1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thế khó của ông Assad trong hồi kết cuộc chiến Syria

Tổng thống Assad đang rơi vào tình thế khó khăn khi vừa phải đối phó với ý đồ đưa quân của Thổ Nhĩ Kỳ, vừa phải để ý thái độ của Nga.

Tổng thống Assad đau đầu đối phó vấn đề người Kurd

Trong cuộc nội chiến kéo dài tại Syria, Tổng thống Assad đang là người phải chịu nhiều áp lực nhất và ngày càng rơi vào thế khó.

Giới phân tích cho rằng, lực lượng người Kurd chính là điểm mấu chốt dẫn đến những căng thẳng gần đây và đe dọa trực tiếp tương lai của người đứng đầu chính phủ Assad.

Thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ vốn có quan hệ không tốt với lực lượng dân quân người Kurd (YPG), khi Ankara cho rằng nhóm này liên quan đến PKK - lực lượng nổi dậy của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq.

Đối với chính quyền Erdogan, PKK và PYD đều là các lực lượng khủng bố gây nguy hiểm đến sự tồn vong của họ. Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại rằng những gì người Kurd đang đạt được tại Iraq và Syria sẽ thúc đẩy họ thiết lập nên một quốc gia cho riêng mình. Vì thế Ankara luôn tìm mọi cách để ngăn cản cũng như tiêu diệt lực lượng này.

Ngày 23/1, phát biểu sau cuộc họp báo với Phó tổng thống Mỹ Joe Biden tại thủ đô Istabul, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã để ngỏ khả năng sử dụng giải pháp quân sự để tấn công tổ chức khủng bố IS ở Syria cùng Mỹ, khi chính phủ Syria và phe đối lập nước này không thể đồng thuận một giải pháp chính trị tại cuộc đàm phán hòa bình ở Geneva sắp tới.

Tiếp đến từ ngày 13/2, Ankara liên tục nã pháo sang khu vực biên giới phía bắc Syria nhằm ngăn chặn sự mở rộng của một liên minh do người Kurd lãnh đạo ở quốc gia láng giềng. Thổ Nhĩ Kỳ cũng cáo buộc các chiến binh người Kurd ở Syria đứng sau vụ đánh bom tại thủ đô của nước này hôm 17/2 khiến 28 người thiệt mạng.

Vấn đề người Kurd đã đẩy tổng thống Assad rơi vào thế khó xử.
Vấn đề người Kurd đã đẩy tổng thống Assad rơi vào thế khó xử.

Đứng trước tình thế đó, chính quyền Tổng thống Assad đã buộc phải gửi thư lên Liên Hợp Quốc.

Damascus đã mô tả các vụ nã pháo qua biên giới của chính quyền Erdogan vào lãnh thổ nước này là hành động hậu thuẫn trực tiếp cho các nhóm “khủng bố”.

Hành động của chính phủ Syria đã nhận được sự ủng hộ của cả Nga, Pháp, Mỹ tuy nhiên Thổ Nhĩ Kỳ vẫn khẳng định không có lý do gì để phải ngừng pháo kích.

Trong một phát biểu hôm 20/2, Tổng thống Erdogan một lần nữa tuyên bố việc tấn công người Kurd ở Syria là hành động "phòng vệ chính đáng" sau khi các cường quốc thế giới kêu gọi Ankara ngừng pháo kích sang lãnh thổ nước láng giềng.

"Tình thế mà chúng ta đang đối mặt là quyền phòng vệ chính đáng. Không ai có thể phủ nhận hay hạn chế những quyền hợp pháp của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đối phó với các cuộc tấn công khủng bố", Tổng thống Erdogan nói.

Trước việc Ankara liên tiếp gây căng thẳng và lôi kéo thêm các nước đồng minh như Saudi Arabia cùng tiến hành đưa quân vào Syria đã buộc chính quyền Damascus phải đưa ra những tuyên bố cứng rắn.

Ngày 21/2, trong cuộc phỏng vấn với tờ báo Tây Ban Nha El Pais, tổng thống Assad đã lên tiếng cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia về ý định đưa quân sang lãnh thổ Syria.

Theo ông Assad, nếu Ankara hoặc Riyadh phái bộ binh đến Syria với lý do đấu tranh chống khủng bố IS thì Damascus sẽ đối xử với họ như với phiến quân khủng bố.

“Nếu điều này xảy ra, chúng tôi sẽ đối xử với họ như với những tên khủng bố. Chúng tôi bảo vệ đất nước mình. Không ai có quyền xâm nhập vào Syria - dưới góc độ chính trị hoặc quân sự. Như vậy sẽ là vi phạm luật pháp quốc tế, và đối với chúng tôi, với các công dân Syria, thì phương án duy nhất là bảo vệ Tổ quốc của mình”, ông Assad tuyên bố.

Rõ ràng người Kurd ở Syria đã gây nhiều khó khăn cho chính quyền Damascus. Nếu để cho lực lượng này ngày càng mạnh lên thì sẽ không thể bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, ngược lại đồng ý để cho Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào thì sẽ bị xâm phạm chủ quyền.

Tổng thống Assad phải ngó thái độ Nga

Ngoài vấn đề người Kurd, chính quyền Damascus thời điểm này còn có thêm một mối lo nữa, đó là phải làm vừa lòng Nga.

Còn nhớ trong một bài phát biểu trên truyền hình hôm 15/2, Tổng thống Assad đã vô tình khiến Moskva tức giận và có những tuyên bố nặng nề.

Khi được hỏi về vấn đế ngừng bắn hay dừng chiến dịch quân sự, nhà lãnh đạo Syria thật thà chia sẻ: “Nếu điều này xảy ra, nó cũng không có nghĩa là mỗi bên phải dừng sử dụng vũ khí. Ngừng bắn nhưng phải đảm bảo những tên khủng bố không thể củng cố lại lực lượng. Việc triển khai thêm vũ khí và tuyển thêm quân là không được cho phép”.

Ngoài ra, tổng thống Syria còn khẳng định, bất kì cuộc chuyển giao quyền lực chính trị nào trong tương lai đều phải tuân theo hiến pháp hiện nay của Syia và đề xuất về việc thành lập “cơ quan chuyển giao chính quyền” là xa rời với hiến pháp.

Thậm chí, ông Assad còn thể hiện rõ ràng việc Syria sẽ giành lại hoàn toàn lãnh thổ của mình và không chịu mất đi một phần đất nào cho lực lượng đối lập.

“Không có lý do gì để yêu cầu chúng tôi phải từ bỏ bất kỳ phần đất nào”, Tổng thống Assad nêu rõ quan điểm.

Chính quan điểm này của vị Tổng thống Assad đã làm căng thẳng thêm quan hệ giữa Nga- Syria.

Ngày 18/2, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin đã cảnh báo Tổng thống Assad sẽ phải đối mặt với những hậu quả thảm khốc nếu không tuân theo Moskva trong tiến trình hòa bình.

Theo ông Churkin, Moskva đã giúp chính quyền Damascus thay đổi cục diện chiến trường ở Syria và giờ là lúc ông Assad cần đi theo những định hướng của Nga và thể hiện cam kết về đàm phán hòa bình.

Ngoài vấn đề người Kurd, Tổng thống Assad còn phải tìm cách làm vừa lòng Nga trong cuộc chiến kéo dài.
Ngoài vấn đề người Kurd, Tổng thống Assad còn phải tìm cách làm vừa lòng Nga trong cuộc chiến kéo dài.

“Nga đã bỏ rất nhiều nguồn lực thực chất vào cuộc khủng hoảng này, trên tất cả các mặt chính trị, ngoại giao và giờ là cả quân sự. Vì thế đương nhiên chúng tôi muốn Tổng thống Assad hiểu điều đó. Tôi có nghe nhà lãnh đạo Syria phát biểu trên truyền hình… Dĩ nhiên những ngôn từ đó không đồng điệu với một lệnh ngừng bắn, chấm dứt thù địch đối đầu trong tương lai. Các nỗ lực đang được thực hiện theo hướng này”, ông Churkin khẳng định.

Trước những phản ứng dữ dội từ điện Kremlin, chính quyền Damascus đã buộc có động thái nhún nhường và làm hòa.

Ngày 21/2, khi trả lời tờ báo Tây Ban Nha, ông Assad đã buộc phải phát ngôn theo ý của Moskva về việc thực hiện ngừng bắn ở khu vực này.

"Tất nhiên chúng tôi đã tuyên bố sẵn sàng (tôn trọng một lệnh ngừng bắn) nhưng vấn đề không chỉ là tuyên bố điều này, vì phía bên kia cũng cần tuyên bố tương tự", Tổng thống Syria tuyên bố.

Tuyên bố của Tổng thống Assad được đưa ra một ngày sau khi Ủy ban đàm phán cấp cao, gồm đại diện các phe phái đối lập chính của Syria, nêu điều kiện để thực thi lệnh ngừng bắn tạm thời theo đề xuất của các cường quốc thế giới. Một trong số đó là việc Nga và Iran - các đồng minh của chính quyền Tổng thống Assad - ngừng chiến dịch quân sự tại quốc gia Trung Đông này.

Theo Trung Dũng (Tổng hợp)

Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm