1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thảm họa Indianapolis - vết nhơ của ngành Hải quân Mỹ

(Dân trí) - Tàu Indianapolis chính là con tàu đã chở nguyên liệu chế tạo quả bom nguyên tử đầu tiên tấn công vào Hiroshima Nhật Bản vào ngày 6/8/1945. Nó đã bị tàu ngầm Nhật Bản bắn hạ ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ và bản án dành cho người thuyền trưởng của Indianapolis đã gây tranh cãi trong lực lượng Hải quân Mỹ suốt hơn nửa thế kỷ sau đó.

Con tầu chở bom

 

Vào ngày 26 tháng 7 năm 1945, chiếc tuần dương hạm Indianapolis do đại tá Charles B. McVay làm hạm trưởng đã nhận lệnh tối mật, chở chất uranium và các thành phần khác của quả bom nguyên tử đầu tiên đến đảo Tinian. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ chuyên chở bom, Indianapolis nhận được lệnh từ Bộ Tổng chỉ huy Thái Bình Dương quân đồng minh tiến thẳng đến vịnh Leyte - Philippines để hỗ trợ cho tàu chiến USS Idaho chuẩn bị chống lại đợt tấn công của quân đội Nhật Bản. Từ đảo Guam, không được hộ tống bởi một tàu chiến nào khác, Indianapolis đơn độc đi tới vịnh Leyte theo một hành trình đầy cạm bẫy.

 

Nửa đêm 30 tháng 7 năm 1945, khi đi được nửa chặng đường, Indianapolis đã bị trúng 2 trái thuỷ lôi phóng từ tàu ngầm Nhật Bản (có tên I-58). Trái thuỷ lôi đầu tiên thổi bay mũi tàu, trái thứ hai xuyên vào mạn phải giữa thân tàu ngay khoang chứa nhiên liệu và thuốc nổ. Thân tàu nứt toác. Trong vòng vài phút chiếc tàu chìm xuống biển.

 

Trong số 1196 người có mặt trên tàu, khoảng 900 người đã kịp nhảy xuống biển trước khi con tàu chìm vĩnh viễn dưới biển. Vài chiếc xuồng cứu hộ được tung xuống. Một số người may mắn có áo phao cứu hộ, còn lại tự vùng vẫy giữa biển khơi. Đói khát, bị cá mập tấn công, vết thương hành hạ, ngập trong nước biển và dầu loang, nhiều người không trụ nổi đã chết.

 

Cứu hộ chậm trễ

 

4 ngày sau, những người sống sót tình cờ được phát hiện bởi trung uý phi công W.C.Gwinn, lúc ấy đang lái chiếc máy bay ném bom PV-1 Ventura đi tuần tra tàu ngầm. Sau cú điện khẩn của Gwinn, phải mất gần 3 tiếng đồng hồ quý giá trôi qua để các lực lượng liên quan tin rằng một thảm hoạ đã xảy ra. Một chiếc thuỷ phi cơ được khẩn cấp điều động lên đường cứu hộ dưới sự chỉ huy của đại uý Adrian Marks. Phát hiện ra tàu chiến USS Cecil Doyle đang trên đường làm nhiệm vụ, Marks ra tín hiệu báo động cấp cứu cho thuyền trưởng tàu Doyle chuyển hướng ra vùng cứu hộ.

 

Marks cùng với phi hành đoàn của mình đến vùng gặp nạn trước tàu Doyle nhiều tiếng đồng hồ và họ bắt đầu thả các xuồng cứu hộ xuống. Chính ngay trong lúc ấy, họ nhìn thấy nhiều người đang bị cá mập tấn công. Bỏ qua lệnh cấm không được hạ cánh trên mặt biển, Marks ra lệnh cho phi công hạ cánh và cho chiếc thuỷ phi cơ lướt từ từ trên mặt biển để vớt mọi người thoát khỏi sự tấn công khủng khiếp của cá mập. Lúc này Marks mới nhận ra những người đang gặp nạn là người của tàu Indianapolis. Ngay lập tức, Marks liền phát tín hiệu cấp cứu, yêu cầu trợ giúp khẩn cấp. Tàu Doyle trả lời rằng đang trên đường đến.

 

Trời tối dần, máy bay lúc này đã chật cứng người, họ phải dùng cả dây dù để buộc giữ những người sống sót vào cánh máy bay. Tổng cộng ngày hôm đó Marks và phi hành đoàn đã cứu được 56 người. Cuối cùng thì tàu Cecil Doyle cũng đã đến trợ giúp, đưa những người bị nạn từ máy bay lên tàu.

 

Trong lúc này, dường như quên cả hiểm nguy, thuyền trưởng tàu Doyle ra lệnh cho tàu chiếu ngọn đèn sáng nhất lên bầu trời làm đèn hiệu cho các tàu khác đến ứng cứu. Luồng sáng của đèn hiệu lúc này báo cho những người còn sống sót trên biển biết rằng cuối cùng đã có người đến cứu họ. Sau 5 ngày đêm liên tục bị cá mập tấn công, đói, khát, vết thương hành hạ, trong số gần 1200 thủy thủ của tàu Indianapolis chỉ còn 317 người còn sống sót. 

 

Đổ lỗi và “rửa tội”

 

 

Thảm họa Indianapolis - vết nhơ của ngành Hải quân Mỹ - 1
 

Hạm trưởng McVay,

 chỉ huy tàu Indianapolis,

người đã bị kết án oan(?)

Sự kiện này dường như bị lu mờ trước sự kiện Tổng thống Truman thông báo tin phát xít Nhật đầu hàng. Tuy nhiên ngay lập tức Bộ Hải quân cũng đã tiến hành tìm kiếm thu thập chứng cứ để xác định xem ai phải chịu trách nhiệm cho thảm hoạ lớn nhất trong lịch sử ngành hải quân Mỹ - mà thực chất mục đích là phải tìm ra người để đổ lỗi.

 

Và kết quả là Tòa quân sự đã kết án… hạm trưởng McVay của tàu Indianapolis, bất chấp những bằng chứng nói rằng chính sự thiếu trách nhiệm và thông tin không đầy đủ của Bộ Tư lệnh quân đồng minh mới là nguyên nhân đưa tuần dương hạm khổng lồ kia vào chỗ chết. Bản án ám ảnh này đã khiến hạm trưởng Mc Vay cuối cùng đã tự sát vào năm 1968 tại nhà riêng ở bang Connecticut

 

Có một sự thật là: mặc dù nhận thức rõ được sự nguy hiểm trên tuyến đường mà tàu Indianapolis sẽ đi, nhưng căn cứ hải quân tại Guam không hề có một cảnh báo và từ chối yêu cầu cung cấp tàu chiến hộ tống cho Indianapolis, bất chấp sự thật là không có một chiếc tàu lớn (không có thiết bị phát hiện tàu ngầm) nào đi qua vùng biển Philippines trong thời gian chiến tranh mà không có tàu chiến đi kèm hộ tống. Hạm trưởng McVay cũng được thông báo rằng tuyến đường đi của tàu Indianapolis là rất an toàn.

 

McVay đã không được báo trước rằng ngay trước khi Indinapolis khởi hành từ Guam đi Leyte, một tàu tàu chiến của Mỹ (có tên USS Underhill) đã bị bắn chìm bởi một tàu ngầm của Nhật đang hoạt động trong khu vực mà Indianapolis sẽ đi qua.

 

Ngay sau khi Indianapolis gặp nạn, tình báo hải quân Mỹ đã giải mã được một mật mã được gửi từ tàu ngầm I-58 của Nhật về căn cứ có nội dung rằng nó đã bắn chìm một tàu của Mỹ. Thông tin này đã bị lờ đi.

 

Lượng hải quân tại 3 địa điểm khác nhau quanh khu vực cũng cho biết họ có nhận được tín hiệu cấp cứu phát đi từ một chiếc tàu bị chìm, nhưng chúng đã bị lờ đi vì lo sợ đó là… tín hiệu giả từ tàu ngầm của Nhật.

 

Trách nhiệm của những người thông báo sai lịch trình của tàu Indianapolis đã không được xem xét. 

 

Bản án vội vàng

 

Phiên toà cuối cùng đã luận tội hạm trưởng McVay vào 2 tội: không đảm đương được trách nhiệm chỉ huy con tàu của mình (không cho tàu chạy lạng lách để tránh thủy lôi), gây nguy hiểm cho tính mạng thuỷ thủ đoàn.

 

Tuy nhiên khi McVay ra lệnh cho tàu ngừng chạy lạng lách tại thời điểm nửa đêm, theo các nhân chứng trên tàu kể lại, lúc đó tầm nhìn cực kỳ hạn chế cho đến tận lúc tàu bị tấn công. Tầm nhìn trong màn đêm hạn chế đến mức thuỷ thủ đoàn không thể nhận ra nếu có chiếc tàu bạn nào ở gần đó vài thước Anh. Chính Mc Vay cũng đã nhận được chỉ thị cho phép chạy lạng lách hay không là tùy tình hình lúc đó.

 

Thuyền trưởng tàu ngầm Nhật (I-58) đã bắn chìm Indianapolis nói rằng, dù cho Indianapolis có chạy lạng lách đi nữa cũng không thể thoát khỏi bị bắn hạ.

 

Chiến tranh kết thúc, phiên toà được đưa lên xử ở Washington vào ngày 3/12/1945. McVay bị mất chức hạm trưởng, tuy nhiên ông vẫn được phục vụ trong hải quân Mỹ. Sau này, Mcvay được phục hồi chức vụ và về hưu vào năm 1949 và cuối cùng đã tự sát.

 

Đầu năm 2000, vài tháng trước khi từ trần ở tuổi 91 tại Kyoto, Nhật Bản, vị thuyền trưởng của tàu ngầm I-58 đã trả lời phỏng vấn. Khi đề cập đến bản án dành cho McVay, ông nói rằng “Tôi có cảm giác mọi việc đã được định đoạt trước từ khi khởi đầu phiên toà”.

 

Câu chuyện xung quanh tai nạn của tàu Indianapolis đã gây ra bao tranh cãi trong lực lượng hải quân Mỹ hơn nửa thế kỷ sau. Dù sau này đã được minh oan và gỡ bỏ tội vào năm 2001, nhưng những gì McVay và thuỷ đoàn đã phải hứng chịu cùng với con tàu Indianapolis vẫn còn là một vết nhơ trong ngành hải quân Mỹ.

 

Linh Đỗ
(theo Ussindianapolis)