1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thấy gì từ cuộc "viễn chinh" bài trừ tham nhũng ở Trung Quốc

(Dân trí) - Trong tương lai, các nhà sử học có thể nhìn lại giai đoạn nắm quyền của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình như thời kỳ mạnh mẽ chống tham nhũng, thay vì những con số cũng “khá bình thường” về nền kinh tế của quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh:

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: AFP)

Tác động kinh tế
 
Đây có lẽ sẽ là thời gian được nhắc đến với cuộc “viễn chinh” mà Chủ tịch Tập phát động nhằm vào quan tham tại Trung Quốc. Do đó, giới lãnh đạo nước này ngày càng quyết liệt trong quá trình đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng hơn là thực hiện các cải cách kinh tế, tờ Diplomat của Nhật ngày 30/6 viết. 

Chiến dịch chống tham nhũng hiện nay nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ dư luận Trung Quốc, song cuộc chiến này cũng có những tác động tới nền kinh tế hiện nay. Theo đó, các quan chức Trung Quốc giờ đây luôn do dự khi xuất hiện trước công chúng để thông báo về quyết định nào đó. Mức tiêu thụ các mặt hàng xa xỉ, ví dụ như xe hơi hạng sang, cũng giảm.... Đây được coi là một trong những tác nhân dẫn tới việc kinh tế Trung Quốc không phát triển nhanh như những năm trước.  

Một số nhà quan sát bày tỏ lạc quan về chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc cuối cùng cũng sẽ thành công, nhất là hạn chế được các hoạt động mờ ám trong kinh doanh, đồng thời thiết lập một lộ trình phát triển kinh tế ổn định và hiệu quả hơn. 

Những nhà quan sát khác cho rằng, dưới góc nhìn chính trị, mục đích triệt tiêu được các vụ vi phạm nghiêm trọng và khôi phục lại ý thức về sự công bằng là những việc cần thiết phải làm để bảo vệ tính hợp pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng có ý kiến bày tỏ nghi vấn về vai trò của công tác chống tham nhũng trong nhiệm vụ định hình con đường phát triển của Bắc Kinh trong những thập niên qua. 

Trường hợp ngoại lệ?

Những khái niệm về tham nhũng ở Trung Quốc thường được trải rộng và dễ gây nhầm lẫn. Các câu hỏi được đặt ra về tham nhũng thường là: Làm sao có thể định nghĩa được tham nhũng? Tác động của tham nhũng tới nền kinh tế Trung Quốc? hay các biện pháp chống tham nhũng một cách bền vững là gì?

Báo Diplomat cho rằng để đơn giản hóa những câu hỏi trên, hãy thử định nghĩa tham nhũng kinh tế như việc sử dụng văn phòng công cộng cho lợi ích cá nhân. Có thể những hành vi bất hợp pháp hoặc vô đạo đức giữa các cá nhân bị coi là xấu song không thể coi đây là các ví dụ về tham nhũng. 

Theo định nghĩa này, tham nhũng trở nên phổ biến hơn khi nhà nước đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thông qua sở hữu hoặc kiểm soát nguồn tài nguyên cần thiết để phục vụ cho các hoạt động mang lại lợi nhuận. Đây là vấn đề ở Trung Quốc. Tham nhũng được coi là ít nguy hiểm hơn ở các lĩnh vực kinh tế mà nhà nước không can thiệp nhiều, song dù lĩnh vực kinh tế tư nhân ngày càng có vai trò lớn hơn ở Trung Quốc, tham nhũng cũng không vì thế mà giảm đi (?)  

Có 3 vấn đề nổi lên khi thảo luận về quá trình tác động của tham nhũng tới kinh tế:
 
Thứ nhất, hầu hết các nghiên cứu chỉ ra rằng kinh nghiệm ở nhiều quốc gia cho thấy tham nhũng làm chậm đà tăng trường kinh tế. Tuy nhiên, Trung Quốc là trường hợp ngoại lệ (?) Vậy liệu có phải Trung Quốc quản lý tốc độ phát triển kinh tế bằng cách chấp nhận hoặc để cho tham nhũng tràn lan? 

Thứ hai, một quốc gia càng phát triển thì càng ít vụ tham nhũng. Nhưng đây cũng lại là điều... không diễn ra ở quốc gia Đông Bắc Á này. 

Thứ ba, nhiều nghiên cứu kết luận rằng sau khi gây tác động làm trì trệ nền kinh tế, tham nhũng sẽ dẫn tới bất ổn chính trị. Do đó, có những ý kiến cho rằng nếu không ngăn chặn tham nhũng mạnh tay vào lúc này, Trung Quốc có thể sẽ phải đối phó với nguy cơ tự do hóa chính trị (?)

Ngọc Anh 
Theo The Diplomat