1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thế khó cho Quyền đàm phán nhanh của Tổng thống Obama

Với 219 phiếu thuận và 211 phiếu chống, Hạ viện Mỹ hôm 12-6 đã thông qua dự luật Quyền đàm phán nhanh (TPA).

Tuy nhiên, động thái này chỉ mang tính biểu tượng và Tổng thống B.Obama sẽ phải chờ đợi ít nhất là cho tới đầu tuần sau mới có thể biết được số phận của quyền đàm phán nhanh mà ông rất trông đợi để có thể hoàn tất quá trình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ngày 12-6, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu phản đối giải pháp Hỗ trợ Điều chỉnh Thương mại (TAA), một phần của gói dự luật TPA được Thượng viện thông qua hồi tháng trước. Theo quy định, gói dự luật TPA chỉ có thể được đưa lên bàn Tổng thống để ký thành luật nếu Hạ viện phê chuẩn cả dự luật TPA và dự luật TAA. Động thái này khiến Quốc hội Mỹ tạm thời chưa thể gia hạn và trao cho Tổng thống quyền đàm phán nhanh, bất chấp việc TPA được Hạ viện thông qua trong cuộc bỏ phiếu cùng ngày.

Hạ viện Mỹ hôm 12-6 đã bỏ phiếu phản đối TAA, một phần của gói dự luật TPA. (Ảnh:
Hạ viện Mỹ hôm 12-6 đã bỏ phiếu phản đối TAA, một phần của gói dự luật TPA. (Ảnh: AP)

TAA, dự luật nhằm hỗ trợ và đào tạo lại nhân công bị mất việc làm do ảnh hưởng của các thỏa thuận thương mại đã bị Hạ viện bác bỏ với tỷ lệ 302 phiếu chống và 126 phiếu thuận. Phần lớn các hạ nghị sĩ Dân chủ và nhiều nghị sĩ Cộng hòa đã bỏ phiếu chống với lý do dự luật này không đủ để hỗ trợ người lao động Mỹ bị mất việc làm vì TPP cũng như để phản đối đề xuất cắt 700 triệu USD trong khoản ngân sách 2,6 tỷ USD tiền bảo hiểm y tế dành cho người cao tuổi (Medicare) để hỗ trợ cho chương trình TAA.

Việc Hạ viện bác bỏ dự luật TAA được xem là một đòn nặng đối với Tổng thống Obama. Chỉ vài giờ trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu, ông Obama đã đích thân tới đồi Capitol và bày tỏ lời kêu gọi mang tính cá nhân vào phút chót đối với các nghị sĩ cùng thuộc Đảng Dân chủ, đề nghị họ bỏ phiếu ủng hộ. Tuy vậy, lời kêu gọi này của ông chủ Nhà Trắng đã không được chính những người cùng đảng ông hưởng ứng.
 
Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện, Hạ nghị sĩ Nancy Pelosi, tuyên bố, các nhà lập pháp của Đảng Dân chủ “muốn một thỏa thuận tốt hơn cho người lao động Mỹ”. Bà Pelosi thậm chí còn công khai phản đối TAA. Trong lá thư gửi cho các nghị sĩ sau cuộc bỏ phiếu, bà Pelosi hối thúc các nhà lập pháp Dân chủ và Cộng hòa phối hợp soạn thảo một dự luật thương mại mới, trong đó có những điều khoản mạnh mẽ hơn nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động Mỹ và môi trường. Bà cũng nói rằng triển vọng thông qua TPA sẽ “tăng đáng kể” nếu Quốc hội gia hạn một dự luật cấp phép cho việc mở các dự án đường cao tốc lớn.

Trước những phát biểu của bà Pelosi, Hạ nghị sĩ Charlie Dent của phe Cộng hoà ngay lập tức chỉ trích phe Dân chủ là “đã bắt chính con mình làm con tin”. Trong khi đó, lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Kevin McCarthy bày tỏ sự thất vọng đồng thời khuyến cáo các đồng nghiệp Dân chủ “hãy xem lại một cách nghiêm túc” lập trường của mình trước khi diễn ra một cuộc bỏ phiếu mới về TAA.

Một cố vấn nghị sĩ của Đảng Cộng hòa ngày 12-6 cho biết, với kết quả trên, các nhà lãnh đạo đảng này dự kiến Hạ viện sẽ nhóm họp để bỏ phiếu lại về TAA vào ngày 16-6 tới với hy vọng Tổng thống Obama sẽ có thêm thời gian để thuyết phục các nghị sĩ Dân chủ. Thông báo này đã mở ra cho gói dự luật Quyền đàm phán nhanh một cơ hội.
 
Tuy nhiên giới quan sát nhận định trước sự phản đối quá mạnh của các nghị sĩ Dân chủ, cơ hội để ông Obama sở hữu TPA và hoàn tất đàm phán TPP là rất thấp. Lý do là vì trong khi hầu hết các nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ TPP thì phần lớn các nghị sĩ Dân chủ lại phản đối hiệp định này do lo ngại rằng một khu vực tự do thương mại chiếm tới 30% thương mại và 40% kinh tế toàn cầu sẽ chỉ mang lại lợi ích cho các công ty đa quốc gia.
 
Bên cạnh đó, các tổ chức công đoàn Mỹ, vốn có mối liên hệ mật thiết với khả năng tái cử của các nghị sĩ Dân chủ, cũng lo ngại nhiều người lao động trong nước sẽ mất việc do các công ty Mỹ sẽ tìm nguồn nhân công giá rẻ ở nước ngoài.
 
Giới phân tích đánh giá việc giành TPA là một "cuộc chiến" cam go của Nhà Trắng, đồng thời cũng bộc lộ sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ Đảng Dân chủ đang nắm quyền hành pháp.
 
Theo Wall Street Journal thì kết quả bỏ phiếu cũng cho thấy ảnh hưởng suy giảm của Tổng thống Obama, người chỉ còn 18 tháng trong nhiệm kỳ hai. Ernest Bower, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Viện Nghiên cứu CSIS bình luận sau cuộc bỏ phiếu là “Quốc hội vừa đào một cái hố lớn về kinh tế và chính trị và ném toàn bộ người Mỹ vào đó”.

Bất chấp thất bại lần này, chính phủ Mỹ vẫn tỏ ra lạc quan về khả năng gói dự luật quyền đàm phán nhanh sẽ được Quốc hội thông qua khi Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest cho rằng, kịch bản bác bỏ rồi sau đó thông qua tại Thượng viện sẽ được lặp lại tại Hạ viện. Nếu được Quốc hội trao TPA, đây là một thắng lợi đối với chính quyền của Tổng thống Obama, người từng coi việc kết thúc đàm phán TPP với 11 đối tác châu Á-Thái Bình Dương khác là một ưu tiên đối ngoại trong nhiệm kỳ hai. Còn nếu một lần nữa thất bại thì gói dự luật TPA sẽ được đẩy trở về Thượng viện để xem xét lại.

Tới nay, các cuộc đàm phán về TPP gần như đã hoàn tất, song các đối tác thương mại của Mỹ cho biết họ muốn chính quyền Tổng thống Obama có được TPA trước khi hoàn tất hiệp định. Dự luật này trao cho Nhà Trắng toàn quyền đàm phán và thỏa thuận các điều khoản của TPP. Sau khi đàm phán hoàn tất, Quốc hội Mỹ chỉ có quyền phê chuẩn hoặc phủ quyết, mà không có quyền điều chỉnh các điều khoản đã nhất trí.

Theo Ngọc Hà
Quân đội Nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm