1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thái Lan: Phe đối lập chiếm văn phòng chính phủ

(Dân trí) - Cuộc chiến giành quyền lực tại Thái Lan đang tiếp tục leo thang căng thẳng, khi những người biểu tình chống chính phủ chiếm khu nhà văn phòng chính phủ. Trong khi đó đặc nhiệm Thái Lan đã được lệnh sẵn sàng bắt 14 lãnh đạo biểu tình, trong đó có ông Suthep Thaugsuban.

Diễn biến trên chính trường Thái Lan ngày hôm nay (12/5) đã có thêm một biến cố mới, khi lãnh đạo phong trào biểu tình chống chính phủ có kế hoạch chiếm tòa trụ sở chính phủ bị bỏ không còn lãnh đạo tạm quyền của chính phủ mới lại phải làm việc từ một địa điểm tạm thời ở ngoại ô.

Người biểu tình chống chính phủ chiếm khu văn phòng chính phủ Thái Lan
Người biểu tình chống chính phủ chiếm khu văn phòng chính phủ Thái Lan

Điều này một lần nữa cho thấy sự thiếu quyền lực của chính phủ Thái Lan, trong khi khủng hoảng chính trị kéo dài sang tháng thứ 7. Một tờ báo đã so sánh tình hình hiện nay với con tàu đắm Titanic, và gán cho biệt danh “Thaitanic”.

Lãnh đạo phe biểu tình chống chính phủ Suthep Thaugsuban, người lãnh đạo phong trào này 6 tháng qua, đã kêu gọi thực thi “nỗ lực cuối cùng” để bầu lên một thủ tướng mới không qua bầu cử - một mục tiêu mà các nhà phê bình gọi là phi dân chủ, nhưng những người ủng hộ lại nói rằng điều này là cần thiết để triển khai những cải cách chống tham nhũng, trước khi bầu cử diễn ra.

Suthep đã lên kế hoạch chấm dứt nhiều tháng chiếm giữ công viên chính của Bangkok trong hôm nay, và đưa những người ủng hộ diễu hành ngang Bangkok tới tòa nhà chính phủ, vốn đã bị bỏ trống nhiều tháng do các vụ đụng độ bạo lực giữa người biểu tình và cảnh sát gần đó.

Suthep cho biết ông sẽ không chiếm giữ văn phòng của thủ tướng bên trong khu nhà, nhưng sẽ lấy tòa nhà Santi Maitree kế bên, vốn thường sử dụng cho các chuyến thăm cấp nhà nước, làm trụ sở.

Hiện không có sự cản trở rõ ràng nào đối với kế hoạch của ông Suthep. Quân đội Thái Lan vốn chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh cho văn phòng chính phủ cuối tuần qua tuyên bố rằng ông Suthep sẽ được phép vào khu nhà này, nhằm tránh những cuộc đụng độ mới, vốn đã khiến hơn 20 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương kể từ tháng 11 năm ngoái.

Những người biểu tình đã đạt được mục tiêu của mình hồi tuần trước, khi Tòa hiến pháp Thái Lan phế truất thủ tướng Yingluck Shinawatra vì vi phạm hiến pháp, trong một vụ việc được nhiều người xem là có động cơ chính trị.

Ông Suthep (thứ hai từ phải sang) đang bị chính phủ đề nghị bắt giữ
Ông Suthep (thứ hai từ phải sang) đang bị chính phủ đề nghị bắt giữ

Nội các của bà Yingluck sau đó đã chọn phó thủ tướng Niwattumrong Boonsongpaisan làm quyền thủ tướng, nhưng những người biểu tình đã không công nhận ông Niwattumrong là nhà lãnh đạo chính phủ. Và cũng giống như người tiền nhiệm, ông này đang buộc phải làm việc ở khu ngoại ô Muang Thong Thani không mấy sang trọng, tại một văn phòng của quân đội.

Trong khi đó, những người ủng hộ bà Yingluck cảnh báo bất kỳ nỗ lực nào trong việc đưa một vị thủ tướng không qua bầu cử lên nắm quyền cũng là thảm họa, và có thể kích động một cuộc “nội chiến”.

Trong hôm nay, Thượng viện Thái Lan sẽ có một phiên họp không chính thức để thảo luận về đề xuất gây tranh cãi của ông Suthep, đề nghị chủ tịch của các tòa án và ủy ban bầu cử cùng bàn bạc để bổ nhiệm lãnh đạo chính phủ mới.

Phát lệnh bắt lãnh đạo biểu tình

Trong ngày hôm qua, Trung tâm trật tự và hòa bình Thái Lan (CAPO) đã tuyên bố sẽ dùng cảnh sát đặc nhiệm bắt giữ 14 thành viên chủ chốt của phong trào chống chính phủ, trong đó có ông Suthep Thaugsuban.

Lãnh đạo CAPO Tarit Pengdith khẳng định cảnh sát không tìm cách giải tán biểu tình, nhưng sẽ nhắm tới các lãnh đạo của phong trào này. Ông Tarit dẫn quyết định khởi tố 51 nhân vật chủ chốt của Ủy ban cải cách dân chủ nhân dân (PDRC) được Văn phòng tổng công tố đưa ra hôm thứ Năm, trong đó có 14 người đã bị truy nã vì tội phản quốc. Những người này bị cáo buộc 10 tội danh khác nhau có liên quan tới phong trào của PDRC.

Hôm nay, tòa án sẽ nghe đề nghị khởi tố của Văn phòng tổng công tố. CAPO dự kiến lệnh bắt giữ sẽ được ban hành không lâu sau phiên điều trần, Tarit khẳng định.

Ngay sau khi có lệnh bắt, CAPO sẽ triển khai chiến dịch của mình. Văn phòng chống rửa tiền cũng được yêu cầu đóng băng tài sản của các nghi phạm.

Lực lượng đặc nhiệm sẽ giám sát chiến dịch này, trong một nỗ lực của CAPO nhằm tăng cường hoạt động thực thi pháp luật, chống lại những người biểu tình, Tarit tuyên bố.


Thanh Tùng
Tổng hợp