1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thảo luận bán vũ khí sát thương cho VN đang “ấm dần lên” tại Mỹ

(Dân trí) - Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Bob Corker cho biết, việc bãi bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam được đề cập cởi mở hơn và “đang ấm dần lên” trong các cuộc thảo luận tại quốc hội Hoa Kỳ.

Thượng nghị sĩ Bob Corker tại buổi gặp gỡ báo giới ngày 5/8 (Ảnh Nam Hằng)

Thượng nghị sĩ Bob Corker tại buổi gặp gỡ báo giới ngày 5/8 (Ảnh Nam Hằng)

Ngày 5/8, Thượng nghị sĩ Bob Corker, thành viên cao cấp, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa kỳ, đã có cuộc gặp gỡ với báo giới tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội trong khuôn khổ chuyến thăm của ông đến Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên ông Corker đến Việt Nam, sau đó, ông sẽ tới Singapore, Malaysia và Philippines.

VietnamNet: Hoa Kỳ đang xem xét rỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Liệu việc này có được thực hiện trong năm sau khi hai nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao hay không? Mức độ ủng hộ của các nghị sĩ Hoa Kỳ với vấn đề này thế nào, thưa ông?

Chủ đề trên đã được đề cập trong các cuộc gặp gỡ giữa tôi với các nhà lãnh đạo Việt Nam, trong đó có ngài Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Về việc bán vũ khí sát thương trực tiếp cho Việt Nam, theo tôi quan sát, hiện nay đang có sự cởi mở hơn và vấn đề này đang "ấm dần lên" trong các cuộc thảo luận tại quốc hội Hoa Kỳ.

Tôi cho rằng mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp.

Lao động: Dự luật bãi bỏ cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam hiện đang lưu hành trong quốc hội Hoa Kỳ? Tiến trình và thủ tục pháp lý của dự luật này thế nào, thưa ông?

Ở Hoa Kỳ, việc bán mặt hàng cho một quốc gia nào đó mà cần có sự thông qua của quốc hội thì chính phủ sẽ gửi đề nghị cho quốc hội và sau đó thành viên chủ chốt của thượng nghị viện và hạ nghị viện sẽ ký.

12-18 tháng nữa sẽ kết thúc đàm phán TPP

Tại cuộc gặp gỡ với báo giới, Thượng nghị sĩ Bob Corker cũng nhận được sự quan tâm của phóng viên về việc đàm phán TPP. Ông nói: “Cá nhân tôi lạc quan Việt Nam và Hoa Kỹ sẽ đi đến thỏa thuận cuối cùng về TPP trong vòng 12-18 tháng nữa".

VTV1: Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ hiện đang phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá, liệu việc ký kết Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) có giúp giảm các vụ kiện này hay không?

Thực tế rằng vấn đề TPP có liên quan đến tư cách nền kinh tế phi thị trường của Việt Nam, liên quan đến việc kiện chống bán phá giá. Điều này cũng được nêu ra trong các cuộc gặp của tôi với giới quan chức Việt Nam.

Việt Nam đang lo ngại về thực hiện các hiệp định thương mại, tiến tới tự do hóa thương mại, đồng thời còn gặp vướng mắc về cách giải quyết những vụ kiện chống bán phá giá. Đây sẽ là những vấn đề Việt Nam cần phải giải quyết.

Vấn đề liên quan đến chống bán phá giá sẽ còn được hai nước tiếp tục thảo luận, ngay cả khi, TPP đã được ký kết.

Dân trí: Trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hôm 4/8, ông có bày tỏ mong muốn, Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như các nước khác sớm hoàn tất đàm phán TPP. Vậy Hoa Kỳ sẽ có sự linh hoạt gì cho Việt Nam trong đàm phán TPP? Theo ông, Việt Nam cần làm gì để thúc đẩy đàm phán TPP?

Tôi rất ấn tượng với những nhà đàm phán hàng đầu của Việt Nam về đàm phán TPP. Những nhà đàm phán của VN đã gặp gỡ với tôi đã nhấn mạnh rằng cần có sự cân bằng lợi ích, cũng như cần phải có sự linh hoạt trong đàm phán TPP.

Họ cũng đề nghị Hoa Kỳ xem xét thực tế Việt Nam đang ở vị trí nào trong quá trình phát triển. Còn về phía Hoa Kỳ, chúng tôi quan tâm đến tài sản trí tuệ cũng như quyền tiếp cận thị trường.

Vào tháng 11 năm nay, chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc bầu cử, và vì vậy tôi cho rằng mối quan tâm đến việc hoàn tất TPP cũng như giải quyết các khó khăn liên quan sẽ được tập trung vào sau kỳ bầu cử.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Bob Corker ngày 5/8 (Ảnh TTXVN)

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Bob Corker ngày 5/8 (Ảnh TTXVN)

Hoa Kỳ sẽ có quan điểm rõ ràng hơn về vấn đề Biển Đông

Trung Quốc vừa bác bỏ đề xuất của Hoa Kỳ và Philippines về việc đóng băng việc xây dựng những công trình trên Biển Đông, quan điểm của Hoa Kỳ về vấn đề này như thế nào?

Tôi cho rằng tất cả các bên liên quan đều phải dừng hành động mang tính khiêu khích trên Biển Đông cho đến khi có một thỏa thuận mới được ký kết. ASEAN cần phải thống nhất, phải đoàn kết để bàn cách giải quyết vấn đề Biển Đông một cách bình tĩnh nhất.

Hiện nay một số ý kiến cho rằng có sự mơ hồ nhất định trong chiến lược xoay trục của Hoa Kỳ, vì vậy Trung Quốc mới hung hăng trên Biển Đông và biển Hoa Đông như vậy, xin ông cho biết bình luận về nhận định này?

Tôi phải thừa nhận rằng, có sự mập mờ trong quan điểm của Hoa Kỳ. Tôi cũng cảm nhận được rằng, khu vực Đông Nam Á, họ thấy vai trò của Hoa Kỳ rõ ràng hơn ở khu vực Thái Bình Dương. Tôi hy vọng rằng, trong thời gian tới, mọi người sẽ thấy được quan điểm rõ ràng hơn của Hoa Kỳ về vấn đề Biển Đông và sự mập mờ sẽ giảm đi.

Mục tiêu của Hoa Kỳ cũng như của Việt Nam và ASEAN đều giống nhau là sự phát triển thịnh vượng, công dân của các nước sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn và hy vọng hiệp định TPP sẽ giúp giải quyết vấn đề này.

Lao động: Gần đây, thượng viện Hoa Kỳ có ra nghị quyết về an ninh hàng hải ở Biển Đông, nghị quyết đó có giá trị pháp lý hay không? Nghị quyết này có dẫn đến một sự trừng phạt nào đó cho Trung Quốc không nếu Trung Quốc tiếp tục cản trở anh ninh hàng hải ở Biển Đông?

Nghị quyết của thượng viện không có hiệu lực về pháp lý, không có sức mạnh về pháp luật mà chỉ là bày tỏ quan điểm, sự cảm nhận của các thượng nghị về cách họ nhìn nhận vấn đề.

Về việc giải quyết vấn đề này thế nào phải liên quan đến một quá trình pháp lý, đây là quyết định của Việt Nam. Việt Nam có nhiều phương án để lựa chọn nhưng VN chưa đưa ra quyết định.

Nam Hằng