1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thái Lan: Thủ tướng muốn bầu cử sớm, phe đối lập rút khỏi quốc hội

(Dân trí) - Phe đối lập Thái Lan tuyên bố rút toàn bộ nghị sỹ của mình khỏi quốc hội ngay sau khi Thủ tướng Thái Lan cho biết sẵn sàng kêu gọi bầu cử sớm để chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị đang bủa vây nước này.

 
Bangkok đang chuẩn bị cho một cuộc biểu tình lớn vào ngày mai.

Bangkok đang chuẩn bị cho một cuộc biểu tình lớn vào ngày mai.

 

Những động thái mới diễn ra khi Bangkok đang sẵn sàng cho một cuộc biểu tình chống chính phủ lớn nữa vào ngày mai 9/12, với các lãnh đạo biểu tình tuyên bố một trận chiến cuối cùng, “sống hoặc chết” để lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra và ngăn chặn ảnh hưởng chính trị của anh trai bà, ông Thaksin.

 

Những người ủng hộ chính phủ “áo đỏ” cũng lên kế hoạch tập hợp lực lượng vào thứ ba tới ở cố đô Ayutthaya, bắc Bangkok.

 

Vương quốc Thái Lan đã bị rung chuyển bởi một loạt cuộc khủng hoảng chính trị gây đổ máu kể từ khi ông Thaksin, một tỷ phú truyền thông chuyển sang làm chính trị, bị các tướng lĩnh trung thành với nhà vua lật đổ trong một cuộc đảo chính 7 năm trước.

 

Chính phủ của em gái ông cũng bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình kéo dài hơn một tháng qua, với số người biểu tình có lúc lên tới hàng chục ngàn người. Họ muốn ngưng chế độ dân chủ của nước này để chuyển cho “Hội đồng nhân dân” không cần bầu cử nắm quyền.

 

Bà Yingluck ngày hôm nay một lần nữa đưa ra đề xuất bầu cử sớm nếu người biểu tình đồng ý tôn trọng tiến trình dân chủ. “Chính phủ sẵn sàng giải tán quốc hội nếu đa phần muốn vậy”, bà cho hay trong bài phát biểu trên truyền hình, nhấn mạnh theo luật, một cuộc bầu cử sẽ phải được tiến hành trong vòng 60 ngày.

 

Nhưng “nếu người biểu tình hoặc một đảng chính trị lớn không chấp nhận bầu cử hoặc không chấp nhận kết quả bầu cử, thì cuộc xung đột này còn kéo dài”, bà cho hay.

 

Lãnh đạo các cuộc biểu tình cho hay họ sẽ không thỏa mãn với những cuộc bầu cử mới, khiến hai bên vẫn rơi vào thế bí, làm tăng nguy cơ khiến các nhà đầu tư và du khách nước ngoài rời xa nước này.

 

“Một chính phủ không cần bầu cử sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng và sự ổn định của đất nước”, bà Yingluck cảnh báo. “Nếu người biểu tình muốn vậy, cần phải hỏi đó có phải là mong muốn của phần đa”.

 

Bà cũng đưa ra ý tưởng trưng cầu dân ý nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay, nhưng chưa rõ, cuộc trưng cầu sẽ có chủ đề là gì.

 

Phe đối lật tuyên bố rút khỏi quốc hội

 
Bangkok đang chuẩn bị cho một cuộc biểu tình lớn vào ngày mai.
Người biểu tình chống chính phủ ngủ tại địa điểm biểu tình, chuẩn bị cho "trận chiến cuối cùng" vào ngày mai.
 

Trong khi đó đảng đối lập chính của Thái Lan hôm nay tuyên bố toàn bộ nghị sỹ của đảng này sẽ đồng loạt từ chức. Động thái càng làm cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan thêm trầm trọng.

 

Phát ngôn viên Đảng Dân chủ Chavanond Intarakom cho biết các nghị sỹ sẽ chính thức từ chức “càng sớm càng tốt”.

 

Những cuộc biểu tình hiện nay được châm ngòi từ một dự luật ân xá vốn đã bị đảng cầm quyền của bà Yingluck bác bỏ. Những người phản đối cho rằng dự luật nhằm dọn đường cho anh trai bà Yingluck, ông Thaksin, trở về nước.

 

Những cuộc biểu tình hiện nay lớn nhất kể từ năm 2010, thời điểm hàng chục người đã thiệt mạng trong cuộc đàn áp của quân đội đối với người biểu tình “áo đỏ” tại Bangkok.

 

Vũ Quý

Theo AFP