1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ông Kim Jong-un dốc sức vực dậy nền kinh tế Triều Tiên

(Dân trí) - Hai tháng rưỡi từ sau cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tạm dừng các cuộc đàm phán phi hạt nhân để dành thời gian thị sát các nông trường và các nhà máy nhằm khẳng định quyết tâm trong việc cải thiện nền kinh tế bị đình trệ của Triều Tiên.

Ông Kim Jong-un đội mưa thị sát khu vực suối nước nóng ở thị trấn Yangdok, Nam Pyongan, Triều Tiên. (Ảnh: KCNA)
Ông Kim Jong-un đội mưa thị sát khu vực suối nước nóng ở thị trấn Yangdok, Nam Pyongan, Triều Tiên. (Ảnh: KCNA)

Hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên (KCNA) ngày 21/8 đã đưa tin về chuyến thăm của ông Kim Jong-un tới nhà máy thiết bị y tế Myohyangsan. Tại đây, ông đã phê bình ban quản lý nhà máy và chỉ trích họ “ngủ đông” suốt nhiều năm.

Nhà máy Myohyangsan là một trong 30 cơ sở nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng tới thị sát từ cuối tháng 6. Trong mỗi chuyến thị sát, ông Kim Jong-un thường đi cùng các sĩ quan quân sự cấp cao của Triều Tiên. Ông đã hoàn tất một loạt chuyến đi vòng quanh đất nước và bây giờ bắt đầu thăm lại các cơ sở đặc biệt quan trọng. Truyền thông nhà nước Triều Tiên cũng công bố những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc ông Kim Jong-un dầm mưa hoặc ướt đẫm mồ hôi dưới thời tiết oi bức khi tới thăm các cơ sở trên cả nước.

Kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều hồi tháng 6 và mối đe dọa bị Washington tấn công quân sự giảm xuống mức đáng kể, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã chuyển từ nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân sang tăng cường sức mạnh kinh tế. Quyết định chuyển mình của ông Kim Jong-un diễn ra khi nền kinh tế Triều Tiên bị đình trệ nặng nề sau nhiều năm đối mặt với các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế.

Liên Hợp Quốc ước tính GDP Triều Tiên năm 2016 ở mức 16,79 tỷ USD, thấp hơn một chút so với Campuchia và chỉ bằng 0,1% so với Mỹ. Theo số liệu thống kê của ngân hàng trung ương Hàn Quốc, quy mô nền kinh tế Triều Tiên đã giảm 3,5% trong năm 2017 do sản lượng khai thác mỏ và sản xuất sụt giảm.

Theo Nikkei, nếu nhà lãnh đạo Kim Jong-un không mở rộng nền kinh tế và cải thiện điều kiện sống của người dân, ông khó có thể giữ vững quyền lực tại Triều Tiên. Tần suất thị sát dày đặc bất thường của ông Kim Jong-un là dấu hiệu cho thấy mối lo ngại ngày càng tăng của ông khi nền kinh tế chưa có nhiều tiến triển kể từ sau hội nghị thượng đỉnh.

Từ sau khi lên nắm quyền lãnh đạo tại Triều Tiên hồi năm 2012, ông Kim Jong-un đã theo đuổi các chính sách kinh tế theo định hướng thị trường. Vào năm 2014, cách thức quản lý kinh tế mới do chính quyền Triều Tiên đưa ra đã nới lỏng đáng kể quyền kiểm soát tập trung của khối doanh nghiệp nhà nước.

Những thay đổi này đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tầng lớp giàu có mới nổi tại Triều Tiên trong việc mượn các cơ sở và đất đai từ các doanh nghiệp nhà nước để tự xây dựng các mô hình kinh doanh riêng. Điều này đã dẫn tới sự gia tăng của khối doanh nhân tư nhân tại Triều Tiên. Taxi đã phổ biến hơn tại thủ đô Bình Nhưỡng, tăng từ 1.500 chiếc hồi năm 2016 lên 2.000 chiếc ở thời điểm hiện tại.

Mô hình “thị trường hóa” nền kinh tế cũng góp phần nâng cao mức sống của người dân Triều Tiên. Vào mùa hè này, một ứng dụng giao nhận đồ ăn trên điện thoại thông minh đã trở nên phổ biến tại Bình Nhưỡng, cho phép chuyển món mì lạnh tới tận tay những người không muốn ra ngoài do thời tiết nắng nóng.

Tăng cường hợp tác

Nhà lãnh đạo Triều Tiên trực tiếp chỉ đạo công việc tại một nông trại. (Ảnh: KCNA)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên trực tiếp chỉ đạo công việc tại một nông trại. (Ảnh: KCNA)

Những người Triều Tiên giàu có đang rót tiền vào các hoạt động phát triển và đầu tư bất động sản. Theo báo Korea JoongAng Daily của Hàn Quốc, giá của những căn hộ ở khu thương mại Bình Nhưỡng tăng từ 50.000 USD hồi năm 2005 lên 100.000 USD, thậm chí 200.000 USD, ở thời điểm hiện tại. Giá nhà cũng có xu hướng tăng lên tại các thành phố nhỏ hơn như Sinuiju - nơi giáp biên giới với Trung Quốc.

Giáo sư Yang Moon-soo tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul nhận thấy có nhiều điểm tương đồng giữa Triều Tiên hiện nay với giai đoạn đầu của Trung Quốc thời kỳ cải cách và mở cửa.

Theo Giáo sư Andrei Lankov tại Đại học Kookmin Hàn Quốc, chính phủ Triều Tiên sẽ cho phép sự phát triển của nền kinh tế theo định hướng thị trường miễn là điều đó không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng thông qua việc tái đầu tư nguồn vốn nội bộ.

Tuy vậy, tốc độ phát triển kinh tế tại Triều Tiên hiện chủ yếu mang lại lợi ích cho người dân sống ở khu vực đô thị. Tại các vùng nông thôn - nơi từng có khoảng thời gian dài sống trong tình trạng thiếu hụt lương thực, nhiều người dân vẫn đang phải chật vật để có thể duy trì cuộc sống. Các trang thiết bị dành cho hoạt động trồng trọt và tưới tiêu bị hư hỏng, trong khi vấn nạn tham nhũng vẫn còn lan rộng.

Những mùa hè khô nóng gần đây càng khiến cho việc trồng trọt gặp khó khăn hơn. Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc ước tính Triều Tiên đã thu hoạch 1,4 triệu tấn gạo năm ngoái, ít hơn so 300.000 tấn so với năm 2016.

Một nửa trong số các cơ sở được ông Kim Jong-un tới thị sát kể từ cuối tháng 6 là các nông trường hoặc trại cá. Thực tế này cho thấy tình trạng thiếu lương thực tại Triều Tiên ngày càng đáng báo động.

Trung tâm thương mại mới mở tại tỉnh Ryanggang, Triều Tiên gần biên giới Trung Quốc (Ảnh: Nikkei)
Trung tâm thương mại mới mở tại tỉnh Ryanggang, Triều Tiên gần biên giới Trung Quốc (Ảnh: Nikkei)

Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt vẫn đang cản trở các khoản đầu tư nước ngoài đổ vào Triều Tiên, những cải cách theo hướng kinh tế thị trường không đạt được nhiều hiệu quả trong việc thúc đẩy kinh tế Triều Tiên phát triển. Vào mùa hè năm nay, một trung tâm thương mại lớn đã được mở ra tại Rason bên bờ sông Đồ Môn gần biên giới Trung Quốc. Đây là nơi bán các sản phẩm của Triều Tiên cho lượng khách du lịch ngày càng tăng từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, trung tâm thương mại này không mang lại nhiều nguồn thu như kỳ vọng. Các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc cấm khách du lịch mang hải sản, mặt hàng phổ biến nhất của Triều Tiên, đi qua khu vực biên giới.

Các lệnh trừng phạt cũng chặn đứng các nguồn thu ngoại tệ của Triều Tiên thông qua các hoạt động xuất khẩu hải sản và khoáng sản. Khi các lệnh trừng phạt chưa được nới lỏng trong thời gian tới, một trong số ít lựa chọn còn lại để Triều Tiên có thể thu ngoại tệ nhanh chóng là du lịch. Mục tiêu phát triển các điểm thu hút khách du lịch đã thể hiện rõ trong các chuyến thị sát của nhà lãnh đạo Kim Jong-un gần đây.

Ông Kim Jong-un đã tới thăm một công trình xây dựng khu nghỉ dưỡng ven biển ở thành phố Wonsan phía đông Triều Tiên. Trong chuyến thị sát này, ông Kim Jong-un đã chỉ đạo xây dựng một khu nghỉ dưỡng “không có đối thủ” trên thế giới và mong muốn công trình này sẽ hoàn tất vào tháng 10 năm sau.

Bằng cả hình thức ngầm và công khai, Triều Tiên đã vận động hành lang Nga và Hàn Quốc để kêu gọi hợp tác với Bình Nhưỡng. Đài Radio Free Asia gần đây đưa tin Nga đã tăng cường xuất khẩu xăng dầu tinh chế cho Triều Tiên trong khi Trung Quốc hạn chế cung cấp các sản phẩm xăng dầu cho Bình Nhưỡng.

Hàn Quốc cũng quan tâm tới việc mở lại đặc khu kinh tế Rason với Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từng thể hiện tầm nhìn của ông trong việc xây dựng một mạng lưới tàu hỏa kết nối Nga, Hàn Quốc và Triều Tiên. Trong khi đó, ông Kim Jong-un dự kiến sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Moon Jae-in vào tháng tới.

Thành Đạt

Theo Nikkei