1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thế giới tiền giả

Cách đây vài năm, cảnh sát Nhật đã phát hiện một tàu hàng nước ngoài tại cảng Sakai thuộc Sakaiminato với lô USD giả.

Gần như cùng thời điểm, cảnh sát Bồ Đào Nha cũng bắt 7 người với 7,5 triệu USD giả (loại 100USD). Bộ trưởng Tư pháp Bồ Đào Nha cho biết, lượng tiền giả trên được sản xuất tại nước mình và chuẩn bị được đưa ra nước ngoài. Tháng 9-2014, 3 người Thái Lan cũng bị cảnh sát Campuchia bắt với số USD giả trị giá hơn 7 triệu! 

Phù thủy tiền giả

Đầu tháng 1-2000, tại phi trường Amritsar (Ấn Độ), cảnh sát đã bắt được một nhóm vận chuyển tiền giả trong đó có một tội phạm Nigeria. Trung tuần tháng 2-2000, Christian Botha - Giám đốc Công ty Thám tử tư Corporate Investigation Services - lại phối hợp cùng cảnh sát Nam Phi phá một lò làm tiền giả tại Cape Town. Trước đó vài tháng, cũng ở Nam Phi, người ta tóm được Fritz Frauendorff với 2 triệu USD giả…

Ba vụ trên là những vụ được ghi nhận về hoạt động làm tiền giả, chủ yếu đôla Mỹ, của các nhóm tội phạm chuyên nghiệp. Theo Michael Seremetis, đặc vụ Secret Service phụ trách khu vực New York, vài năm qua, một đường dây làm tiền giả chuyên nghiệp đã bơm hàng triệu USD (tờ mệnh giá 100USD) vào New York và một số thành phố lớn tại Mỹ.

Có bao nhiêu nhóm như vậy đang làm ăn và bao nhiêu đôla Mỹ giả đang lưu hành trên thế giới? Trong các vụ phá án tiền giả, vụ sau được xem là một trong những vụ “kinh điển” nhất.

the gioi tien gia

Đôla giả được phát hiện tại Peru

Đầu tháng 1-1996, đường dây lưu hành “siêu tiền giả” bắt đầu lộ vết, khi có hai gã vào cửa tiệm chụp ảnh tại khu nghỉ mát Pattaya (Thái Lan), đưa ra một sấp gồm 90 tờ 100USD mới cứng. Ông chủ tiệm ảnh kiêm kinh doanh dịch vụ hối đoái đưa lại cho hai gã đó 225.000 baht sau khi xem xét cẩn thận sấp USD. Chỉ một chút sau, ông chủ tá hỏa khi nhận ra rằng mớ USD kia toàn là tiền giả, được làm với kỹ thuật rất tinh vi. Khi nhận được nguồn tin, cảnh sát tung nhân viên truy lùng và tóm được 5 tên, tất cả đều là người Thái, nằm trong đường dây lưu hành USD giả. Một trong những tên bị bắt khai rằng, hắn nhận được giấy bạc giả từ một doanh nhân Nhật…

Từ lâu, các viên chức điều tra đã được báo động về chất lượng lẫn số lượng USD giả đang lưu hành rộng rãi. Tờ 100USD là đơn vị tiền tệ được nhiều trung tâm thương mại chọn như là loại tiện dụng nhất, đặc biệt tại những nơi ngoài nước Mỹ, luật pháp tương đối lỏng lẻo và nạn lạm phát đe dọa nghiêm trọng đồng tiền nội địa. Không như các loại tiền giả khác, tờ 100USD giả trông hệt như thật, với kỹ thuật in đạt gần mức hoàn hảo tuyệt đối trên cùng loại giấy được Mỹ sử dụng.

Trở lại vụ trên, khi tiến hành điều tra, cảnh sát còn phát hiện rằng đứng đầu đường dây lưu hành USD giả là một kẻ khủng bố trước kia từng phục vụ quân đội Nhật, tên Yoshimi Tanaka, 47 tuổi. Tông tích của Tanaka dường như bặt tăm từ năm 1970, sau khi hắn cùng 8 tên cấp tiến khác tổ chức cướp một máy bay của hàng không Nhật rồi chuồn mất dạng. Cuối cùng, Tanaka lộ diện và bị tóm vào tháng 3-1996 tại Campuchia, sau một cuộc truy đuổi được miêu tả là gay cấn như trong phim! Khám người hắn, cảnh sát phát hiện Tanaka dùng thông hành giả với tên Kim Il Su. Sau đó, Tanaka bị dẫn độ sang Thái Lan và bị xử, với tội danh “sở hữu và dùng USD giả”.

Tiền giả chất lượng cao, mà giới nhà nghề gọi là “siêu tiền giả”, được sản xuất tại một số nước, trong đó bọn tội phạm Iran, Syria và Nga nằm trong vòng nghi vấn nhiều nhất. Yoshihide Matsumura - chuyên gia về tiền giả của Nhật - cho biết những tờ đôla thu được lần này không mang các dấu hiệu riêng biệt cho thấy chúng được sản xuất tại Iran hoặc Nga mà ở một nước châu Á. Hiện có khoảng 380 tỉ USD với đủ mệnh giá đang nằm trong vòng xoay của thị trường, trong đó chừng 60% lưu hành ngoài nước Mỹ. Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong một cuộc khảo sát thực hiện gần đây, người ta phát hiện 208,7 triệu USD giả. Thật ra, không ai có thể biết chính xác lượng USD giả đang lưu hành, bởi vẫn tồn tại dòng chảy tiền tệ ngầm của giới tội phạm quốc tế, không bao giờ lọt qua bất kỳ hệ thống ngân hàng nào nên không thể kiểm soát được.

Giới điều tra chống tội phạm châu Á cho biết, USD giả từng tràn ngập tại Campuchia. USD giả mà người ta nghi rằng do đám Tam hoàng làm là loại phức tạp và khó phát hiện nhất. Robert Leuver - cựu Giám đốc Cục In ấn tiền tệ Mỹ, hiện là Giám đốc điều hành của Hội sưu tầm tiền Mỹ - đã cung cấp nguồn tin khá chú ý: từ hai thập niên qua, Tam hoàng đã có mẫu máy in tương tự loại được dùng ở Mỹ, mang nhãn hiệu Intagliocolor 8 sản xuất tại Thụy Sĩ, đồng thời nhiều kỹ thuật viên của chúng cũng được gửi đến Lausanne (Thụy Sĩ) học cách sử dụng thiết bị in. Tuy nhiên, dù có máy móc thích hợp cũng như tay nghề vững, bọn làm tiền giả Tam hoàng cũng khó lòng làm ăn gì được bởi không có loại giấy đúng tiêu chuẩn (hỗn hợp gồm 75% cotton và 25% linen trộn với sợi giấy màu đỏ và xanh dương). Muốn có loại giấy tương đương - Leuver nói thêm - bọn làm tiền giả chỉ có cách tẩy tờ 1USD rồi in mẫu 100USD lên. Một kẻ đã “đào ngũ” khỏi giới làm tiền giả trong một băng chuyên in tiền giả của Tam hoàng khai rằng, nơi làm tiền giả và các loại giấy tờ giả khác, thẻ thông hành chẳng hạn, là một địa điểm bí mật gọi là “Văn phòng liên lạc 101”...

Còn nhiều lò tiền giả khắp thế giới

Vụ án Tanaka được phá như thế nào? Dấu vết Tanaka được lần ra khi người ta tóm được một doanh nhân người Nhật tên Shogo Kodama - kẻ khai với cảnh sát Thái Lan rằng, hắn nhận USD giả từ một người Nhật khác ở Phnom Penh, tên Kazunori Hayashi. Phía Thái Lan yêu cầu giới chức Campuchia mở cuộc điều tra. Cùng thời điểm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Campuchia cũng nhận được đề nghị từ Đại sứ quán Mỹ xin phép cho một số viên chức thuộc Cơ quan Mật vụ Mỹ (Secret Service-SS) được đến Campuchia để cùng tiến hành điều tra. Lý do chính: Mỹ tin rằng, Hayashi và Tanaka chỉ là một người. Tháng 2-1996, ba nhân viên SS đến Phnom Penh và nhanh chóng bám sát một cửa hàng do Kodama đứng tên thuê. Trước kia, Kodama từng bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ vì can dự vào một số phi vụ mờ ám nhưng được thả vì chứng cớ buộc tội không đầy đủ.

Sau đó, Kodama cùng mở doanh nghiệp buôn bán xe hơi cũ tại Phnom Penh với một kẻ xưng là Hayashi. Cửa hàng của Kodama gần như đóng cửa suốt ngày và “đối tác” Hayashi cũng hiếm khi đến đó. Nhưng các tấm ảnh do viên chức điều tra Mỹ chụp lén được cho thấy Hayashi trông hệt như Tanaka. Phía Mỹ báo với Campuchia, đề nghị bằng mọi giá không để Tanaka thoát. Một viên chức cảnh sát cấp cao Campuchia cùng một nhân viên SS vội vã đến khu Bavet sát biên giới, đưa ảnh của Tanaka cho đội biên phòng ở đây.

Ngày 22-3-1996, Tanaka xuất hiện tại Phnom Penh. Hai ngày sau, người ta thấy một chiếc Mercedes với cửa kính đen phóng trực chỉ đến Bavet. Một xe cảnh sát Campuchia đuổi theo nhưng bị bỏ rơi vì xẹp lốp giữa chừng. Tại Bavet, đội biên phòng đề nghị bốn người trong chiếc Mercedes bước ra để nhận dạng. Ba người tuân lệnh, trừ một gã ngồi lì bên trong. Một tên thậm chí còn lên tiếng: “Chúng tôi là bạn của Hoàng thân Sihanouk. Nếu các anh không cho đi ngay, chúng tôi sẽ báo cho hoàng thân biết và rồi các anh sẽ gặp rắc rối to”. Vẫn bị khước từ, một tên trong bọn đưa ra một sấp 100USD. “10.000USD tiền mặt đấy. Cho chúng tôi đi ngay!”.

Trước số tiền quá lớn, lính biên phòng Campuchia bỗng cảm thấy e sợ, hiểu rằng 4 người này hẳn đang gặp rắc rối rất nghiêm trọng với pháp luật. Không lâu sau, cảnh sát Campuchia và các nhân viên SS Mỹ ập đến, nhưng gã ngồi trong xe vẫn nhất định không ra, thậm chí còn giả vờ nhắm mắt ngủ! Mãi đến khi chạng vạng tối, bọn đi xe Mercedes mới chịu nhượng bộ quay lại Phnom Penh. Trên đường về, chiếc Mercedes bị kẹp giữa một đoàn xe và quân đội cũng được huy động hai bên đường để phòng chiếc Mercedes liều lĩnh thoát chạy. Chiếc Mercedes đã bị chắn đường bởi loạt rào cản dựng tạm, cuối cùng đành thất thủ đến trụ sở Bộ Nội vụ Campuchia. Khi xác định lại dấu tay, cảnh sát khẳng định kẻ thứ tư ngồi trong xe không chịu ra không ai khác hơn là Tanaka. Tuy là trùm của đường dây lưu hành USD giả nhưng Tanaka lại mang theo 30.000USD thật 100% trên đường đào tẩu...

Năm 2005, thủ phạm Anatasios Arnaouti (sinh năm 1967) đã bị xử tù với tội điều hành một đường dây làm tiền giả tại Manchester (Anh). Ở thời điểm Anatasios Arnaouti và đồng bọn bị thộp, cảnh sát phát hiện và tịch thu lượng tiền giả trị giá 2,5 triệu bảng (giấy 10 bảng) và 3,5 triệu USD (giấy 100USD) nhưng tổng lượng tiền giả mà bọn Arnaouti tung ra thị trường chẳng ai biết bao nhiêu bởi chúng từng hoạt động nhiều năm trước khi bị sa lưới. Trong chiến dịch Gait, Lực lượng Phòng chống tội phạm Anh phối hợp cùng Cục Mật vụ Hoa Kỳ đã tiến hành theo dõi Arnaouti từ tháng 12-2002, cùng thời điểm mà BBC cài người thành công vào đường dây tiền giả với những đoạn phim bằng chứng mười mươi. Ngày 14-6-2005, Arnaouti bị xử 8 năm tù.

Cũng trong năm 2005, hệ thống ngân hàng Peru bắt đầu thông báo không nhận tờ 100USD serie CB-B2 phát hành năm 2001 bởi loạt USD với serie này đã bị làm giả và xuất hiện nhan nhản thị trường Peru. Gần đây hơn, người ta cũng thấy USD giả lại xuất hiện ở Mỹ. Thoạt nhìn, tờ 50USD được giao dịch tại cửa hàng bánh của Jimmy John (số 1019 E. Broadway, New York) vào hạ tuần tháng 9-2006 trông chẳng có gì bất thường. Nó là tiền thật nhưng là tờ 5USD, đã bị in chồng lên thành số 50!

Trong một phóng sự chuyên đề, AP cho biết, kinh đô của thế giới USD giả hiện nằm ở Peru. Từ 2004-2014, 103 triệu USD giả “sản xuất tại Peru” đã được tịch thu mà gần 1/2 trong số đó được phát hiện từ năm 2010 đến nay. Năm 2013, SS Hoa Kỳ thậm chí phải đặt một văn phòng tại Lima (Peru) để theo dõi đường dây làm USD giả. Hầu hết USD giả từ Peru được “nhập” vào Mỹ nhưng cũng được tuồn đến những nước lân cận trong đó có Argentina, Venezuela và Ecuador - theo Đại tá Segundo Portocarrero, Trưởng bộ phận điều tra tiền giả của cảnh sát Peru. Một trong những “công ty” sản xuất tiền giả lớn nhất Peru là “Los Nique” mà ông chủ Joel Nique Quispe của nó đã bị bắt năm 2013 và bị xử 12 năm tù. Một đường dây khác nằm dưới sự điều hành của Wilfredo Cobo. Bị bắt năm 2008, Wilfredo được thả vào hai năm sau và lại bị bắt vào năm 2013. Dùng thân nhân tại Ý, Tây Ban Nha và Pháp, Wilfredo đưa euro giả vào châu Âu qua ngả Chile và Nam Phi.

Cũng cần nói thêm về máy phát hiện tiền giả hiện đại nhất hiện nay là loại được sản xuất tại công ty điện tử Matsumura của Yoshihide Matsumura. Kích thước chỉ bằng chiếc điện thoại, máy phát hiện tiền giả của Matsumura có thể nhận biết loại tiền giả phức tạp nhất, trong số khoảng 500 mẫu tiền giả mà nhóm nghiên cứu của Matsumura từng nhận dạng. Chỉ cần 7 giây quét (scan), máy không những phát hiện tiền giả mà còn cung cấp một số thông tin hữu ích khác, như giấy quá mỏng hay mực in quá đậm - những chi tiết không bao giờ nhìn thấy bằng mắt thường. Giá 1.950 USD/cái, máy phát hiện tiền giả của Matsumura được tiêu thụ mạnh tại các nước đang bị nạn làm tiền giả lộng hành.

Theo tờ India Times và International Herald Tribune, những nơi đang nhộn nhịp nhất trong hoạt động làm đôla giả hiện nay là một số nước Trung Đông và Nam Á. Tuy nhiên, phát ngôn viên Carl Meyer thuộc Cơ quan mật vụ Mỹ cho rằng, không ai có thể biết chính xác có bao nhiêu đôla giả đang lưu hành.

Theo Cao Minh

PetroTimes

Thế giới tiền giả - 2