1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thế giới chạm cột mốc u ám: 4 triệu người tử vong vì Covid-19

Đức Hoàng

(Dân trí) - Hơn 4 triệu người đã thiệt mạng vì Covid-19 được ghi nhận sau một năm rưỡi dịch bệnh bùng phát. Đây là một dấu mốc đau thương giữa lúc nhiều nước vẫn đang vật lộn với biến chủng Delta.

Thế giới chạm cột mốc u ám: 4 triệu người tử vong vì Covid-19 - 1

Thế giới ghi nhận con số 4 triệu người chết vì Covid-19 (Ảnh minh họa: EPA).

AP đưa tin, theo số liệu của Đại học John Hopkins (Mỹ), số người tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu đã vượt qua mốc 4 triệu người vào ngày 7/7. Trong lúc này, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang hối hả trong cuộc đua đẩy nhanh tốc độ chương trình tiêm chủng để ngăn sự lây lan của biến chủng Delta nguy hiểm.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo (Na Uy), con số 4 triệu người mà thế giới ghi nhận trong một năm rưỡi qua, bằng với số người chết trong tất cả cuộc chiến tranh, xung đột trên khắp toàn cầu từ năm 1982 cho tới nay cộng lại.

Con số 4 triệu cũng cao gấp 3 lần trung bình số người chết vì tai nạn giao thông trên toàn thế giới mỗi năm, hay ngang bằng với dân số thành phố Los Angeles (Mỹ) hay dân số đất nước Georgia.

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia vẫn nhận định rằng, 4 triệu dường như là con số không chính xác vì số người chết vì dịch bệnh thực tế có thể cao hơn.

Mỹ hiện là vùng dịch có số ca tử vong lớn nhất thế giới, trên 600.000 ca, tiếp theo là Brazil với hơn 520.000 người tử vong. Trong khi đó, thống kê của Đại học John Hopkins cho thấy, Peru và Hungary đang là 2 quốc gia có tỷ lệ người chết vì Covid-19 trên 100.000 dân cao nhất thế giới, lần lượt là 595,46 người và 307,04 người trên 100.000 dân.

Với sự ra đời của các vắc xin, số ca tử vong vì dịch trung bình trên thế giới mỗi ngày đã giảm xuống 7.900, so với đợt đỉnh là 18.000 người/ngày ghi nhận hồi tháng 1/2021.

Biến chủng Delta nguy hiểm

Những tuần gần đây, sự lây lan mạnh mẽ của chủng Delta, vốn lần đầu được phát hiện ở Ấn Độ, đã réo lên hồi chuông báo động trên khắp thế giới. Biến chủng này đang có nguy cơ phá hủy thành quả của những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao như Anh, Israel…

Sự xuất hiện của biến chủng mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gọi là "chủng SARS-CoV-2 dễ lây lan nhất thế giới" đã khiến nhiều chính quyền nhanh chóng áp dụng các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong khi nỗ lực tìm nguồn cung vắc xin.

Theo AP, Covid-19 cũng làm phơi bày khoảng cách rõ rệt giữa nước giàu và nước nghèo. Trong khi các nước giàu tích cực trữ vắc xin thì khu vực châu Phi - một "điểm nóng" lây lan dịch bệnh - gần như mới chỉ bắt đầu tiêm những mũi đầu tiên.

Mỹ và các nước giàu đã đồng ý chia sẻ ít nhất 1 tỷ liều vắc xin cho các quốc gia đang gặp khó khăn trong việc mua chế phẩm này.

Quan chức hoạt động trong lĩnh vực tiêm chủng của WHO, bà Ann Lindstrand, nhận định rằng các yếu tố như biến chủng nguy hiểm, sự phân phối không đều vắc xin, và việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch ở các nước giàu là "một sự kết hợp rất nguy hiểm".

"Thay vì coi Covid-19 là một cuộc khủng hoảng của riêng mỗi đất nước, chúng ta phải nghiêm túc rằng đây là một vấn đề có tính toàn cầu và cần những giải pháp toàn cầu", bà Lindstrand nhấn mạnh.