1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thấy gì từ việc ông Kim Jong-un chống gậy tái xuất?

(Dân trí) - Giới chuyên gia cho rằng Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un dường như đã trở nên minh bạch hơn, nhất là từ sự kiện ông chống gậy tái xuất sau 40 ngày vắng bóng.

Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un dùng gậy trong chuyến thăm.

Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un dùng gậy trong lần xuất hiện trước công chúng sau 40 ngày vắng bóng.

Theo các nhà phân tích, vào ngày hôm qua 14/10 báo chí nhà nước Triều Tiên đăng tải một loạt ảnh cho thấy nhà lãnh đạo Kim Jong-un ra “chỉ đạo thực tế” tại 2 địa điểm. Chuyến đi của ông có vẻ như được thực hiện vào ngày hôm trước. Các bức ảnh được quan tâm bởi ông Kim Jong-un đã vắng bóng trong suốt 40 ngày, lần vắng bóng dài nhất kể từ khi ông lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng vào năm 2010. Trong các bức ảnh, điều đáng chú ý là ông Kim được thấy chống gậy. Thậm chí trước khi những bức ảnh này được công bố, hồi cuối tháng 9, báo chí nhà nước Triều Tiên cũng đã thừa nhận ông Kim Jong-un “không được khỏe”.

Ở hầu hết các nước, những điều trên không có gì đáng quan tâm. Nhưng ở đất nước được xem là bí ẩn nhất thế giới, mặc dù cụm từ “không được khỏe” khá mơ hồ, nhưng cũng đã cho thấy ông Kim đang bị đau ốm về thể chất. Điều này đáng lưu ý bởi bộ máy tuyên truyền Triều Tiên thường phác họa ông Kim Jong-un và cha ông là người không thể mắc sai lầm ở mọi phương diện. Trước đây Triều Tiên không hé lộ thông tin gì khi nhà lãnh đạo của họ bị ốm. Ví dụ, khi nhà lãnh đạo Kim Jong-il bị đột quỵ năm 2008, báo chí Triều Tiên không thừa nhận có gì đó không ổn xảy ra và hầu hết giới chức trách làm việc với báo chí phương Tây đều từ chối trả lời về việc ông Kim Jong-il bị đột quỵ. Phản ứng chính thức với người nước ngoài là: Thông tin của báo chí nước ngoài cho rằng Lãnh đạo kính yêu bị đột quỵ là âm mưu của phương Tây.

Với cùng lý do như vậy, việc ông Kim Jong-un tái xuất cũng vô cùng quan trọng, nhất là việc ông tái xuất cùng với hình ảnh chống gậy, cho thấy ông không được khỏe. Đây là điều khác hẳn trước đây. Khi ông Kim Jong-il bị đột quỵ năm 2008, báo chí Triều Tiên chỉ đăng tải hình ảnh cho thấy ông vẫn khỏe mạnh. Theo Lim Byeong Cheol, phát ngôn viên của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, báo chí nhà nước Triều Tiên chưa bao giờ công bố hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-il hay nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành chống gậy hay dùng nạng.

Đây không phải là khác biệt đầu tiên ở Triều Tiên dưới thời của ông Kim Jong-un. Ví dụ hồi tháng 4/2012 báo chí Triều Tiên cũng thừa nhận một vệ tinh được phóng nhằm chào mừng ngày sinh nhật của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành đã không đi được vào quỹ đạo và các nhà khoa học sẽ điều tra nguyên nhân vụ việc. Theo tờ New York Times, đây là lần đầu tiên Triều Tiên thừa nhận về một vụ phóng hỏng tên lửa tầm xa.

Vụ thanh trừng công khai ông Jang Song-thaek, chú dượng ông Kim Jong-un là một ví dụ khác cho thấy sự minh bạch mới ở Triều Tiên. Vào ngày 9/12, cả hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) và tờ Rodong Sinmun đều đăng tải danh sách dài cáo trạng đối với ông Jang. Cuối ngày hôm đó, đài truyền hình Triều Tiên đăng tải hình ảnh ông Jang bị bắt ngay tại một cuộc họp đảng. Vài ngày sau, báo chí đăng tải thông tin cho biết ông Jang đã bị một tòa án binh đặc biệt xét xử và đã thừa nhận toàn bộ tội lỗi. Vì thế ông bị kết án có tội và bị xử tử.

Nhà nghiên cứu về Triều Tiên Andrei Lankov vào thời điểm đó đã nhấn mạnh, việc công khai về vụ bắt giữ ông Jang là “chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Triều Tiên”. Ông giải thích, “từ cuối những năm 1950, mọi vụ thanh trừng ở Triều Tiên đều được thực hiện bí mật, không được đề cập trực tiếp công khai sau đó rất lâu”. Thậm chí vào đầu những năm 1950, khi các vụ thanh trừng các quan chức Triều Tiên được công khai thừa nhận, thì cũng chỉ là thông báo ngặn gọn được báo chí nhà nước đăng tải, với rất ít chi tiết. Việc công khai vụ việc của ông Jang thực sự là chưa từng có tiền lệ.

Tương tự, khi tòa chung cư 23 tầng bị sập ở Bình Nhưỡng vào đầu năm nay, báo chí Triều Tiên thừa nhận nguyên nhân vụ việc là tòa nhà được xây “cẩu thả” và “giám sát, kiểm soát thiếu trách nhiệm”.

Cao hơn nữa, Bộ trưởng an ninh nhân dân Triều Tiên Choe Pu-il cho biết ông và cơ quan của ông phải chịu trách nhiệm cho “tội ác không thể tha thứ này”. Hình ảnh trên báo chí nhà nước cho thấy các quan chức chính phủ “cúi đầu xin lỗi…trước người dân tụ tập ở công trường xây dựng”. Trước đây, việc thừa nhận có những vụ việc như sập nhà, hay có một vụ nổ lớn xảy ra đã là hiếm ở Triều Tiên, chứ chưa nói đến việc chính phủ đứng ra nhận trách nhiệm.

Vì vậy, giới phân tích nhận định Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un đã trở nên minh bạch hơn. Sự vắng bóng và tái xuất của ông mới đây là một minh chứng.

Tuy nhiên giới phân tích cho rằng mức độ minh bạch lớn hơn không hoàn toàn đồng nghĩa là có sự thay đổi trong chính quyền Triều Tiên. Đây chỉ là dấu hiệu cho thấy những thay đổi trong xã hội Triều Tiên mà chính quyền cần phải chấp nhận. Các chuyên gia cho rằng, mặc dù chính quyền đã nỗ lực nhiều, nhưng ngày càng nhiều người Triều Tiên tiếp cận được với tin tức, thông tin từ các nguồn nước ngoài ở Trung Quốc, Hàn Quốc và những nơi khác. Bình Nhưỡng nhận thấy người dân sẽ nghe về những sự kiện quan trọng, như vụ phóng thử tên lửa, hay nhà lãnh đạo Kim bị ốm. Vì vậy họ cố gắng đi trước những sự kiện này để định hình thông tin cho người dân, thay vì để báo chí nước ngoài định hình bằng những đồn đoán.

Đó là lý do vì sao báo chí Triều Tiên thừa nhận ông Kim “không được khỏe” và vì sao ông xuất hiện cùng một chiếc gậy. Cả hai điều này đều có thể ngăn được người Triều Tiên tin vào những giả thuyết về sự vóng bóng của ông do báo chí nước ngoài đưa ra.

Trung Anh

Theo Diplomat

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm