1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thái Lan rộ trào lưu tổ chức đám tang cho người sống để cầu may

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nhiều người Thái Lan đã tham gia các đám tang giả của chính mình được tổ chức ở một ngôi đền nhằm giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống và khôi phục vận may.

Thái Lan rộ trào lưu tổ chức đám tang cho người sống để cầu may - 1

Những người sống nằm trong quan tài trong lễ tang giả (Ảnh: Reuters)

Tại một ngôi đền ở ngoại ô Bangkok, Thái Lan, dòng người lần lượt cầm một bó hoa, nằm xuống quan tài với một tấm khăn phủ lên người trong khi các nhà sư tụng kinh.

Đền Wat Bangna Nai thu hút hơn 100 người mỗi ngày tới đây tham gia lễ tang giả của chính họ nhằm cầu vận may hoặc mong muốn một khởi đầu mới.

Với một số người, áp lực cuộc sống dồn dập trong mùa dịch Covid-19 khiến họ coi trọng nghi lễ đặc biệt này.

"Tôi phải thừa nhận rằng tôi căng thẳng những ngày này vì kiếm được ít hơn do dịch bệnh và tôi chắc chắn mọi người cũng cảm thấy như vậy", Nutsarang Sihard, chủ một quầy hàng ăn, cho biết.

Mỗi người tham gia đám tang giả sẽ trả 100 bath (3,3 USD) tiền hoa, nến và trang phục họ mặc trong nghi lễ. Họ làm theo chỉ dẫn của nhà sư và nằm xuống quan tài, hướng đầu về phía tây, trước khi đổi bên nhằm tượng trưng sự tái sinh.

"Tôi cảm thấy mình như được sinh ra lần nữa, trở lại cuộc sống và trở thành một người mới", Nutsarang, 52 tuổi, nói.

Thái Lan rộ trào lưu tổ chức đám tang cho người sống để cầu may - 2

Nhiều người coi đây là nghi lễ cầu may (Ảnh: Reuters)

Một người tham gia lễ tang có tên Chonlathit Nimimenwai, 23 tuổi, cho biết cô làm việc này vì một thầy nói cuộc sống của cô đang gặp nguy hiểm.

"Điều đó làm tôi căng thẳng. Vì vậy, tôi ở đây hôm nay vì muốn cảm thấy tốt hơn", Chonlathit cho biết.

Nhiều ngôi đền ở Thái Lan cũng tổ chức những nghi lễ tương tự. Prakru Prapath Waranukij, một nhà sư thực hiện các đám tang, nói rằng dù việc này gây tranh cãi trái chiều trên mạng internet, nhưng ông cảm thấy việc suy ngẫm về cái chết là quan trọng.

"Nó nhắc nhở mọi người rằng một ngày chúng ta sẽ qua đời và chúng ta phải cẩn thận về cách mà chúng ta sống", ông Prakru nói.