Thành phố Trung Quốc đảo lộn trong cuộc phong tỏa lớn nhất sau Vũ Hán
(Dân trí) - Cuộc sống của 13 triệu dân ở thành phố Tây An dường như bị đảo lộn trong đợt phong tỏa lớn nhất của Trung Quốc kể từ sau Vũ Hán hồi đầu năm 2020.
Theo thông cáo của chính quyền thành phố Tây An, từ 0 giờ ngày 23/12, tất cả hộ gia đình chỉ được phép cử "một thành viên trong nhà ra ngoài hai ngày một lần để mua nhu yếu phẩm", trong khi tất cả những người khác phải ở trong nhà trừ trường hợp khẩn cấp.
Thông cáo yêu cầu người dân Tây An "không rời thành phố trừ khi cần thiết", đồng thời cho biết những người muốn rời đi sẽ phải trình bằng chứng về "hoàn cảnh đặc biệt" và nộp đơn xin cấp phép.
Tây An, một điểm đến nổi tiếng của khách du lịch quốc tế trước đại dịch, đã nhanh chóng bị phong tỏa sau khi phát hiện hơn 200 ca mắc Covid-19 trong tháng này. Đây được cho là đợt phong tỏa lớn nhất của Trung Quốc kể từ sau đợt phong tỏa tại thành phố Vũ Hán, nơi có 11 triệu dân. Vũ Hán từng trải qua đợt phong tỏa chưa từng có kéo dài 76 ngày hồi đầu năm 2020.
Cuộc sống hoàn toàn đảo lộn tại Tây An khi 13 triệu dân được yêu cầu ở trong nhà. Đường phố vắng tanh, người dân xếp hàng dài chờ xét nghiệm Covid-19, trong khi các nhà chức trách phong tỏa các khu chung cư.
Trung Quốc là thành trì cuối cùng còn theo đuổi chiến lược "Không Covid-19" (Zero Covid), hay còn gọi là đối phó không khoan nhượng, để đưa số ca nhiễm về 0 bằng các biện pháp quyết liệt như xét nghiệm, truy vết, phong tỏa diện rộng. Tây An là thành phố mới nhất được Trung Quốc triển khai chiến lược này.
Wei, một người dân Tây An, cho biết lệnh phong tỏa khiến cô cảm thấy "đau khổ", vì không thể gặp được chồng đang sống ở Bắc Kinh suốt nhiều tháng nay.
"Bắc Kinh vừa bùng dịch cách đây không lâu, và giờ đến lượt Tây An", Wei nói.
Lệnh phong tỏa được đưa ra đúng vào thời điểm các thí sinh là cử nhân đại học đang chuẩn bị cho kỳ thi thạc sĩ toàn quốc vào cuối tuần tới.
"Tôi lo lắng suốt cả tuần. Điểm thi yêu cầu xuất trình 2 giấy chứng nhận xét nghiệm axit nucleic trong vòng 48 giờ. Nhưng hiện tại các trung tâm xét nghiệm chỉ cung cấp kết quả điện tử, các bệnh viện bị phong tỏa còn các điểm thi không trả lời điện thoại", một thí sinh giấu tên cho biết. Khi các tuyến đường bị chặn, cô không biết sẽ làm thế nào để đến được địa điểm thi.
Truyền thông địa phương đưa tin người dân đổ xô đến các khu chợ để mua hàng tích trữ khi thông tin về lệnh phong tỏa được rò rỉ hôm 22/12.
Global Times, báo nhà nước Trung Quốc, cảnh báo Tây An đang phải đối mặt với "bài kiểm tra lớn về năng lực quản trị". Trước đó, nhiều quan chức địa phương trên khắp Trung Quốc đã bị sa thải do xử lý không tốt các ổ dịch, khiến các chính quyền địa phương phải duy trì nghiêm ngặt các biện pháp hạn chế chống dịch.
Trung Quốc cho đến nay mới chỉ ghi nhận chưa đầy 5.000 ca tử vong do Covid-19, thấp hơn nhiều so với hơn 800.000 ca ở Mỹ. Trong khi chính quyền kiên định với chiến lược "Không Covid", nhiều người dân cũng chấp nhận sống cùng lệnh phong tỏa.
"Tôi tin rằng nên làm như vậy, cần phải phong tỏa. Chính quyền nói rằng chúng tôi có thể ra ngoài hai ngày một lần để mua đồ, vì vậy tôi không chuẩn bị gì ngoài mua một vài thứ vào tối qua", Sun, một người dân Tây An, cho biết.
Sau gần 2 năm sống chung với dịch, người dân Tây An cho biết bây giờ họ đã chuẩn bị tốt hơn cho việc ngăn chặn dịch bệnh và tin rằng các biện pháp cứng rắn là cần thiết để dập dịch từ trong trứng nước.
Phong tỏa thành phố là một "biện pháp mà chúng ta nên làm ngay từ đầu, càng sớm càng tốt", Yuan, một thông dịch viên và là bà mẹ hai con sống ở Tây An, cho biết.
Yuan nói rằng toàn bộ khu dân cư nơi cô sống sắp được xét nghiệm lần 3 kể từ khi bắt đầu bùng dịch. Do trường học đóng cửa, hai con của cô chuyển sang học trực tuyến.
"So với Vũ Hán, tôi tin rằng đợt phong tỏa lần này của chúng tôi sẽ không kéo dài quá lâu", Yuan cho biết.