1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thảm kịch Covid-19 ở Nepal có thể tồi tệ hơn cả Ấn Độ

Minh Phương

(Dân trí) - Làn sóng Covid-19 mới khiến hệ thống y tế Nepal rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Giới y tế lo ngại, dịch bệnh tại đây có thể nghiêm trọng hơn cả ở Ấn Độ.

Thảm kịch Covid-19 ở Nepal có thể tồi tệ hơn cả Ấn Độ - 1

Hệ thống y tế Nepal quá tải vì Covid-19 (Ảnh: Reuters).

Hạ tầng y tế rơi vào khủng hoảng

Khi cả thế giới chú ý đến cuộc khủng hoảng Covid-19 ở Ấn Độ, số ca mắc Covid-19 ở Nepal cũng đang tăng nhanh khiến hệ thống y tế của nước này đứng trước nguy cơ sụp đổ. Hệ thống y tế ở quốc gia 30 triệu dân này vốn đã nghèo nàn nay lại tiếp tục đối mặt với tình trạng các khu hồi sức cấp cứu đều quá tải, các bệnh viện y tế thiếu ôxy trầm trọng. Các bác sĩ ở đây lo ngại, đợt bùng dịch mới sẽ đẩy Nepal vào một cuộc khủng hoảng thậm chí tồi tệ hơn cả ở Ấn Độ.

"Hạ tầng y tế của chúng tôi đang rơi vào khủng hoảng. Nguồn cung ôxy không thể đáp ứng được nhu cầu. Chúng tôi cũng không có thêm vắc xin", Tiến sĩ Samir Kumar Adhikari, người phát ngôn Bộ Y tế Nepal, cho biết.

Khi làn sóng Covid-19 thứ hai "nhấn chìm" Ấn Độ, lao động nhập cư của Nepal đã ồ ạt trở về nước và rất nhiều người trong số họ mang theo cả biến chủng SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan mạnh của Ấn Độ hay còn gọi là B.1.617. Theo Bộ Y tế Nepal, biến chủng B.1.617 hiện chiếm gần 100% các trường hợp nhiễm bệnh ở nước này.

Dự kiến 400.000 lao động của Nepal từ Ấn Độ sẽ trở về nước trong các tuần tới, nỗi lo dịch bùng phát mạnh hơn cũng vì thế mà gia tăng, đặc biệt là khi Nepal chỉ xét nghiệm được cho những người có triệu chứng mắc Covid-19 do không có đủ bộ xét nghiệm.

Sự chủ quan kéo theo thảm kịch

Thảm kịch Covid-19 ở Nepal có thể tồi tệ hơn cả Ấn Độ - 2
Nepal đang vật lộn đối phó dịch Covid-19 (Ảnh: Reuters).

Nepal cũng giống như nhiều nước láng giềng của Ấn Độ đã chủ quan sau làn sóng Covid-19 thứ nhất vì tin rằng dịch đã hết. "Mọi người đã rất chủ quan", Retiesh Kanojia, một bác sĩ làm việc gần biên giới giữa Nepal và Ấn Độ, cho biết. Thực tế, bất chấp dịch bệnh, các sự kiện tập trung đông người như đám cưới, lễ hội, các cuộc vận động chính trị vẫn diễn ra ở Nepal.

Sự cộng hưởng nhiều yếu tố đã nhanh chóng đẩy Nepal đến bờ vực thảm họa. Hôm 18/5, Nepal ghi nhận hơn 8.000 ca mắc Covid-19 trong vòng 24 giờ, gấp hơn 65 lần so với hai tháng trước. Cùng ngày, Nepal cũng có 196 trường hợp tử vong do Covid-19, gấp khoảng 5 lần so với đầu tháng trước. Đến nay, Nepal đã ghi nhận hơn 472.000 ca, trong đó 5.400 người đã tử vong. Các chuyên gia cho rằng, con số thực tế có thể cao hơn nhiều so với thống kê.

"Đợt dịch này, trình trạng lây nhiễm diễn ra rất nhanh so với đợt đầu tiên và ảnh hưởng đến nhiều người trong độ tuổi từ 30-50. Mọi người đang vô cùng lo lắng", Tiến sĩ Sher Bahadur Pun, trưởng nhóm nghiên cứu lâm sàng tại Bệnh viện Bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới Sukraraj ở thủ đô Kathmandu cho biết.

Tỷ lệ xét nghiệm Covid-19 cho kết quả dương tính đã lên gần 50%, trong khi chỉ mức 15% đã đáng báo động. Ngoài ra, số người bị cách ly ở Nepal do nghi mắc Covid-19 đã vượt 114.500 người và tiếp tục tăng lên. "Tuần đầu tiên, các triệu chứng có thể nhẹ, nhưng chỉ một tuần sau đó mọi thứ đã trở nên nghiêm trọng, nhiều bệnh nhân cần thở ôxy mà chúng tôi không thể đáp ứng được hết nhu cầu", ông Adhikari cho biết.

Chính phủ Nepal đã giới hạn số lượng bình ôxy cho mỗi bệnh viện trong một nỗ lực đảm bảo phân phối công bằng. Điều này khiến nhiều bệnh viện từ chối tiếp nhận bệnh nhân mới. "Chúng tôi có đủ nhân lực như bác sĩ và y tá để chăm sóc bệnh nhân nhưng không đủ ôxy", bệnh viện tư nhân Om ở Kathmandu cho biết.
Thông thường, Nepal dựa vào nguồn cung ô xy cũng như các vật tư y tế khác từ Ấn Độ. Tuy nhiên, nguồn cung này đã bị ảnh hưởng khi Ấn Độ cũng phải căng mình đối phó với thảm kịch Covid-19. Ấn Độ cũng đã ngừng xuất khẩu vắc xin để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Trung Quốc đã gửi 400 bình oxy, 10 máy thở và 170 máy tạo oxy để hỗ trợ Nepal nhưng con số này là không đủ và việc đặt mua từ Trung Quốc cũng không khả quan do khoảng cách địa lý xa và việc vận chuyển các bình ôxy bằng đường hàng không vô cùng nguy hiểm. "Chúng tôi không thể cứu tất cả mọi người chỉ bằng cách vận chuyển bình oxy từ Trung Quốc qua đường hàng không. Chúng tôi vẫn phải dựa vào các nguồn cung cấp thiết thực", ông Adhikari nói.

Nyanti, một điều phối viên Liên Hợp Quốc đã đến thăm các bệnh viện ở Nepal, cho biết đã chứng kiến cảnh bệnh nhân phải điều trị ở hành lang hay ngoài sân vì quá tải.

"Nepal đang bị lãng quên trong các cuộc thảo luận toàn cầu về hỗ trợ đối phó Covid-19", bà Nyanti nói. Bà cho rằng, mặc dù số ca nhiễm và tử vong ở Ấn Độ gây sốc nhưng hệ thống y tế của họ vẫn có sức chống chịu tốt hơn so với của Nepal. Theo bà, về lâu dài, để đối phó với dịch Covid-19, Nepal kết hợp giữa các biện pháp phòng ngừa và tiêm chủng toàn dân.