1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thay thế Thủ tướng Iraq Maliki: Không dễ

(Dân trí) - Dù khiến Tổng thống Mỹ George W. Bush tức giận và làm đại sứ Mỹ tại Iraq thất vọng, nhưng theo các nhà phân tích, hiện vẫn chưa có nhân vật nào có đủ khả năng để thay thế Thủ tướng Iraq <a href="http://www1.dantri.com.vn/Thegioi/2007/8/193606.vip">Nouri al-Maliki</a>.

Bất cứ ai hiểu rõ về tình hình Iraq đều cho rằng hệ thống chính trị hiện nay của quốc gia này đã bị chia rẽ sâu sắc theo các giáo phái và sắc tộc, vì vậy chưa chắc người nào đó có thể làm tốt hơn công việc của ông Maliki trong tình hình như vậy.

 

Thực tế tồi tệ đó đang diễn ra trong khi chỉ còn 3 tuần nữa để chính quyền Bush phải trình lên Quốc hội Mỹ bản báo cáo quan trọng về tình hình Iraq sau đợt tăng quân vào đầu năm nay. Dù Nhà Trắng có viện dẫn những tiến bộ rõ rệt trong việc làm giảm tình trạng bạo lực tại một số khu vực ở Iraq, nhưng họ không thể che giấu được thất bại của chính phủ Maliki trong việc tăng cường đoàn kết giữa những phe phái người Shiite, Sunni và người Cuốc. Nếu không có sự thống nhất chính trị thì những bước tiến quân sự đạt được gần đây không thể bền vững.

 

Trong hội nghị cựu chiến binh ngày 22/8, ông Bush đã nhắc đến ông Maliki, nói rằng nhà lãnh đạo Iraq "là một người tốt, phải làm một công việc khó khăn và tôi ủng hộ ông ấy".

 

Tuy nhiên trước đó, ngày 21/8, chính ông Bush đã tạo ra sự khuấy động khi tỏ ý lo ngại về cách điều hành của vị thủ tướng người Shiite và cho biết "phần nào có sự thất vọng" đối với ông ta. Ông Bush nói: "Nếu chính phủ Iraq hiện nay không đáp ứng được nguyện vọng của người dân, nhân dân sẽ thay thế chính phủ đó”.

 

Trong khi đó tại Baghdad, Đại sứ Mỹ Ryan Crocker cho biết những tiến bộ chính trị là "cực kỳ đáng thất vọng trên tất cả các lĩnh vực đối với người Iraq và đối với chính bộ máy lãnh đạo của Iraq". Thượng nghị sĩ Carl Levin, Chủ tịch Ủy ban Quân lực của Thượng viện Mỹ, còn đi xa hơn khi lên tiếng thúc giục Quốc hội Iraq phế truất Maliki để thay thế bằng một người khác ít gây chia rẽ phe phái hơn. Tuy nhiên theo các nhà phân tích, điều đó sẽ không sớm xảy ra.

 

Để hạ bệ Maliki - một nhà hoạt động chính trị người Shiite có thâm niên, cần phải có đa số phiếu tán thành trong số 275 thành viên quốc hội Iraq. Khi mà đảng của người Cuốc và khối Shiite vẫn ủng hộ Maliki thì phe đối lập không thể có đủ số phiếu, bất chấp việc gần đây một vài đảng nhỏ đã chuyển sang phe đối lập.

 

Một trong những lý do người Cuốc và Shiite vẫn ủng hộ ông Maliki là vì họ lo ngại không biết điều gì sẽ xảy ra khi ông ra đi. Theo hiến pháp, toàn bộ nội các sẽ phải giải tán và tất cả các bộ sẽ bị các phe nhóm tranh giành. Việc quyết định bên nào sẽ nắm gần 40 vị trí trong nội các sẽ kéo dài nhiều tháng, làm tê liệt các hoạt động của chính phủ và có thể phá hoại những thành quả an ninh vừa đạt được. Điều này là không thể chấp nhận được đối với các nhà hoạch định chính sách Mỹ bởi nó đe dọa nhiều người Iraq.

 

 Bản thân Maliki cũng không phải là người dễ dàng thoái lui. Phát biểu trước báo chí ngày 22/8, ông Maliki cho biết ông sẽ "không thèm để ý" đến những chỉ trích của người Mỹ và nếu cần thiết thì sẽ "tìm bạn bè ở những nơi khác".

 

Một vài tên tuổi có khả năng thay thế ông Maliki đã được nêu ra, đáng chú ý có cựu Thủ tướng Ayad Allawi, một người Shiite không theo phe phái nào và được một số người Arập Sunni ưa thích; một nhân vật khác là Phó Tổng thống Adil Abdul-Mahdi, thành viên của đảng tôn giáo người Shiite.

 

Tuy nhiên mỗi người đều có những hạn chế lớn. Ông Allawi, trước đây đã điều hành một chính phủ thối nát vì tham nhũng, không được các đảng phái Shiite tín nhiệm, còn Abdul-Mahdi đã 2 lần không được phía Shiite tán thành. Hơn nữa, cả 2 người trên đều không có đủ sự ủng hộ trong quốc hội để thay thế Maliki.

 

Trong gần một năm qua, Mỹ đã khuyến khích những nhân vật chủ chốt của các đảng người Sunni, Shiite và Cuốc tiến tới một "liên minh hòa hợp" mới để trợ giúp Maliki hoặc thay thế ông ta nếu cần thiết. Tuần trước, các phái Shiite và Cuốc ôn hòa đã thông báo thành lập một liên minh mới nhưng không thể thuyết phục được người người Sunni nào gia nhập liên minh này.

 

Ông Kenneth Pollack, một chuyên gia về Trung Đông của Viện Brookings cho rằng biện pháp duy nhất đối với Mỹ là thúc đẩy một cuộc tổng tuyển cử sớm hơn kế hoạch để thay thế Quốc hội Iraq đang bị các thủ lĩnh người Shiite thống trị. Tuy nhiên, không cách nào có thể đủ nhanh để làm hài lòng các nhân vật chỉ trích tại Quốc hội Mỹ, những người đang gây sức ép đòi nhanh chóng rút quân đội Mỹ khỏi Iraq. 

 

Anh Đức