như các hoạt động chính trị của đảng”, Dmitriy Gnap, một nhà báo điều tra làm việc cho kênh truyền hình Hromadske (Ukraine), người đã dành hơn 10 năm chuyên theo dõi các hoạt động của giới tài phiệt Ukraine, tiết lộ.
Chính quyền Kiev hiện nay đang cố tìm cách mở lại các cuộc điều tra nhằm mục đích dồn ép giới tài phiệt. Nhưng khi mà những người nắm giữ bằng chứng chết đi, sẽ chẳng còn ai xuất hiện trước tòa để buộc tội Akhmetov. Các nạn nhân xấu số kể trên đều có điểm chung: Họ nắm trong tay những bí mật liên quan đến hoạt động được cho là mờ ám của trùm tài phiệt này và đều là những người đang bị chính quyền Kiev điều tra.
Mối quan hệ giữa Melnyk với Akhmetov hình thành từ những năm 1990, thời điểm chứng kiến sự xuất hiện của một tầng lớp siêu giàu mới nổi ở Ukraine, những kẻ "biết cách" chiếm đoạt các tài sản nhà nước với mức giá rẻ mạt. “Ông ấy hiểu rõ cách thức Akhmetov tích tụ tài sản bằng cách nào. Giới tài phiệt thì đương nhiên muốn bịt miệng những người biết nhiều về các thương vụ mua rẻ các khối tài sản khổng lồ của nhà nước”, Gnap nói.
Tương tự vậy, Peklushenko từng là bạn làm ăn lớn của Akhmetov. Năm 2011, chính Peklushenko đã từng tạo điều kiện để quỹ Quản lý System Capital của trùm tài phiệt này nắm quyền sở hữu chi phối công ty thép Zaporizhstal. Còn Chechetov thì là người quá hiểu về Akhmetov, do ông từng đảm nhận cương vị Giám đốc Quỹ tài sản Nhà nước, tận mắt theo dõi việc bán ồ ạt tài sản nhà nước trong quá trình tư nhân hóa ở Ukraine.
Thiếu chứng cứ hình sự, sự thật về những cái chết này có lẽ còn lâu, hoặc không bao giờ được công bố. Người ta chẳng thể biết đích xác được rằng, liệu Akhmetov đã chỉ đạo “giết người diệt khẩu”, hay là một tài phiệt nào đó đã ra tay, hoặc là những người kia tự sát vì không chịu nổi sức ép. Chỉ chắc rằng, giới tài phiệt Ukraine sẽ không chịu ngồi yên nhìn cảnh bị tước đi những đặc quyền đã từng có.
Theo Hoài Thanh/Newsweek, RT/baotintuc.vn