Thấy gì qua chuyến xuất ngoại của cựu Tổng thống Mỹ Obama
Ngoài mục tiêu kêu gọi quyên góp, tìm kiếm sự ủng hộ đối với các quỹ, thư viện và các trung tâm của Tổng thống. Chuyến thăm Trung Quốc, Ấn Độ và Pháp của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích vì cộng đồng, hỗ trợ các khu vực khó khăn trên thế giới.
Các cựu tổng thống Mỹ còn sống làm gì sau khi nghỉ hưu?
Các đời Tổng thống Mỹ sau khi về hưu thường lựa chọn những cách khác nhau tùy theo năng lực và sở trưởng của mình để tham gia vào các hoạt động xã hội.
Hiện tại, Mỹ đang có 5 vị cựu Tổng thống còn sống bao gồm: Jimmy Carter, George Bush (cha), Bill Clinton, George Bush (con) và Barack Obama. Có thể chia bốn vị này thành hai cặp theo độ tuổi: ông Carter và ông Bush (cha) năm 2017 này đều đã 92 tuổi, còn ông Clinton và ông Bush (con) đã bước sang tuổi trên 70. Trong khi đó ông Obama mới 56 tuổi.
Tổng thống thứ 39 của nước Mỹ Jimmy Carter (sinh năm 1924) sau khi về hưu, đã thực hiện rất thành công sứ mệnh đại diện không chính thức của nước Mỹ trong các cuộc khủng hoảng quốc tế ở những điểm khác nhau trên thế giới.
Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, ông đã không chỉ một lần tới Triều Tiên để thương thảo về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng cũng như quyết định các vấn đề về trợ giúp lương thực thực phẩm hay giải phóng các công dân Mỹ bị bắt ở đây. Ông Carter cũng đã thực hiện nhiều chuyến công du với sứ mệnh hòa bình ở Ethiopia, Uganda, Bosnia và Sudan. Năm 2002, ông được trao giải thưởng Nobel Hòa bình “nhờ những nỗ lực hòa giải các cuộc xung đột trên toàn thế giới và đấu tranh vì nhân quyền”.
Từ năm 1982, ông Carter còn tham gia công tác giảng dạy tại trường đại học tổng hợp Emory ở thành phố Atlanta, bang Georgia. Cũng trong năm 1982, ông đã lập ra tổ chức phi chính phủ Viện Carter với nhiệm vụ thực hiện các hoạt động bảo vệ nhân quyền và từ thiện.
Tổng thống Mỹ thứ 41 Bush (cha) cũng giống như ông Carter, chỉ trụ trong Nhà trắng có một nhiệm kỳ. Sau khi về hưu, ông Bush (cha) đã được nhiều tập đoàn lớn mời làm cố vấn kinh tế.
Như các cựu Tổng thống Mỹ khác, ông Bush (cha) cũng kiếm được khá nhiều tiền nhờ đi diễn thuyết. Trong một bài trả lời phỏng vấn, ông đã tiết lộ rằng thù lao cho một lần ông diễn thuyết là ở mức từ 50 nghìn tới 75 nghìn USD. Cũng như các cựu Tổng thống Khác, ông Bush (cha) cũng tham gia các hoạt động từ thiện. Ông đã từng cùng cựu Tổng thống Bill Clinton quyên góp tiền cho các nạn nhân của cơn bão Catrina.
Tổng thống Mỹ thứ 42 Bill Clinton dù rời khỏi Nhà trắng nhưng vẫn còn duy trì được những chỉ số tín nhiệm khá cao của xã hội. Chính vì vậy, ông Clinton tạo cho mình nhiều cơ hội để thu hút sự chú ý chung và làm từ thiện.
Ông Bill Clinton cũng có mức thu nhập ổn định nhờ viết sách cũng như nhờ các chương trình diễn thuyết trước công chúng. Theo số liệu được đưa lên các phương thiện thông tin đại chúng, cựu Tổng thống Mỹ được trả từ 100 tới 300 nghìn USD cho mỗi một lần diễn thuyết. Tại thành phố Arkansas quê hương của ông hiện cũng đã có thư viện Tổng thống mang tên ông.
Tổng thống Mỹ thứ 43 George Bush (con) sau khi bàn giao Nhà trắng cho ông Obama đã quay trở về trang trại của mình ở bang Texas. Chỉ thi thoảng ông mới tới xem một số chương trình thể thao hay một số hoạt động xã hội nào đó. Ông cũng đã xuất bản một tập hồi ký.
Tháng 1/2017, Tống thống Mỹ Barack Obama chính thức rời nhiệm sở. Tháng 8 cùng năm, ông Obama bắt đầu tham gia các sự kiện do Tập đoàn ngân hàng và tài chính Northern TrustCorp tổ chức. Trong các sự kiện này, ông Obama đã thu về cho mình 400 nghìn USD thù lao diễn thuyết
Thấy gì qua chuyến xuất ngoại của cựu Tổng thống Obama?
Theo thông tin từ phía Mỹ, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama có chuyến thăm kéo dài 5 ngày tới các quốc gia Trung Quốc, Ấn Độ và Pháp. Trong hành trình này, ông Obama lần lượt gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ngoài, ra ông Obama còn tham gia một loạt các hoạt động tại các quốc gia mà ông tới thăm.
Giới chuyên gia học giả và báo giới cho rằng, đi thăm các nước sau khi đã rời nhiệm sở là một trong những truyền thống của các đời Tổng thống Mỹ. Mục tiêu của các chuyến thăm này là nhằm kêu gọi quyên góp, tìm kiếm sự ủng hộ đối với các quỹ, thư viện và các trung tâm do các Tổng thống lập ra.
Đối với không ít các cựu Tổng thống Mỹ, Trung Quốc là trạm dừng chân không thể thiếu trong các chuyến xuất ngoại sau khi nghỉ hưu. Cụ thể không lâu sau khi trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Đại hội đảng lần thứ 18 vào tháng 11/2012, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã có cuộc hội kiến ông Tập Cận Bình. Sau đó, vào năm 2013, với tư cách là Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ông Tập Cận Bình tiếp tục có cuộc hội kiến với cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh.
Vì vậy cựu Tổng thống Mỹ Obama thăm Bắc Kinh là sự tiếp nối truyền thống của các đời Tổng thống Mỹ. Trong chuyến thăm Bắc Kinh hôm 30/11, ông Obama đã được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp kiến. Trong đó, ông Obama khẳng định việc phát triển mối quan hệ mang tính xây dựng giữa hai nước Mỹ-Trung phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước. Đồng thời, ông Obama nhấn mạnh ông sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, trao đổi và hợp tác giữa hai nước.
Ngoài ra, các chuyên gia phân tích cho rằng, kiếm sống không phải là mục đích làm việc duy nhất của nhiều cựu Tổng thống Mỹ. Bằng ảnh hưởng và uy tín của mình, họ thành lập các tổ chức, quỹ hỗ trợ để giúp giải quyết những vấn đề nhức nhối, nóng bỏng trong nước lẫn thế giới và dành một phần thu nhập để làm ngân sách hoạt động.
Tổng thống Jimmy Carter dùng phần lớn lợi nhuận từ viết sách để thành lập Trung tâm Carter với mục tiêu thúc đẩy nhân quyền, chống đói nghèo, xung đột và áp bức. Ông đã hoạt động không ngừng nghỉ trong các hoạt động cứu trợ trên toàn cầu và với vai trò trung gian hòa giải, thúc đẩy hòa bình trong các vấn đề Trung Đông, Haiti và CHDCND Triều Tiên, ông Carter được trao giải Nobel Hòa bình hồi năm 2002.
Tương tự, Tổng thống Clinton rất năng nổ tham gia hoạt động xã hội, từ thiện. Ông lập quỹ giúp chống AIDS tại châu Phi, tích cực hoạt động về chống biến đổi khí hậu và quảng bá những tiến bộ trong chăm sóc y tế toàn cầu cũng như hoạt động cứu trợ sau thảm họa.
Tổng thống George W.Bush (con) dùng tài diễn thuyết huy động cho quỹ mang tên mình để hỗ trợ y tế tại nhiều nước, cải cách giáo dục và cuộc chiến chống bệnh ung thư tại châu Phi, nơi ông nhiều lần đến thăm sau khi mãn nhiệm.
Như vậy, chuyến thăm 3 nước Trung Quốc, Ấn Độ và Pháp của ông Obama được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích vì cộng đồng, trong đó có nhiều hoạt động liên quan tới từ thiện, hỗ trợ các khu vực khó khăn trên thế giới.
Theo Đức Thức
Tiền Phong