Thành viên NATO mong muốn làm trung gian hòa giải ở Ukraine
(Dân trí) - Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định mong muốn của mình là trở thành bên trung gian hòa giải cho cuộc xung đột ở Ukraine.
Ông Ibrahim Kalin, người phát ngôn kiêm cố vấn chính sách đối ngoại cao cấp của Tổng thống Tayyip Erdogan, cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ duy trì một sự cân bằng ngoại giao sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Theo ông Kalin, chính sách ngoại giao cân bằng này sẽ tạo điều kiện cho Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào các quá trình đàm phán nhằm nhanh chóng mang lại hòa bình và ổn định cho khu vực.
Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO và cũng là nước láng giềng trên Biển Đen của cả Nga và Ukraine, được cho có quan hệ tốt với cả hai nước. Trước đó, Ankara đã lên tiếng chỉ trích chiến dịch quân sự của Moscow, nhưng cũng đã phản đối các động thái trừng phạt kinh tế nặng nề nhằm vào Nga. Ở chiều ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp cho Kyiv các máy bay không người lái có vũ trang và chặn một số lối đi của hải quân Nga đến Biển Đen.
"Chúng tôi đã phản đối cuộc xung đột này ngay từ đầu, nhưng vẫn duy trì liên lạc thường xuyên với Moscow. Họ cần một ai đó - một đối tác tin cậy, một nhà đàm phán, một bên hòa giải có khả năng kiểm soát mọi chuyện. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cố gắng trở thành một đối tác có thể đàm phán được với cả Nga lẫn Ukraine", cố vấn Kalin giải thích cho lý do lựa chọn đường lối ngoại giao cân bằng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Thổ Nhĩ Kỳ đã nỗ lực làm cầu nối nhằm tổ chức các cuộc đàm phán giữa hai bên. Nhiều cuộc thương lượng riêng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga và Ukraine cũng đã được tiến hành. Trong một động thái gần đây, chính quyền của Tổng thống Tayyip Erdogan đã đưa ra lời đề nghị sẽ hỗ trợ sơ tán các thương binh Ukraine còn đang mắc kẹt trong nhà máy thép Azovstal tại thành phố Mariupol bằng đường biển.