1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chủng SARS-CoV-2 "nguy hiểm hơn Delta" đã lan rộng tới 31 quốc gia

Đức Hoàng

(Dân trí) - Lambda - chủng virus mà một số chuyên gia cảnh báo là có thể dễ lây lan và có độc lực mạnh hơn Delta - đã xuất hiện tại ít nhất 31 quốc gia.

Chủng SARS-CoV-2 nguy hiểm hơn Delta đã lan rộng tới 31 quốc gia - 1

Phu đào huyệt làm việc tại một nghĩa trang ở Peru (Ảnh: AP).

Theo Dailymail, Australia đã phát hiện ca Covid-19 đầu tiên mắc chủng Lambda, trở thành quốc gia thứ 31 ghi nhận chủng virus nguy hiểm này. Lambda lần đầu được phát hiện ở Peru vào mùa hè năm ngoái và nó đang nhanh chóng lây lan và hiện chiếm 81% số ca nhiễm mới Covid-19 tại quốc gia Nam Mỹ.

Các bác sĩ và chuyên gia y tế theo dõi Lambda cảnh báo rằng, biến chủng này có thể lây lan dễ dàng hơn các chủng trước đây, bao gồm Delta.

Chủng Delta lần đầu được phát hiện ở Ấn Độ và đã gây ra làn sóng lây nhiễm kinh hoàng tại quốc gia Nam Á trong thời gian trước đó. Tổ chức Y tế Thế giới WHO cũng gọi Delta là "chủng SARS-CoV-2 dễ lây nhiễm nhất thế giới" và nó đã lây lan tới khoảng 90 quốc gia, vùng lãnh thổ, "chọc thủng" nhiều hình mẫu tiêm chủng và chống dịch trên thế giới.

Các nhà khoa học của Đại học Chile đã phát hiện 7 đột biến bất thường ở gai protein của Lambda. Giới khoa học đặc biệt lo ngại với đột biến có tên gọi L452Q, tương tự đột biến L452R ở biến chủng Delta khiến biến chủng này dễ lây lan hơn nhiều so với các chủng khác.

Ngoài ra, nhóm chuyên gia từ đại học trên cũng cảnh báo Lambda sở hữu những đột biến có thể khiến chủng này có khả năng kháng vắc xin Covid-19. 

Chuyên gia về sinh học phân tử tại Đại học Cayetano Heredia của Peru, Pablo Tsukayama, tháng 12 năm ngoái, Lambda chỉ chiếm tỷ lệ 1 trong số 200 mẫu xét nghiệm, nhưng tới tháng 3 năm nay,  nó đã chiếm đến 50% mẫu bệnh phẩm ở thủ đô Lima và hiện giờ là 80%. Chuyên gia này cho rằng đây là bằng chứng cho thấy tốc độ lây lan của chủng này cao hơn chủng khác. 

Ngoài ra, một số chuyên gia y tế cũng nhận định rằng, Lambda có thể gây chết chóc hơn Delta, viện dẫn việc Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 trên đầu người cao nhất thế giới. Theo thống kê của đại học John Hopkins (Mỹ), Peru có tỷ lệ ca tử vong do Covid-19 trên 100.000 dân là 594,85.  

Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng cho rằng, chưa có bằng chứng cụ thể cho thấy Lambda có thể gây bệnh nặng hơn ở người mắc Covid-19 hay kháng vắc xin.

Tháng 6 năm nay, WHO xếp Lambda vào nhóm "biến chủng cần theo dõi" vì khả năng lây lan nhanh. Biến chủng này đặc biệt gây lo ngại ở Nam Mỹ, khu vực chiếm 8% dân số, nhưng đang chiếm tới 20% tổng số ca Covid-19 toàn cầu. Giới chuyên gia cảnh báo, Lambda có thể sớm bị xếp vào nhóm "biến chủng đáng lo ngại".