Thế hệ 9X Trung Quốc “cất cánh”
(Dân trí) - Mặc áo có in tên của các cầu thủ bóng đá châu Âu, vào mạng load chương trình game mới nhất, nghe nhạc hiện đại, và đọc truyện tranh Nhật Bản, thế hệ 9X Trung Quốc ngày nay đang tự hoà mình vào văn hoá quốc tế.
Và văn hoá đó cho họ những ý tưởng, ý tưởng mà một ngày nào đó có thể làm thay đổi những truyền thống có từ nhiều thế kỷ nay. “Internet đã chắp cánh cho bọn trẻ”, Sun Yun Xiao, phó chủ tịch trung tâm nghiên cứu thanh niên và trẻ em Trung Quốc cho biết.
Được trang bị nguồn kiến thức vô tận từ internet, thế hệ 9X Trung Quốc đang phá vỡ truyền thống có từ ngàn xưa, thách thức các thầy cô bằng cách bày tỏ ý kiến riêng của mình trong lớp.
“Ngày nay học sinh hỏi bạn vì sao, và nếu bạn không trả lời thấu đáo, họ sẽ không chấp nhận những gì bạn nói”, Zhao Hongxia, một giáo viên trẻ tại một trường tư thục ở Bắc Kinh cho biết. “Ở thời của chúng tôi, những gì giáo viên nói luôn luôn đúng”.
Vì vậy, thế hệ 9X “khác xa” với các thế hệ trước, Tony Hu, một học sinh trung học ở Bắc Kinh vừa bước sang tuổi 18 khẳng định. “Chúng tôi có nhiều cách tiếp nhận thông tin hơn. Thế hệ trước chúng tôi không biết gì ngoài việc cắm cúi vào học”.
Lời nhận xét trên của cậu học sinh thế hệ 9X nghe có vẻ hơi “tàn nhẫn”, nhưng Sun, làm việc cho viện nghiên cứu thuộc Đoàn thanh niên Cộng sản Trung Quốc, về cơ bản đồng ý với nhận xét. “Thế hệ trẻ 9X tự tin hơn và có nhiều kinh nghiệm hơn. Chúng rõ ràng là dũng cảm hơn và sẵn sàng thách thức” thế hệ đi trước. Theo anh “lý do là bởi chúng có internet, phương tiện giúp chúng biết mọi điều, và bởi chúng được đi đây đó nhiều hơn. Chúng có nhiều cách tiếp cận với kiến thức hơn”.
Số lượng người sử dụng internet đã bùng nổ ở Trung Quốc trong những năm gần đây, và người tiên phong trong cuộc cách mạng này là thế hệ trẻ, thế hệ khát khao được tìm hiểu về cuộc sống bên ngoài biên giới đất nước mình. Năm 1999, mới chỉ có 4 triệu người kết nối internet ở Trung Quốc, nhưng đến cuối năm ngoái con số đó tăng lên đến 137 triệu.
Điều đó đồng nghĩa với việc thế hệ 9X có cơ hội mở rộng tri thức mà giáo viên của chúng thường không thể bắt kịp. “Tôi học từ sách vở”, Jenny Li, hiện đang đào tạo giáo viên ở một trường cao đẳng tại Bắc Kinh cho biết. “Còn bọn trẻ lại học từ thế giới bên ngoài”.
Vì vậy giáo viên gặp rất nhiều khó khăn trong việc giảng dạy, Zhao cho biết thêm. “Thật khó có thể khiến chúng tập trung được trong lớp”, cô phàn nàn. “Bởi chúng đã biết rất nhiều. Vì vậy giáo viên phải mở rộng được chân trời của chúng”.
Giáo viên Trung Quốc cũng vô cùng chật vật với việc nâng cấp chương trình giảng dạy. Kể từ năm 1994, hàng loạt cải cách đã được tiến hành trong hệ thống giáo dục của Trung Quốc, chuyển từ “học gạo” sang cách học Tây hơn, tập trung vào suy nghĩ độc lập. “Chúng tôi đang chuyển từ hình thức giảng dạy lấy giáo viên là trung tâm sang hình thức lấy học sinh là trung tâm”, Wang Wu Xing, một giảng viên thuộc Học viện giáo dục Bắc Kinh cho biết.
Đi tiên phong trong phương pháp này là trường Trung học phổ thông số 1 tại thành phố cảng Tianjin, từ năm nay đã bắt đầu thử nghiệm một chương trình đào tạo khác hẳn lối cũ. Lần đầu tiên học sinh được phép viết các bài luận về lịch sử khác với các kết luận của sách giáo khoa, ví dụ như về việc phong trào Nghĩa Hòa đoàn đánh lại các cường quốc phương Tây hồi thế kỷ 19. Một giáo viên của trường giải thích thêm: “Nếu các em biện luận tốt thì sẽ được điểm cao”.
Theo Xi Haixin, một học sinh trung học 17 tuổi cho biết, internet đã làm thay đổi cậu và thế hệ của cậu. “Tôi giờ đã là một phần của xã hội quốc tế”, cậu không quên liệt kê Miami Heat là đội bóng rổ yêu thích nhất của mình, rhythm & blues là loại nhạc “ruột” của cậu, và “Người nhện 3” là bộ phim hay nhất từng xem gần đây. “Thế hệ chúng tôi tất cả đều nghe cùng một loại nhạc, xem cùng một loại phim”.
Về vấn đề này, giáo viên Wang Zhangmin nhận xét: “Khi học sinh học được từ văn hoá nước ngoài, rõ ràng là chúng sẽ cảm thấy mình gần gũi với toàn cầu hơn, quốc tế hơn”.
Nhưng thế hệ được toàn cầu hoá này sẽ làm thay đổi bộ mặt của Trung Quốc đến đâu? Với Tony Hu, điều đó có vẻ như còn mơ hồ: “Tôi không rõ chủ nghĩa cá nhân của chúng tôi có thể làm thay đổi môi trường ở đây nhiều hay không. Những “khuôn mẫu” của Trung Quốc đã được thiết lập từ nhiều năm nay. Và nếu chúng tôi không thể thay đổi được môi trường, thì môi trường sẽ thay đổi chúng tôi. Chúng tôi phải vươn lên để sống sót”.
Còn nhà nghiên cứu Sun Yun Xiao thì chứa chan hi vọng: “Thế hệ 9X có tinh thần hội nhập vô cùng mạnh mẽ. Và đây là một xu hướng có thể nhìn thấy rõ”.
Phan Anh
Theo Csmonitor