1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thất bại trong cuộc đàm phán về thỏa thuận cứu trợ giữa Hy Lạp và châu Âu

(Dân trí) - Hội nghị Bộ trưởng Tài chính khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) nhằm tìm kiếm một thỏa thuận về gia hạn chương trình cứu trợ mới cho Hy Lạp đã kết thúc tại thủ đô Brussels của Bỉ ngày 12/2 mà không đạt được kết quả khả quan nào.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis đã đưa ra đề xuất của Athens về một chương trình cho vay mới, theo đó, Athens muốn loại bỏ khoảng 30% các điều kiện cứu trợ hiện hành và thay thế bằng các biện pháp khác, hướng tới phát triển kinh tế bền vững hơn.

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis (Ảnh AFP)

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis (Ảnh AFP)

Tuy nhiên, sau 6 giờ đàm phán, Hy Lạp và Eurogroup không đạt được thỏa thuận nào về việc gia hạn chương trình cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) trị giá 240 tỷ euro dành cho Athens.

Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp, Chủ tịch nhóm các bộ trưởng tài chính Eurogroup Jeroen Dijsselbloem cho biết dù chưa đạt được thỏa thuận nào song không có xung đột giữa Eurogroup và Eurogroup, đồng thời khẳng định 2 bên đã thống nhất những bước đi tiếp theo.

Các chuyên gia kinh tế của Hy Lạp sẽ tiếp tục thảo luận với Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và IMF vào cuộc họp sắp tới dự kiến diễn ra trong tuần tới. Sau đó, Eurogroup sẽ đưa ra kết luận về cuộc họp này.

Trước cuộc họp của Eurogroup, chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras cam kết sẽ không đưa Hy Lạp trở lại với các chương trình kinh tế khắc khổ, từ chối rút lui kế hoạch đàm phán lại nợ. Ông Tsipras cho biết Athens sẽ nỗ lực đẩy lùi nạn trốn thuế, buôn bán bất hợp pháp, tham nhũng và tài phiệt đầu cơ chính trị.

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis đã đề xuất kế hoạch phát hành thêm trái phiếu chính phủ ngắn hạn trong sáu tháng, với thặng dư ngân sách nhỏ hơn và nhận lợi nhuận của trái phiếu chính phủ Hy Lạp mà Ngân hàng Trung ương châu Âu nắm giữ.

Hiện Hy Lạp chủ trương theo đuổi chương trình cải cách kinh tế độc lập và bền vững trong khi Đức và EU kêu gọi Athens có quan điểm thực tế hơn.

Ngọc Anh
Tổng hợp