1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thế đa cực trong không gian

Lâu nay, tàu vũ trụ của Nga và Mỹ luôn nắm vai trò chủ đạo đối với các sứ mệnh tại Trạm không gian quốc tế (ISS). Sắp tới, Nhật Bản và châu Âu sẽ tham gia vào cuộc chinh phục không gian với một vai trò lớn hơn.

Trong thời gian người Mỹ đang chịu hậu quả của thảm họa tàu con thoi Columbia (năm 2003), cả thế giới chỉ biết dựa vào tàu Soyuz và Progress của Nga để đi về giữa trái đất và ISS. Giữa năm ngoái, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã tái xuất bằng tàu con thoi Discovery trong sứ mệnh có tên gọi STS-114. Tuy nhiên, chuyến trở lại của người Mỹ lúc đó vẫn chưa thật êm xuôi khi có một sự cố xảy ra đối với bình nhiên liệu gắn ngoài. Mãi đến hôm 17/7, khi chuyến bay vào không gian kéo dài 13 ngày của tàu Discovery kết thúc hoàn hảo, thế giới mới thật sự yên tâm khi có thêm sự lựa chọn trong vấn đề tiếp tế cho ISS.

 

Cuối năm nay, NASA dự kiến sẽ thực hiện một chuyến thăm ISS nữa. Điểm mạnh của tàu con thoi Mỹ chính là kích thước và tải trọng vượt trội so với Soyuz. Với sự trở lại hoàn hảo này, người Mỹ dự tính sẽ thực hiện cả thảy 16 chuyến bay phục vụ cho việc lắp ráp hoàn tất công trình ISS trị giá 100 tỉ USD trước khi cho tàu con thoi giải nghệ vào năm 2010. Tuy nhiên, màn "song tấu" bấy lâu nay của Nga và Mỹ có thể sẽ không đủ để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của ISS và các sứ mệnh không gian khác.

 

Sắp tới, bức tranh chinh phục không gian của loài người sẽ có thêm nét mới với sự tham gia của Cơ quan không gian châu Âu (ESA) vào sứ mệnh ISS. Nếu không gặp trục trặc nào, tàu hàng ATV của ESA sẽ bay chuyến đầu tiên đến ISS vào năm tới. Tàu của châu Âu có thể chở được 7.000 kg hàng và sẽ được phóng lên bằng tên lửa đẩy siêu mạnh Ariane 5 từ căn cứ không gian Kourou tại Guiana thuộc Pháp, nằm ở vùng Nam Mỹ. Từ nay đến năm 2015, ESA dự kiến sẽ phóng tới 5 tàu hàng loại này lên phục vụ ISS.

 

Tuy nhiên, với kế hoạch ngưng tàu con thoi Discovery của NASA, sự xuất hiện của ATV dường như vẫn chưa đủ. Thế nên giới chức không gian Mỹ đang triển khai kế hoạch sử dụng thêm các loại tàu chở hàng khác được thiết kế để có thể ghép với ISS ở các điểm đáp của tàu Nga. Chiến dịch mở rộng hợp tác trên ISS của NASA còn lôi kéo cả Nhật Bản vào cuộc. Hiện đất nước hoa anh đào sắp cho ra đời sản phẩm tàu chở hàng HTV để gia nhập vào đội ngũ tiếp tế cho "ngôi nhà bay" ISS.

 

Mục tiêu của việc mở rộng hợp tác với Nhật Bản và châu Âu là nhằm tạo cho Mỹ thế chủ động một khi tàu con thoi "giải nghệ". Trước đây, trong khi NASA đang vật lộn với việc khắc phục thảm họa Columbia, họ chỉ còn phương cách duy nhất để tiếp cận ISS là "đi nhờ" tàu Soyuz của Nga. Khi tình hình trở nên căng thẳng, người Mỹ thậm chí phải "mua vé" mới được người Nga chở lên Trạm không gian.

 

Tình hình sắp tới sẽ đổi khác vì sẽ có thêm nhiều tàu tham gia vào việc tiếp tế cho ISS. Một mặt, Mỹ vẫn có thể nhờ cậy Soyuz của Nga để đưa người lên ISS. Mặt khác, họ cũng có thể lựa chọn giữa tàu Progress, HTV và ATV để chở hàng lên trạm. Bước đi đầy tính toán của Mỹ đã tạo nên thế đa cực trong cuộc chinh phục không gian, đặc biệt là các sứ mệnh liên quan đến ISS.

 

Tuy nhiên, trong khi mà HTV và ATV vẫn còn là vấn đề của tương lai thì NASA đặc biệt chú trọng việc khai thác tối đa công suất của Discovery. Họ muốn có đủ thiết bị để hoàn tất việc lắp ráp ISS trước khi tàu con thoi chính thức giải nghệ sau 4 năm nữa.

 

Theo Đỗ Hùng

Thanh niên/BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm