1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

"Thế giới ngầm" đằng sau nhóm lính đánh thuê ám sát Tổng thống Haiti

Đức Hoàng

(Dân trí) - Vụ ám sát Tổng thống Haiti Jovenel Moise được cho đã hé mở một "thế giới ngầm" đằng sau nhóm lính đánh thuê, với lực lượng phần lớn là cựu quân nhân Colombia.

Thế giới ngầm đằng sau nhóm lính đánh thuê ám sát Tổng thống Haiti - 1

Vũ khí thu được sau vụ ám sát ông Moise (Ảnh: Reuters).

Khi Mauricio Javier Romero cân nhắc lời đề nghị làm việc mới, người đàn ông này hỏi ý kiến của vợ.

"Đó là quyết định của anh, nhưng anh sẽ nhận được sự ủng hộ của em", vợ cho biết. Trả lời báo Colombia Semana, người phụ nữ này cho hay chồng mình là người "luôn cố gắng làm những điều đúng đắn".

Tuy nhiên, chính quyền Haiti cáo buộc Romero là một thành viên trong số 26 lính đánh thuê Colombia - trong đó hầu hết là cựu quân nhân - bị nghi đã tham gia vào vụ ám sát ngày 7/7 Tổng thống Moise tại tư dinh ở thủ đô Port-au-Prince.

Cảnh sát Haiti thông báo 18 lính đánh thuê đang bị bắt, 5 đang bị truy nã và 3 bị giết chết trong các cuộc đối đầu sau khi vụ ám sát diễn ra. Romero, 45 tuổi, là một trong những người đã chết. Ông này từng phục vụ 21 năm trong quân đội Colombia.

Ngoài việc khiến tình hình chính trị ở Haiti trở nên rối ren hơn nữa, vụ ám sát cũng được xem đã hé lộ một phần về "thế giới ngầm" đằng sau nhóm lính đánh thuê Colombia.

Theo Tribune News, không có một nghiên cứu toàn cầu về chủ đề lính đánh thuê, nhưng hình thức này dường như bùng phát từ thời điểm Mỹ tham chiến ở Iraq và Afghanistan. Các nguồn tin nói rằng, một số nhiệm vụ tại các chiến trường này được giao cho các nhà thầu quân sự, trong đó có lính đánh thuê.

Theo chuyên gia Sean McFate, từ Hội đồng Đại Tây Dương, hiện nay thị trường lính đánh thuê rất đa dạng, với 3 nhóm chính là: nhóm nói tiếng Nga, nhóm nói tiếng Anh và nhóm nói tiếng Tây Ban Nha.

Người Colombia là đội ngũ chủ chốt trong nhóm nói tiếng Tây Ban Nha, vốn gồm cả cựu binh từ El Salvador, Guatemala và một số nơi khác tại Nam Mỹ.

Trong nhiều năm, hàng trăm cựu binh Colombia, những người kiến thức sâu rộng về chiến tranh chống nổi dậy - đã tận dụng kỹ năng của họ ở nước ngoài, đặc biệt là ở Trung Đông, khi họ nhận được các hợp đồng từ đối tác nước ngoài.

Thù lao hấp dẫn

Thế giới ngầm đằng sau nhóm lính đánh thuê ám sát Tổng thống Haiti - 2

Các nghi phạm bị bắt giữ trong vụ ám sát ông Moise (Ảnh: AP).

Nhóm lính đánh thuê Colombia được nhiều khách hàng thuê với các mục đích khác nhau gồm cả mục tiêu muốn tạo ra hoặc nâng cấp quân đội hoặc muốn thành lập một đội tấn công.

"Vì sao cựu quân nhân Colombia là ứng viên tốt? Vì họ được huấn luyện bài bản, có kỷ luật tốt và có kinh nghiệm chiến đấu. Luôn có những nhóm tìm kiếm những cá nhân được huấn luyện tốt cho việc bảo vệ và đảm bảo an ninh", chuyên gia quân sự Carlos Calatrava tại Đại học Công giáo Andres Bello ở Caracas, Venezuela, cho hay.

Và yếu tố quan trọng nhất là tiền bạc.

Một binh sĩ trong quân đội Colombia kiếm được khoản tiền dưới 500 USD/tháng, một trung sĩ có kinh nghiệm có thể kiếm được gấp đôi. Lương hưu hàng tháng cho những cựu binh từ các cấp bậc này dao động từ 325-650 USD. Nhiều người đã làm thêm nghề bảo vệ sau khi xuất ngũ để kiếm thêm thu nhập.

Để so sánh, những người lính đánh thuê Colombia trong vụ ám sát ông Moise được cho có thể nhận được khoản lương 3.000-3.500 USD mỗi tháng.

Chính lý do tiền bạc đã thu hút Dubernay Capador Giraldo, 40 tuổi, một cựu quân nhân Colombia quyết định đến Haiti. Giraldo, người bị thiệt mạng sau vụ ám sát ông Moise, cũng đã nói với các đồng nghiệp về nhiệm vụ này, bao gồm cả Romero.

"Dubernay nghĩ rằng nhiệm vụ này sẽ mang lại cho anh ấy cơ hội được ra nước ngoài để nâng cao chất lượng cuộc sống. Anh ấy cũng nghĩ về việc giúp đỡ các đồng nghiệp có được tương lai tốt hơn ở bên ngoài lãnh thổ Colombia", em gái của Giraldo, Jenny Capador Giraldo, cho biết.

Các nhóm lính đánh thuê thường tuyển quân thông qua truyền miệng. Các trung gian sẽ dựa vào một số người tin cậy để giúp tìm những người khác có kỹ năng tương tự.

Nghi vấn bị "lừa tham gia vụ ám sát"

Thế giới ngầm đằng sau nhóm lính đánh thuê ám sát Tổng thống Haiti - 3

Nhóm nghi phạm bị bắt cùng lô vũ khí thu được sau vụ ám sát Tổng thống Haiti (Ảnh: Sputnik).

Vụ ám sát ông Moise đã gây nên phản ứng khá tiêu cực ở Colombia. Quân đội nước này cho rằng, họ không thể làm gì nhiều để ngăn các cựu chiến binh đi làm lính đánh thuê.

"Việc tuyển dụng các cựu quân nhân tới những khu vực khác trên thế giới làm lính đánh thuê là một vấn đề, nhưng không có quy tắc nào cấm hay cản trở việc này", Tướng Luis Fernando Navarro, chỉ huy các lực lượng vũ trang Colombia, cho hay.

Trong khi đó, nhiều người Colombia tin rằng, các cựu quân nhân nước này bị "lừa để tham gia âm mưu ám sát". Các ý kiến này cho rằng, các cựu chiến binh dường như được hứa hẹn sẽ ra nước ngoài để làm các nhiệm vụ hợp pháp, ví dụ như bảo vệ, vệ sỹ…

"Một quân nhân Colombia không bao giờ tham gia, thậm chí nghĩ đến việc tham gia một vụ giết người. Họ đã bị lừa dối", Ngoại trưởng kiêm Phó tổng thống Colombia nhận định hồi cuối tuần qua.

Tổng thống Colombia Ivan Duque cũng nghi ngờ rằng hầu hết những người Colombia tới Haiti làm lính đánh thuê dường như không biết được nhiệm vụ của họ là giết người.

Người góa phụ của Romero tin rằng, chồng cô không bao giờ tham gia vào một âm mưu ám sát "thấp hèn trong mọi hoàn cảnh".

Tương tự, người em gái của Giraldo cho biết, cô sẽ không đi tìm sự thật cho tới khi anh trai được "minh oan" và khẳng định "anh ấy là người tốt".