1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Sóng gió từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tới tiểu thương Trung Quốc

(Dân trí) - Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ tác động ở tầm vĩ mô mà ngay cả những tiểu thương bán thịt lợn ở địa phương cũng phải hứng chịu những hệ quả.

Cửa hàng bán các món chế biến từ thịt lợn tại Trung Quốc (Ảnh: Washington Post)
Cửa hàng bán các món chế biến từ thịt lợn tại Trung Quốc (Ảnh: Washington Post)

Giá thịt lợn leo thang khiến Xu Min, một tiểu thương tại Trung Quốc, phân vân liệu có phải chiến tranh thương mại đã tác động tới sạp thịt của cô hay không? Xu Min là người cung cấp nguồn thịt lợn cho các tiểu thương địa phương.

Bà mẹ 29 tuổi bán thịt lợn tại một thị trấn nổi tiếng với món móng giò hầm nước tương. Người Trung Quốc chi rất nhiều tiền để mua móng giò vì xem đây là loại thực phẩm bổ dưỡng và giúp làm đẹp da. Hàm lượng collagen trong móng giò được tin là giúp da trở nên mịn màng hơn.

Trung Quốc đã mua 309.000 tấn thịt lợn hồi năm ngoái từ các nông dân ở trung tây và nam Mỹ, trong đó có nhiều lô hàng vận chuyển những bộ phận của lợn mà người Mỹ không ăn như đầu, đuôi, nội tạng hay móng giò. Năm ngoái Mỹ cũng là nước cung cấp nhiều nhất các loại thịt lợn cho Trung Quốc với tổng giá trị lên tới 874 triệu USD, theo số liệu thống kê của hải quan Trung Quốc.

Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu thịt lợn Mỹ lớn thứ 4 thế giới và là nước tiêu thụ thịt lợn nhiều nhất thế giới. Các hợp đồng xuất khẩu thịt lợn sang thị trường Trung Quốc đã mang lại nhiều lợi ích cho các nhà cung cấp Mỹ.

Xu Min cho biết thông thường tình hình căng thẳng về địa chính trị không ảnh hưởng gì tới khu chợ của cô. Tuy nhiên gần đây, cô và các tiểu thương khác đã cảm nhận những tác động của cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

“Việc nhập khẩu thịt lợn Mỹ ít đi sẽ khiến giá thịt lợn (Trung Quốc) tăng lên. Từ đó sẽ có ít người mua thịt lợn đi và đó là hệ quả xấu”, Xu Min cho biết.

Những dấu hiệu đầu tiên cho thấy hệ quả của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã xuất hiện ở cả hai nước. Tổng thống Donald Trump đã quyết định áp thuế đối với 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và Bắc Kinh cũng đã có động thái đáp trả tương tự nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ, bao gồm thịt lợn và đậu tương.

Nguồn thịt lợn nước ngoài đông lạnh được chuyển tới Thượng Hải và các thành phố cảng khác rất quan trọng với công việc kinh doanh của Xu Min mặc dù người phụ nữ này cũng mua thêm thịt lợn từ nông dân địa phương. Theo Xu, thịt lợn nhập khẩu được đưa lên các xe tải đông lạnh và chở tới mọi nhà kho tại Trung Quốc, giúp tăng nguồn cung thịt lợn và giúp cô mua được thịt lợn trong nước với giá rẻ hơn.

“Giá cả đang trở nên đắt hơn”, Xu nói, đồng thời cho biết bên cung cấp thịt lợn cho cô đã tăng thêm vài nhân dân tệ trong hai tuần qua.

Hồi tháng 4, Trung Quốc đã áp thuế 25% đối với các thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ để đáp trả việc chính quyền Tổng thống Trump áp thuế lên mặt hàng nhôm và thép của Trung Quốc. Con số thống kê gần đây nhất cho thấy sản lượng thịt lợn từ Mỹ xuất sang Trung Quốc đã sụt giảm đáng kể, từ 12.354 tấn hồi tháng 3 xuống còn 11.095 tấn hồi tháng 4 và 9.071 tấn hồi tháng 5.

“Ước tính chúng ta sẽ thiệt hại khoảng 800 triệu USD. Thật khủng khiếp”, Joel Haggard, phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Hiệp hội Xuất khẩu Thịt Mỹ, nhận định.

Cuộc chiến không ai được lợi

Một quầy thịt lợn tại Thượng Hải, Trung Quốc (Ảnh: Washington Post)
Một quầy thịt lợn tại Thượng Hải, Trung Quốc (Ảnh: Washington Post)

Mỹ phải hứng chịu thiệt hại từ cuộc chiến thương mại, nhưng Trung Quốc thậm chí còn chịu thiệt hại nhiều hơn. Mặc dù khẩu hiệu chính thức tại Trung Quốc tuyên bố: “Chúng ta có thể dễ dàng thay thế hàng hóa nước ngoài bằng các sản phẩm chăn nuôi trong nước”, tuy nhiên theo giới quan sát, Trung Quốc nên bảo vệ các liên minh thương mại để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ tầng lớp trung lưu bùng nổ.

Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, giá thịt lợn trên cả nước đã tăng 10%. Theo nhà phân tích Barney Wu tại Thượng Hải, giá đầu, đuôi và móng lợn ở tỉnh Sơn Đông phía đông Trung Quốc đã tăng 7% trong khoảng thời gian từ tháng 5 cho tới cuối tháng 7.

“Cuộc chiến thương mại bắt đầu gây thiệt hại. Không có ai được lợi cả”, Wu nhận định.

Roger Pay, nhà phân tích nông nghiệp tại một hãng tư vấn ở Bắc Kinh, cho biết giá đậu nành, một mặt hàng cũng bị đánh thuế, có thể gia tăng chi phí cho các tiểu thương.

“Hầu hết đậu nành dùng làm thức ăn cho lợn”, Pay cho biết.

Trong bối cảnh căng thẳng ngày càng tăng lên, Tổng thống Trump chưa cho thấy có dấu hiệu dừng lại. Hồi tháng 7, nhà lãnh đạo Mỹ thậm chí dọa sẽ áp thuế bổ sung với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc. Ông Trump nói rằng ông muốn thu hẹp mức thâm hụt thương mại 376 tỷ USD của Mỹ với Trung Quốc và gây sức ép để buộc Bắc Kinh phải từ bỏ chính sách ép các doanh nghiệp Mỹ phải tiết lộ các bí mật kinh doanh nếu các doanh nghiệp này muốn vào thị trường Trung Quốc.

Đối với những tiểu thương như Xu Min, sự leo thang căng thẳng không mang lại lợi ích gì và họ chỉ mong mọi việc sẽ sớm được giải quyết. Bán thịt lợn giúp Xu trả 500 nhân dân tệ (khoảng 75 USD) tiền thuê nhà hàng tháng.

“Tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải chấp nhận thực tế. Đó là tất cả những gì tôi có thể làm”, Xu nói.

Trong khi đó, một tiểu thương bán thịt lợn khác tên Gao Jun Gui cho biết ông vẫn vui vẻ chấp nhận thiệt hại nếu điều đó có lợi cho đất nước của ông. Gao, 56 tuổi, đã bán thịt lợn từ 5 năm nay. Nhà cung cấp thịt cho ông đã tăng giá 2% từ tháng 7.

“Bây giờ tôi kiếm được ít tiền hơn nhưng trong cuộc chiến này chúng tôi nhất định sẽ thắng. Ông Trump giống như một đứa trẻ vậy, ông ấy đổi ý liên tục”, Gao nói, đồng thời nhận định đây là cơ hội để Trung Quốc giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài.

Tại Qibao, khu vực phía nam Thượng Hải, Xiao Lu, một tiểu thương buôn móng giò, cho biết công ty thực phẩm mà bà hợp tác đã có sự thay đổi lớn gần đây. 6 ngày trước khi Tổng thống Trum áp đợt thuế đầu tiên, công ty này đã ngừng cung cấp hàng nhập khẩu cho bà. Xiao Lu không biết điều đó có ảnh hưởng gì tới công việc kinh doanh của bà hay không.

“Chúng tôi thường bán cả hàng nội địa và hàng đông lạnh nhập khẩu. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi do việc áp thuế”, Xiao Lu nói.

Thành Đạt

Theo Washington Post