Thấy gì qua những cuộc "tiếp xúc" dân của chính khách Singapore?
Việc Thủ tướng Lý Hiển Long “chat” trực tiếp trên mạng truyền thông xã hội Facebook để giải đáp từng câu hỏi của người dân ngày 24/1 vừa qua có thể là một ngạc nhiên thú vị đối với những người nước ngoài, nhưng đối với người dân Singapore, đây là việc làm rất đỗi bình thường của người đứng đầu chính phủ.
Bởi từ lâu, họ đã quen thuộc với việc tiếp xúc cả trực tiếp hay gián tiếp của các chính khách trong nước, không chỉ là ngài Tổng thống, Thủ tướng, hay các bộ trưởng, mà đơn giản là từng nghị sĩ quốc hội nhằm phản hồi hoặc đưa ra ý kiến trước mỗi vấn đề của quốc gia, hay liên quan thiết thực đến đời sống nhân dân.
Gặp chính khách sau giờ ăn cơm…
Singapore là quốc gia theo chế độ dân chủ đa đảng, nhưng không phải là mô hình dân chủ kiểu Âu-Mỹ. Đó là nền dân chủ đại nghị đa đảng với những quy định khắt khe về các quyền dân chủ, đi đôi với việc thực hiện dân chủ trực tiếp.
Các nghị sĩ sẽ tự xây dựng chương trình gặp gỡ người dân hàng tuần tại văn phòng của mình hoặc ở những những nơi sinh hoạt công cộng của khu dân cư và thường là vào buổi tối, bắt đầu từ 8h.
Mỗi tối, các nghị sĩ thường gặp khoảng 60 đến 100 người dân, khi ít nhất cũng 30 người. Thời gian dành cho việc tiếp mỗi người dân khoảng từ 7 đến 10 phút. Việc gặp dân như thế không mang tính chất hành chính, không quy định giờ kết thúc, cứ hết người ở nơi tiếp dân nghị sĩ mới nghỉ.
Khi tiếp xúc cử tri, các nghị sĩ lắng nghe trình bày của người dân về những khó khăn, vướng mắc của họ trong cuộc sống như vấn đề thu nhập, việc làm, mâu thuẫn hàng xóm… đồng thời giải thích, hướng dẫn, giúp họ viết đơn, thư để gửi đến những nơi cần thiết. Một cử tri có thể quay lại để gặp và hỏi nhiều lần nếu vấn đề của họ chưa thể được giải quyết ngay chỉ bằng một lá thư hay một cuộc gặp của nghị sĩ với cơ quan nhà nước có liên quan.
Các nghị sĩ coi những buổi gặp dân vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm, và cũng là việc vận động bầu cử cho nhiệm kỳ sau. Cũng có khu vực duy trì gặp dân cố định ở tiểu khu vực của nghị sĩ đã được phân công, cũng có khu vực thực hiện cơ chế thỉnh thoảng đổi nghị sĩ đi gặp dân ở tiểu khu vực khác.
Những cuộc tiếp xúc như thế này là cơ hội để người dân bình thường đối thoại với các nghị sĩ, đưa ra những đòi hỏi với Chính phủ. Từ đó Chính phủ, thông qua Quốc hội, sẽ hỗ trợ người dân trên các phương diện của cuộc sống hoặc đưa ra giải thích cụ thể, rõ ràng cho những chính sách không thể thay đổi.
…trên các diễn đàn và mạng xã hội
Không những thế, mọi chính sách của chính phủ liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người dân đều được đưa ra tranh luận thẳng thắn trên nhiều diễn đàn trước khi được quyết định.
Từ năm 2006, Singapore đã lập một địa chỉ trang web có tên gọi REACH (được hiểu là tiếp cận mọi người vì một ngôi nhà chung năng động của toàn thể công dân) như là một diễn đàn để người dân có thể phản biện các chính sách mà chính phủ ban hành.
REACH có một ban kiểm soát để định hướng vai trò và hoạt động của diễn đàn, với sự tham gia của năm thành viên Quốc hội và 24 đại diện khu vực tư nhân thuộc các thành phần khác nhau trong xã hội. Những đại diện này có vai trò vô cùng quan trọng trong việc tiếp nhận ý kiến của những người dân mà họ đại diện trong quá trình tham vấn cộng đồng.
Các thành viên của Quốc hội Singapore với đa số nghị sĩ là được bầu trực tiếp thông qua bỏ phiếu theo một trong hai hình thức: đại diện cộng đồng (Group Representation constituencies –PRCs) hoặc tranh cử đơn lập (Single-Member Constituencies); còn lại là nghị sĩ lựa chọn (Non-constituencies Member of Parliament-NCMPs) và nghị sĩ chỉ định (Nomimated Member of Parliament-NMPs). Hiện tại, Quốc hội khóa XII của Singapore có 99 nghị sĩ; trong đó bao gồm 87 nghị sĩ được bầu trực tiếp, 3 nghị sĩ lựa chọn (NCMPs) và 9 nghị sĩ chỉ định (NMPs). Các nghị sĩ đóng vai trò như một cầu nối giữa cộng đồng và chính phủ bằng cách bảo đảm rằng những mối quan tâm của cử tri được lắng nghe trong Quốc hội. |
Không chỉ dừng lại ở cách tiếp cận “truyền thống,” là qua các diễn đàn công cộng, các buổi đối thoại trực tiếp, REACH còn mang đến cơ hội phản biện cho người dân thực sự quan tâm đến các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội thông qua dịch vụ tin nhắn SMS, điện thoại, thư điện tử (email), các mạng truyền thông xã hội như Facebook và Twitter.
Thông qua các hình thức này, một loạt những vấn đề của Singapore như chính sách nhập cư, nhà ở; các chính sách hỗ trợ tài chính của chính phủ cho người dân; Quỹ tiết kiệm trung ương (CPF); các dự luật về thuế, luật phá sản… hay gần đây nhất là quyết định điều chỉnh tăng giá vé vận tải công cộng, dự thảo Luật cấm uống bia rượu nơi công cộng hay các chính sách về chống biến đổi khí hậu đã được người dân bày tỏ ý kiến công khai.
Trong khi đó, các cơ quan chức năng của Singapore cũng không thụ động mà tự tìm đến người dân để được “lắng nghe” và “thấu hiểu”. Vốn được biết đến như là một quốc gia sạch nhất trên thế giới, mới đây, vào ngày 25/1, Văn phòng dịch vụ của Singapore (MSO) đã ra mắt ứng dụng di động OneService cho phép người dân có thể gửi phản hồi về các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng và đô thị đến đúng địa chỉ các cơ quan chức năng.
Theo đó, thay vì phải gửi ý kiến đến từng cơ quan như trước đây, ứng dụng này sẽ tự động phân loại và gửi thông tin phản hồi thẳng đến các cơ quan công quyền, giúp họ đáp ứng nhanh hơn với sự phản ánh của người dân.
Ai sẽ là người được hưởng lợi?
Dù thông qua những cuộc tiếp xúc trực tiếp hay qua diễn đàn và các kênh khác, người dân Singapore đều được đảm bảo một cách tối đa quyền và nghĩa vụ của mình hay nói cách khác, những vướng mắc mà họ gặp phải trong cuộc sống thường ngày được xác nhận và lắng nghe.
Dân chủ trực tiếp còn thể hiện qua việc thành lập các tổ chức xã hội tự quản và tự nguyện ở các quận và khu phố. Đây chính là những “chân rết” nhằm duy trì sự hài hòa và an toàn xã hội, cũng như việc thực thi pháp luật của nhà nước và chính sách của chính phủ.
Rõ ràng, sự dân chủ đã được nhà nước và chính phủ Singapore cụ thể hóa bằng pháp luật, chính sách và cả sự đa dạng trong các hình thức tiếp cận, tiếp nhận ý kiến đóng góp của người dân. Sự phản biện, vì thế đã phát huy được hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội, đưa Singapore trở thành một trong những quốc gia đi đầu về thực hiện dân chủ và phát triển chính phủ điện tử (e-government).
Những nỗ lực trên đây đã đem đến kết quả tương xứng: Kinh tế của Đảo quốc Sư tử trong 10 năm, từ 2004-2013, phát triển mạnh với tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân là 6,3%; GDP bình quân đầu người tăng hơn gấp đôi, từ 27.403 USD vào năm 2004 (đứng thứ 31 toàn cầu) lên 55.183 USD vào năm 2013 (đứng thứ 9 toàn cầu) và lạm phát đã giảm ở mức trung bình 2,7%/năm.