Bác sĩ Nepal cảnh báo thảm kịch người chết vì Covid-19 ngay trên đường
(Dân trí) - Các bác sĩ Nepal đã cảnh báo về cuộc khủng hoảng quy mô lớn khi các ca mắc Covid-19 liên tục lập kỷ lục, còn các bệnh viện cạn kiệt giường bệnh và ôxy.
Nepal ngày 6/5 đã ghi nhận 9.070 ca mắc Covid-19 mới, so với 298 trường hợp một tháng trước đó. Số ca tử vong vì Covid-19 cũng tăng kỷ lục với 58 trường hợp vào ngày 5/5 và 54 trường hợp vào ngày 6/5, nâng tổng số người chết tại nước này lên 3.529 trường hợp.
Tính đến nay, Nepal ghi nhận tổng cộng hơn 377.000 ca mắc Covid-19.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho biết các số liệu liên quan tới Covid-19 được công bố chính thức ở Nepal chưa phản ánh mức độ nghiêm trọng thực sự của tình hình dịch bệnh ở nước này.
"Dữ liệu do chính phủ Nepal công bố chỉ là của những người đã được xét nghiệm sau khi xuất hiện các triệu chứng mắc bệnh", Binjwala Shrestha, phó giáo sư tại Viện Y khoa Đại học Tribhuvan, nói với Tân Hoa Xã.
"Nếu tiến hành xét nghiệm toàn bộ những người sống trong một cộng đồng, có thể phát hiện số ca nhiễm cao hơn gấp nhiều lần so với các trường hợp được báo cáo hiện tại", bác sĩ Shrestha cho biết.
"Hiện tại không còn giường trống ở bất kỳ bệnh viện nào để điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Ngay cả khi còn giường trống, các bệnh viện vẫn khan hiếm ôxy trầm trọng và chúng tôi vẫn chưa ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng này", bác sĩ Jyotindra Sharma, Giám đốc Bệnh viện Y học & Phẫu thuật Nâng cao ở Kathmandu, cho biết.
Bệnh viện nơi bác sĩ Sharma làm việc là một trong những cơ sở hàng đầu ở Nepal điều trị bệnh nhân Covid-19. Tại đây, các giường phụ đã được kê thêm để tiếp nhận nhiều bệnh nhân hơn. Tất cả giường này đã kín chỗ và cách duy nhất để được nhập viện là thông qua một danh sách chờ.
"Trong tình huống tồi tệ, người dân có thể chết ngay trên đường", bác sĩ Sharma nói, đồng thời cho biết "không thể ngay lập tức tăng công suất của các bệnh viện".
Theo AP, tại bệnh viện Đại học Tribhuvan thuộc quản lý của chính phủ Nepal, một số bệnh nhân Covid-19 phải nằm trên những chiếc giường đặt ở sảnh và gắn theo bình ôxy. Dẫu sao họ vẫn là những người may mắn. Những người khác bị từ chối nhập viện vì không có đủ chỗ nằm hoặc thiết bị điều trị.
Tại thủ đô Kathmandu, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Truyền nhiễm Sukraraj đã tăng số giường bệnh từ 60 lên 90 giường. Tất cả các phòng, hành lang và khoa cấp cứu đều có giường của bệnh nhân.
"Chúng tôi thiếu sự chuẩn bị, nguồn lực và năng lực để thực hiện bất kỳ điều gì như mong đợi", bác sĩ Bishal Dhakal, người đã làm việc với bệnh nhân Covid-19 kể từ khi dịch mới bắt đầu bùng phát, cho biết.
Các bác sĩ cho biết cuộc khủng hoảng tại Nepal có thể sớm trở nên khó kiểm soát nếu các nhà chức trách không thực hiện ngay lập tức các biện pháp để khống chế sự lây lan của dịch bệnh, vì nhiều nhân viên y tế đã bị nhiễm bệnh.
Tháng trước, một lệnh phong tỏa đã được áp đặt tại các thành phố và thị trấn lớn. Nepal trong tuần này cũng đã ngừng các chuyến bay nội địa và quốc tế.
Chính phủ Nepal nhiều lần cam kết sẽ tăng số lượng giường bệnh tại các bệnh viện và đẩy mạnh các biện pháp điều trị và phòng ngừa. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể nào.
Nepal bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vào tháng 1 với 1 triệu liều vắc xin AstraZeneca do Ấn Độ tặng. Tuy nhiên, chương trình tiêm chủng của Nepal đã tạm dừng do Ấn Độ từ chối xuất khẩu vắc xin khi cuộc khủng hoảng dịch bệnh tại nước này ngày càng trầm trọng.
Việc tiêm chủng vắc xin được tiếp tục sau khi Trung Quốc viện trợ 800.000 liều và Nepal cũng đang đàm phán với Nga để mua vắc xin Sputnik V.