Thẳng tay vung đòn trừng phạt, Mỹ đang tạo ra “liên minh thù địch” mới
Với việc thẳng tay áp đặt trừng phạt nhằm vào đối thủ và cả đồng minh, Tổng thống Donald Trump đang tạo ra “liên minh thù địch” mới chống lại Mỹ.
Ông Donald Trump không phải là Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt và rào cản thuế quan để mở rộng quyền lực của nước Mỹ, nhưng ông là người đã đưa cách tiếp cận này lên một đỉnh cao mới. Biện pháp trừng phạt của Mỹ không chỉ được áp đặt với các đối thủ như Nga, Trung Quốc, Iran mà còn với cả đồng minh như Thổ Nhĩ Kỳ.
Vẫn chưa rõ sách lược về kinh tế và chính trị của chính quyền Tổng thống Donald Trump đạt được hiệu quả đến đâu khi có quá nhiều lệnh trừng phạt được ban hành mà không có sự hợp tác của cộng đồng quốc tế, nhưng có một thực tế hiển nhiên là các nước nằm trong “danh sách đen” của Mỹ đang có nhiều hành động để bảo vệ lợi ích của chính họ, trong đó có việc hình thành một liên minh mới nổi chống lại “chính sách cường quyền” của Mỹ.
Donald Trump - Tổng thống “nghiện trừng phạt”
Mỹ đã gia tăng áp đặt các biện pháp trừng phạt kể từ những năm 1990 và các biện pháp này lại càng được sử dụng nhiều hơn nữa kể từ khi Tổng thống George W Bush đẩy mạnh hoạt động an ninh sau vụ tấn công khủng bố tòa tháp đôi ngày 11/9/2001.
Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump mới là người đưa chiến lược trừng phạt lên một cấp độ mới. Theo Văn phòng luật Gibson, Dunn & Crutcher, trong năm 2017, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa thêm 944 cá nhân và tổ chức vào danh sách trừng phạt, tăng 30% so với năm 2016.
Adam Smith - cựu quan chức tại Bộ Tài chính cho biết thêm, cơ quan này cũng đang có kế hoạch đưa thêm 1.000 cái tên nữa vào danh sách trong năm 2018. “Đây là một cơn bão trừng phạt. Mỹ đang có một chính quyền sẵn sàng đối đầu với không chỉ kẻ thù mà còn với bạn bè và đồng minh”, ông Adam Smith nói.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Mỹ đã liên tiếp áp đặt trừng phạt với Trung Quốc, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau khi mở màn cuộc chiến thương mại “lớn nhất lịch sử kinh tế” với Trung Quốc, với việc áp thuế nhập khẩu 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Donald Trump tiếp tục tung đòn trừng phạt một số doanh nghiệp của Trung Quốc trong đó có Công ty hậu cần thương mại quốc tế Đại Liên Sun Moon Star với cáo buộc giao dịch bất hợp pháp với Triều Tiên.
Mỹ cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt nặng tay với Iran dù bị dư luận phản đối gay gắt. Lệnh trừng phạt của Mỹ chính thức tái áp trở lại đối với Iran từ ngày 7/8, không cho phép Iran mua USD, đồng thời chặn các hoạt động giao thương về kim loại, than, phần mềm công nghiệp và ôtô của nước này với các quốc gia khác. Dự kiến, đầu tháng 11/2018, sẽ thực thi thêm nhiều biện pháp nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ của Iran Mục tiêu của Mỹ là “bóp nghẹt” nền kinh tế Iran, gây sức ép buộc Iran thay đổi chính sách đối ngoại và từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân.
Tiếp đến hôm 8/8, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo sẽ triển khai các biện pháp trừng phạt Nga với cáo buộc Moscow đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal tại Salisbury, Anh. Các lệnh trừng phạt mới sẽ có hiệu lực từ ngày 22/8 và đánh vào hoạt động xuất khẩu linh kiện điện tử nhạy cảm cũng như các công nghệ khác của Nga. Đây không phải lần đầu tiên Mỹ áp lệnh trừng phạt Nga liên quan đến vụ việc Skripal. Trước đó vào tháng 3, Mỹ đã trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga.
Triều Tiên, nước vốn đã bị Mỹ trừng phạt, ngày 9/8 đã lên tiếng phản đối khi Mỹ kêu gọi thực thi các biện pháp trừng phạt quốc tế bất chấp các động thái thiện chí của Bình Nhưỡng thời gian qua.
Không chỉ các nước đối đầu, mà ngay cả Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh thân cận của Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng không tránh khỏi “đòn đau”. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông sẽ tăng gấp đôi thuế nhập khẩu đối với nhôm và thép của Thổ Nhĩ Kỳ, liên quan đến những tranh cãi giữa Washington và Ankara về vụ bắt giữ linh mục người Mỹ Brunson. Ngay sau các động thái của chính quyền Mỹ, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất giá hơn 20% còn đồng rúp của Nga mất giá hơn 6% so với đồng USD.
Ông David Mortlock, phụ trách các vấn đề kinh tế quốc tế thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama nhận định, những dẫn chứng nêu trên cho thấy, Tổng thống Donald Trump ngày càng dựa vào các biện pháp trừng phạt như một cách để giải quyết các thách thức về đối ngoại. “Chính phủ Mỹ ngày càng mạnh mẽ và quyết liệt hơn trong áp dụng lệnh trừng phạt. Điều đáng nói ở đây là trừng phạt được coi là công cụ duy nhất và không kèm theo bất cứ nỗ lực ngoại giao nào”.
Nhà nghiên cứu cấp cao Richard Nephew tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu nhận định: “Mỹ đang sử dụng thuế quan như một biện pháp trừng phạt. Từ trước đến nay, chúng tôi luôn phân định rõ ràng hai việc này. Rào cản thuế quan chỉ áp dụng cho những hoạt động kinh doanh thiếu công bằng còn trừng phạt được áp dụng cho các vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, những gì mà ông Trump thông báo trên Twitter cho thấy Mỹ đang sử dụng thuế quan để giải quyết các vấn đề đối ngoại”.
Con dao hai lưỡi
Trong một động thái nhằm bênh vực Tổng thống Donald Trump, Michael Singh, người đứng đầu Viện Washington về chính sách cận đông cho biết “Trừng phạt là cách thức để gia tăng quyền lực và tận dụng sức mạnh vốn có của Mỹ mà không cần điều quân đội ra nước ngoài hoặc can thiệp quá sâu vào các tình huống nằm ngoài biên giới Mỹ”.
Trái ngược với nhận xét này, ông Daniel Tannebaum, người đứng đầu đơn vị trừng phạt tài chính toàn cầu của Công ty PricewaterhouseCoopers LLP nhấn mạnh, Tổng thống Donald Trump đang sử dụng đòn trừng phạt như một loại “tên lửa kinh tế” gây ảnh hưởng ngay tức thì, song điều này đôi khi cũng phản tác dụng, thậm chí gây hại cho nước Mỹ.
“Nước Mỹ có một vị Tổng thống muốn nhanh chóng đạt được mục tiêu và có các biện pháp trừng phạt… Thậm chí chỉ cần đe dọa thôi thì cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế của đối phương. Nguy hiểm là cách tiếp cận quá cứng rắn, đôi khi thiếu sự phối hợp với các đồng minh sẽ gây hỗn loạn trên thị trường tài chính và rất khó để khắc phục”.
Theo tờ Bưu điện Washington, lệnh trừng phạt của Mỹ thường phát huy hiệu quả là bởi có quá nhiều giao dịch quốc tế, từ ngân hàng tới dầu mỏ, đều được thực hiện bằng đồng USD. Nhận thức được thế mạnh như vậy, chính quyền Donald Trump luôn sẵn sàng “vung chiếc búa trừng phạt” lên bất cứ lúc nào trong khi không quan tâm đến hậu quả nhiều như các chính phủ tiền nhiệm. Theo giới phân tích, chiến lược của Nhà Trắng phản ánh niềm tin cơ bản rằng, sử dụng sức ép về kinh tế sẽ khiến các nước khác thay đổi được hành vi. Tuy nhiên đây lại là cách tiếp cận không nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Viện Peterson, chuyên nghiên cứu các biện pháp trừng phạt quốc tế cho biết, chính sách trừng phạt chỉ phát huy hiệu quả ở mức 20% đến 25%. Chúng đặc biệt phản tác dụng khi quốc gia trừng phạt muốn đối thủ từ bỏ mục tiêu “chiến lược” của mình, chẳng hạn như việc Mỹ muốn Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân trong khi Triều Tiên coi đây là công cụ đảm bảo an ninh quốc gia.
Nga cũng là một trường hợp đặc biệt khác. Trong phiên điều trần tại Thượng viện tháng 7/201, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo chính quyền Mỹ đã áp đặt trừng phạt đối với 213 cá nhân và tổ chức của Nga, song vẫn không làm thay đổi thái độ và cách hành xử của Nga.
Ông Fried thuộc tổ chức nghiên cứu Hội đồng Atlantic cho rằng, Mỹ cũng khó tránh khỏi nguy cơ rủi ro từ việc lạm dụng các biện pháp trừng phạt, điển hình là bằng cách hạn chế các nước nằm trong “danh sách đen” tiếp cận với đồng USD, Mỹ đang khiến cho những loại tiền tệ khác “lên ngôi”. Và nguy hiểm hơn, Mỹ đang tạo điều kiện cho việc hình thành một liên minh mới, thách thức trật tự do Mỹ thiết lập, đó là mối liên kết giữa Iran, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc.
Liên minh mới nổi chống Mỹ
Giám đốc Viện Nghiên cứu khủng hoảng Oxford Mark Almond cho biết, Tổng thống Mỹ đang tạo ra “một trục kẻ thù”, bằng việc đẩy các quốc gia cùng bị Mỹ trừng phạt trở thành Liên minh chống Mỹ.
Trong bài bình luận trên tờ Daily Telegraph, ông Mark Almond nhấn mạnh: “Về mặt cá nhân, các nước Iran, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí Trung Quốc rất dễ bị tổn thương trước chiến dịch gây sức ép của Mỹ. Nhưng nếu các nước này hợp lực cùng nhau thì có thể khiến các biện pháp trừng phạt của Mỹ phản tác dụng”.
Theo nhà phân tích này, nếu chỉ là sự kết hợp của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ thì đây không phải là mối lo với Mỹ nhưng với sức mạnh của cả Nga và Trung Quốc cộng lại, một khu vực địa chính trị mới có thể hình thành.
Trước đó hôm 10/8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho biết, các hành động đơn phương của Mỹ chống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hủy hoại lợi ích của Mỹ và buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải đi tìm những người bạn và đồng minh mới". Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh, ông sẽ tìm cách thành lập một liên minh kinh tế với Iran, Nga, Trung Quốc và một số nước Châu Âu. Phía Nga cũng tuyên bố giảm đáng kể đầu tư vào tài sản của Mỹ nhằm đáp trả việc Tổng thống Donald Trump tăng thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Còn Iran, để đối phó với các biện pháp trừng phạt của Mỹ, đã chuyển hướng hợp tác với Nga và Trung Quốc về các vấn đề an ninh và thương mại. Đến thời điểm hiện tại, Nga và Trung Quốc chưa có dấu hiệu sẵn sàng hợp tác với biện pháp trừng phạt của Mỹ. Trong khi đó, các công ty của hai quốc gia này vẫn được chính phủ cấp phép để tiến hành giao dịch làm ăn với Iran.
Theo Hồng Anh
VOV