1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tham vọng đặc khu kinh tế và “người con nuôi” của lãnh đạo Triều Tiên

(Dân trí) - Triều Tiên được cho là từng theo đuổi tham vọng phát triển đặc khu kinh tế theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ” giáp biên giới Trung Quốc và người đứng đầu dự án này được xem là “con nuôi” của cố lãnh đạo Kim Jong-il.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-il (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong cuộc gặp tại Bắc Kinh năm 2004 (Ảnh: AFP)
Nhà lãnh đạo Kim Jong-il (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong cuộc gặp tại Bắc Kinh năm 2004 (Ảnh: AFP)

16 năm trước, Triều Tiên từng lên kế hoạch xây dựng một đặc khu kinh tế tương tự Hong Kong tại thành phố Sinuiju nằm bên bờ sông Áp Lục, nơi ngăn biên giới Triều Tiên - Trung Quốc. Áp dụng theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ”, đặc khu kinh tế Sinuiju gần biên giới tây bắc với Trung Quốc sẽ được hưởng quyền tự chủ đầy đủ về lập pháp, tư pháp và hành pháp.

Theo kế hoạch của Triều Tiên, đồng USD sẽ được sử dụng làm đồng tiền chính của đặc khu Sinuiju. Ngoài ra đồng yen Nhật cũng được chấp thuận. Người nước ngoài có thể ra vào đặc khu mà không cần xin cấp thị thực.

Vào thời điểm đó, cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il đã quyết định 8 trong số 15 thành viên “nội các” của đặc khu Sinuiju sẽ là người nước ngoài. Người được ông Kim Jong-il lựa chọn để dẫn đầu dự án này là Yang Bin - một doanh nhân Hà Lan gốc Trung Quốc.

Ý tưởng sau chuyến thăm Trung Quốc

Ông Kim Jong-il thời điểm năm 2002. (Ảnh: Reuters)
Ông Kim Jong-il thời điểm năm 2002. (Ảnh: Reuters)

Ý tưởng của cố lãnh đạo Kim Jong-il khi xây dựng đặc khu Sinuiju vào năm 2002 là nhằm thúc đẩy tăng trường kinh tế thông qua mở cửa tự do thương mại. Một trong lĩnh vực mà ông Kim rất muốn phát triển là nông nghiệp. Trước đó trong chuyến thăm tới Trung Quốc, nhà lãnh đạo Triều Tiên từng tới thăm các cơ sở nông nghiệp gần Thượng Hải và rất ấn tượng với việc Trung Quốc sử dụng các công nghệ hiện đại để phát triển khu vực này.

Khi trở về nước, ông Kim Jong-il được cho là đã chỉ đạo một chiến dịch “săn đầu người” toàn cầu với sứ mệnh tìm kiếm một người đủ năng lực nhằm áp dụng mô hình phát triển nông nghiệp như của Trung Quốc vào Triều Tiên. Nỗ lực tìm kiếm cuối cùng cũng mang lại kết quả khi Triều Tiên tìm thấy một doanh nhân trẻ thành đạt tên Yang Bin. Đây là người đã áp dụng thành công mô hình nông nghiệp theo kiểu Hà Lan tại thành phố Thẩm Dương, đông bắc Trung Quốc.

Việc doanh nhân Yang Bin bằng cách nào đó đã trở nên thân thiết với nhà lãnh đạo Kim Jong-il cho đến nay vẫn là một câu chuyện bí ẩn. Tuy nhiên, khoản tiền 100 triệu USD do ông Yang đổ vào Triều Tiên có thể là một trong những lý do dẫn tới mối quan hệ thân thiết này. Thậm chí Yang Bin sau này còn được gắn với biệt danh “con trai nuôi của Kim Jong-il”.

Vào mùa thu năm 2002, ông Yang đề xuất đặc khu kinh tế Sinuiju cần tiến hành một thử nghiệm táo bạo hơn. Theo ông Yang, sự phát triển của Sinuiju nên do người nước ngoài dẫn dắt và đặc khu này cũng cần sự tự chủ đặc biệt. Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã đồng ý với đề xuất của doanh nhân Yang Bin.

Sau khi Yang Bin gặp ông Kim Yong Nam, Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên và là nhân vật quyền lực số hai tại Triều Tiên, một đạo luật đã được thông qua, cho phép áp dụng mô hình “một quốc gia, hai chế độ” đối với đặc khu Sinuiju. Thông báo về sự ra đời của đạo luật được đưa ra vào tháng 9/2002. Ngay sau đó, ông Yang được bổ nhiệm làm quan chức cấp cao của đặc khu Sinuiju.

Sinuiju thậm chí còn lựa chọn một nhân vật đóng vai trò như một “đại sứ” của đặc khu này tại Nhật Bản. Ông Yang cũng từng đích thân tới Nhật Bản vào tháng 10/2002 để kêu gọi sự hỗ trợ từ phía chính phủ Nhật Bản và giới doanh nhân của nước này với đặc khu Sinuiju của Triều Tiên.

Cơn giận của Bắc Kinh

Cầu bắc qua sông Áp Lục nối biên giới Trung - Triều. (Ảnh: Getty)
Cầu bắc qua sông Áp Lục nối biên giới Trung - Triều. (Ảnh: Getty)

Vào thời điểm đó, Triều Tiên đã âm thầm chuẩn bị cho dự án đặc khu Sinuiju. Nhà lãnh đạo Kim Jong-il thậm chí còn bổ nhiệm Yang Bin, một người gốc Trung Quốc, làm quan chức cấp cao của đặc khu mà Bắc Kinh không hề hay biết. Tuy nhiên, sau khi biết chuyện, Trung Quốc đã nổi giận và hoài nghi về ý định thực sự của ông Kim Jong-il.

Ý tưởng thành lập đặc khu kinh tế của Triều Tiên không nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc. Bắc Kinh lo ngại sự xuất hiện của một đặc khu mang xu hướng tư bản tại khu vực biên giới với Triều Tiên có thể gây bất ổn cho hoạt động quản lý kinh tế và chính trị tại vùng đông bắc Trung Quốc.

Là trung tâm công nghiệp nặng truyền thống, vùng đông bắc Trung Quốc đã chịu tác động từ hệ quả của việc Bắc Kinh gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào cuối năm 2001. Khu vực này khi đó rất cần nguồn vốn đầu tư nước ngoài để thúc đẩy năng lực cạnh tranh.

Trung Quốc lo sợ rằng vùng đông bắc nước này sẽ mất đi nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài nếu Triều Tiên thành lập một đặc khu kinh tế gần đó với chi phí lao động rẻ hơn. Do vậy, Bắc Kinh đã tìm cách làm phá sản kế hoạch xây dựng đặc khu của Triều Tiên bằng cách bắt giữ lãnh đạo đặc khu.

Không lâu sau khi doanh nhân Yang Bin được bổ nhiệm làm quan chức đứng đầu đặc khu Sinuiju, Trung Quốc đã bất ngờ bắt giữ tỷ phú trẻ này ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc. Ông Yang, một nạn nhân của mối quan hệ căng thẳng Trung - Triều, bị kết tội trốn thuế, nhận hối lộ và bị kết án 18 năm tù.

Đặc khu sẽ hồi sinh?

Doanh nhân Yang Bin (Ảnh: Nikkei)
Doanh nhân Yang Bin (Ảnh: Nikkei)

Triều Tiên được cho là đã phản đối động thái bắt giữ của Trung Quốc và liên tục yêu cầu Bắc Kinh thả người. Tuy nhiên, Trung Quốc không đáp ứng lời đề nghị của Triều Tiên.

Khi mất đi người lãnh đạo, dự án đặc khu kinh tế Sinuiju của Triều Tiên không thể tiếp tục thực hiện. Triều Tiên sau đó đã chuyển hướng từ đặc khu kinh tế sang chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.

Sau nhiều năm chịu án tù tại Trung Quốc và gần như bị lãng quên, doanh nhân Yang Bin, nay đã 55 tuổi, bỗng xuất hiện trở lại trong tháng này tại Đài Loan. Đây là lần đầu tiên sau 16 năm ông Yang xuất hiện trước công chúng.

Theo truyền thông Đài Loan, mục đích chuyến đi của ông Yang tới Đài Loan là nhằm tuyển mộ người tham gia vào việc khôi phục lại dự án đặc khu kinh tế Sinuiju. Ông Yang đã gặp nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Đài Loan và dường như có cả các doanh nhân Hàn Quốc.

Triều Tiên và Đài Loan được cho là đang bắt tay hợp tác trong việc xử lý chất thải hạt nhân ở các nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, hợp tác giữa hai bên có khả năng không chỉ dừng lại ở đó và chuyến thăm của ông Yang tới Đài Loan cũng đặt ra nghi vấn về mối quan hệ này.

Thành Đạt

Theo Nikkei