1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thái Lan mở rộng, cải tạo sân bay nuôi tham vọng trung tâm hàng không ASEAN

Diên Vỹ

(Dân trí) - Khi nhu cầu vận tải hàng không tại khu vực Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng mạnh, Thái Lan đang nỗ lực quy hoạch và phát triển các dự án sân bay nhằm bắt kịp sự nở rộ của ngành vận tải hàng không.

Thái Lan mở rộng, cải tạo sân bay nuôi tham vọng trung tâm hàng không ASEAN - 1

Sân bay Suvarnabhumi ở ngoại ô Bangkok, Thái Lan (Ảnh: thailanddiscovery).

Mạng lưới sân bay Thái Lan

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đã nhận định rằng thị trường hàng không châu Á Thái Bình Dương sẽ là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất trên thế giới đến năm 2035 do diện tích địa lý rộng lớn, kinh tế tăng trưởng nhanh và sự bùng nổ của ngành du lịch.

Thực tế, sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu vận tải hàng không trong 5 năm qua đã gây áp lực lên cơ sở hạ tầng sân bay tại nhiều quốc gia trong khu vực, dẫn đến hàng loạt vấn đề về chậm trễ thời gian khởi hành chuyến bay hay chất lượng dịch vụ thấp tại sân bay. Một cách gián tiếp, áp lực này đồng thời ngăn cản phần nào sự tăng trưởng kinh tế địa phương, đặc biệt khi tình trạng quá tải thường xuyên ở một số sân bay khiến nhiều du khách lựa chọn tìm kiếm các địa điểm du lịch khác.

Theo IATA, hiện hầu hết các chính phủ trong khu vực đều đã công bố kế hoạch đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng sân bay để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về vận tải hàng không trong tương lai. Và Thái Lan không phải ngoại lệ.

Thái Lan hiện có tổng cộng 38 sân bay đang hoạt động, trong đó có 7 sân bay quốc tế, với 6 trong số 7 sân bay quốc tế tại Bangkok, Samutprakarn, Chiang Mai, Chiang Rai, Phuket, Hat Yai nằm dưới sự quản lý của Airports of Thailand Public Company Limited (AOT), trong khi sân bay quốc tế U-Tapao thuộc điều hành của Hải quân Hoàng gia.

Sân bay Suvarnabhumi

Ông Tony Tyler, Tổng giám đốc IATA, năm 2012 từng nói về triển vọng và tầm quan trọng của sân bay Suvarnabhumi: "Bangkok là một trong những trung tâm hàng không nổi bật trong khu vực Đông Nam Á cùng với Hong Kong, Incheon và Singapore. Nó cũng được coi là một trạm trung chuyển kết nối đến các nước trong khu vực khi các nền kinh tế này tiếp tục phát triển".

Tính đến năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, sân bay Suvarnabhumi phục vụ 115 hãng hàng không với lưu lượng tiếp nhận khoảng 64,71 triệu lượt hành khách quốc tế. Hành khách quốc tế chiếm tới 91% lượng hành khách các chuyến bay tại sân bay Suvarnabhumi.

Kể từ trước khi đại dịch bùng phát, lưu lượng vận tải hàng không tại sân bay Suvarnabhumi đã chứng kiến mức tăng trưởng chậm lại do sự suy yếu nhu cầu du lịch của thị trường Trung Quốc - thị trường quan trọng bậc nhất với ngành du lịch Thái Lan. Lượt lưu thông hàng không nội địa cũng giảm do ngành hàng không trong nước đã bão hòa. Số lượt chuyến bay chỉ tăng từ 874.999 chuyến năm 2018 lên 896.097 chuyến trong năm 2019, trong khi lượng khách hàng tăng từ 139,52 triệu lên 141,87 triệu. 

Với định hướng phát triển sân bay Suvarnabhumi thành trung tâm hàng không Đông Nam Á, Thái Lan đã vạch rõ 4 giai đoạn quy hoạch dự án sân bay quốc tế trong thời gian với chi phí ước tính khoảng 42 tỷ baht. Kế hoạch được phê duyệt và bắt đầu triển khai tháng 11/2019, hiện đã hoàn tất một giai đoạn, còn 4 giai đoạn như sau:

Dự án Phát triển Sân bay Suvarnabhumi Giai đoạn 2 dự kiến hoàn tất trong năm 2021 nhằm nâng công suất tiếp nhận hành khách hàng năm lên 60 triệu lượt.

Dự án Phát triển Sân bay Suvarnabhumi Giai đoạn 3 (2017-2021) nhằm nâng công suất tiếp nhận hành khách đến 90 triệu lượt/năm cho đến năm 2025, bao gồm hai dự án nhỏ là xây dựng nhà ga hành khách thứ hai và xây dựng đường băng thứ 3 dự kiến hoàn tất vào cuối năm nay.

Dự án Phát triển Sân bay Suvarnabhumi Giai đoạn 4 (2020-2026) nhằm nâng cao năng lực xử lý các luồng giao thông hàng không của sân bay cho đến năm 2030 với công suất tiếp nhận hành khách hàng năm lên tới 105 triệu lượt.

Dự án Phát triển Sân bay Suvarnabhumi Giai đoạn 5 (2025-2030) nhằm nâng cao năng lực xử lý các luồng giao thông hàng không đến năm 2035 với công suất tiếp nhận hành khách hàng năm lên đến 120 triệu lượt.

Qua 4 lộ trình quy hoạch này, Thái Lan dự kiến đưa sân bay Suvarnabhumi trở thành Trung tâm hàng không, vận chuyển hành khách và hàng hóa hàng đầu Đông Nam Á.

Sân bay quốc tế Chiang Mai

Là cửa ngõ đến miền Bắc Thái Lan, nơi nổi tiếng với những danh thắng hùng vĩ và di tích lịch sử văn hóa lâu đời, sân bay quốc tế Chiang Mai cũng đón lượng hành khách đông đảo, góp phần lớn vào du lịch miền Bắc Thái Lan trong những năm qua.

Hiện sân bay này cũng nằm trong dự án quy hoạch của chính phủ Thái Lan nhằm cải thiện và mở rộng năng lực phục vụ hành khách, với hai giai đoạn quy hoạch như sau:

Dự án phát triển Cảng hàng không quốc tế Chiang Mai giai đoạn 1 (2018-2022) nhằm nâng cao năng lực xử lý luồng tuyến hàng không đến năm 2025 với công suất tiếp nhận hành khách hàng năm lên 16,5 triệu lượt. Dự án hiện đang trong quá trình xin phê duyệt ngân sách.

Dự án Phát triển Sân bay Quốc tế Chiang Mai giai đoạn 2 (2021-2025) nhằm nâng cao năng lực xử lý các luồng giao thông hàng không đến năm 2035 với công suất xử lý hành khách hàng năm lên tới 20 triệu lượt.

Sân bay quốc tế U-Tapao

Sân bay quốc tế U-Tapao nằm ở quận Pla, huyện Baanchang thuộc tỉnh Rayong. Đây là dự án sân bay lớn, chiếm một diện tích đất lên tới 1.040 ha và trải dài từ huyện Baan Chang cho đến tận huyện Sattahip ở tỉnh Rayong.

Hiện tại sân bay quốc tế U-Tapao chỉ có 1 đường băng với chiều dài tiêu chuẩn là 3.500m với 52 khoang hạ cánh, công suất tối đa 20 triệu lượt khách/năm. Nhà ga duy nhất ở sân bay U-Tapao hiện có thể phục vụ 700.000 lượt khách trong nước và quốc tế/năm. Chính phủ Thái Lan đang lên kế hoạch mở rộng nhà ga thứ hai nằm tăng năng suất phục vụ hành khách lên mức 3 triệu lượt/ năm.

Dự án phát triển sân bay U-Tapao trị giá 290 tỷ baht (9,2 tỷ USD) được thông qua giữa năm 2020 là một trong những dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn bậc nhất của Thái Lan hiện tại nhằm thúc đẩy hành lang kinh tế phía Đông và củng cố tham vọng đưa quốc gia này trở thành trung tâm hàng không trong khu vực.

Ông Kanit Sangsubhan, Tổng thư ký Văn phòng Hành lang Kinh tế phía Đông của Thái Lan, cho hay dự án có thể tạo ra tới 15.600 việc làm và giúp chính phủ thu về 62 tỷ baht ngân sách mỗi năm trong 5 năm đầu tiên, đồng thời mở ra cửa ngõ quốc tế thứ ba vào Thái Lan trong một dự án tàu cao tốc nối liền với sân bay Suvarnabhumi (Bangkok). Khi được hoàn tất, sân bay U-Tapao có thể đón khoảng 200 triệu lượt hành khách mỗi năm.

 Sân bay quốc tế Phuket

Đứng sau sân bay Suvarnabhumi, Phuket là một trong ba sân bay lớn nhất Thái Lan về lưu lượng hàng khách và hàng hóa. Nhờ các điểm du lịch địa phương hấp dẫn như những bãi biển nổi tiếng thế giới, dịch vụ du lịch giá rẻ và các tổ hợp hoàn chỉnh, sân bay quốc tế Phuket đón hàng triệu lượt khách quốc tế ghé thăm mỗi năm.

Sân bay quốc tế Phuket hiện phục vụ 53 hãng hàng không theo lịch trình với 115.527 chuyến bay trong năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Trong đó, số chuyến bay quốc tế là 63.451 chuyến và số chuyến bay nội địa là 52.076 chuyến. 

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát đầu tiên tại Trung Quốc và khiến hàng loạt quốc gia phải đóng cửa biên giới trong năm 2020, lưu lượng hành khách tại sân bay quốc tế lớn thứ hai Thái Lan đã giảm mạnh.

Ban giám đốc sân bay Thái Lan năm ngoái đã phê duyệt dự án nâng cấp, mở rộng sân bay Phuket và xây dựng sân bay thứ hai tại tỉnh này với tổng kinh phí khoảng 60 tỷ baht. Các dự án được đặt mục tiêu hoàn thành không muộn hơn năm 2025.

Ngoài ra, việc nâng cấp và cải tạo cũng đang được tiến hàng tại hàng loạt sân bay nội địa và quốc tế ở Thái Lan Trang, Surat Thani, Khon Kaen, Buriram… với tổng mức đầu tư khoảng 5 tỷ baht, chủ yếu để tăng chiều dài đường băng. Ví dụ, sân bay Trang được đầu tư 1,8 tỷ baht để nâng chiều dài đường băng từ 2.200m lên 2.990m, trong khi sân bay quốc tế Surat Thani được phân bổ 800 triệu baht ngân sách để gia cố đường băng và mở rộng sân đỗ. Ở phía cực Nam đất nước, sân bay Betong dự kiến sắp đi vào hoạt động, phục vụ khoảng 300.000 lượt hành khách mỗi năm. Còn ở phía Đông Bắc, sân bay Buriram cũng được chi 950 triệu baht để mở rộng đường băng từ 2.100m lên 2.900m.

Dịch Covid-19 tác động thế nào tới việc phát triển các sân bay?

Vấn đề nên hay không phát triển các siêu sân bay để đón đầu nhu cầu hành khách tăng trong tương lai đã trở thành trọng tâm tranh luận của nhiều nhà quan sát hàng không. Thực tế cho thấy, từ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều dự án quy hoạch siêu sân bay đã rơi vào tình trạng khó khăn, thậm chí bị đình chỉ vô thời hạn. Chẳng hạn như kế hoạch xây dựng siêu sân bay lớn nhất hành tinh với công suất 250 triệu hành khách/năm của Dubai đã bị đình chỉ vô thời hạn sau nhiều năm trì hoãn.

Một số nhà phân tích cho rằng sau cuộc khủng hoảng đại dịch, quy hoạch và phát triển sân bay theo hướng chậm rãi, ổn định là cách tốt nhất để phục hồi ngành công nghiệp hàng không. Tổng giám đốc Hội đồng sân bay quốc tế (ACI) châu Á - Thái Bình Dương Stefano Baronci thừa nhận rằng đợt bùng phát dịch Covid-19 năm qua đã tàn phá các dự án sân bay trong khu vực. Theo ACI, chỉ trong một thập kỷ kể từ năm 2018, lượng sân bay đón hơn 40 triệu hành khách mỗi năm trong khu vực đã tăng vọt từ 3 lên tới 23 sân bay. Ông Baronci cho rằng: "Trong bối cảnh đó, việc đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng dài hạn để giải quyết tắc nghẽn giao thông hàng không đang trở nên vô cùng cần thiết". ACI tin rằng các siêu sân bay sẽ đóng vai trò nhất định trong việc đáp ứng nhu cầu của xã hội và nền kinh tế trong dài hạn.

"Vào lúc này, hơn bao giờ hết, (việc quy hoạch) sân bay cần có tính chiến lược quyết định đi đôi với sự phục hồi của các nền kinh tế", ông Baronci nói thêm, đồng thời cũng cảnh báo các sân bay cần có phương hướng sáng tạo để chi tiêu vốn hợp lý, vì các dự án siêu sân bay chắc chắn sẽ phải đối mặt với tình trạng dư thừa công suất trong một thời gian nhất định.

Các nhà phân tích từ công ty Fitch Solution nhận định rằng sự tạm lắng lưu lượng vận tải hàng không do đại dịch Covid-19 mặc dù sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh thu các sân bay trong ngắn hạn, nhưng cũng tạo điều kiện vàng để các nhà khai thác sân bay triển khai các dự án quy hoạch, cải tạo và nâng cấp. Trong điều kiện thông thường, các dự án mở rộng, cải tạo, tân trang cơ sở vật chất hiện có thường được lên lịch tránh những mùa cao điểm với lưu lượng hành khách dày đặc. Nhưng khi đại dịch làm giảm đáng kể lưu lượng hành khách và chuyến bay, nó cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ công việc.