1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thái Lan hoãn bầu cử trong 15 tháng, Mỹ phản đối

(Dân trí) - Lãnh đạo cuộc đảo chính quân sự tại Thái Lan ngày 30/5 thông báo, Thái Lan sẽ hoãn cầu cử trong hơn một năm để dành thời gian cho cải cách và tái hòa giải chính trị.

Tướng Prayuth Chan-ocha phát biểu trên truyền hình.
Tướng Prayuth Chan-ocha phát biểu trên truyền hình.

Trong bài phát biểu trước toàn dân đầu tiên được phát trên truyền hình kể từ khi thông báo quân đội nắm quyền hồi tuần trước, Tư lệnh Lục quân Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-ocha, cho hay chính quyền quân sự mới đã lên kế hoạch hành động để tiến tới việc đưa quốc gia 67 triệu dân trở lại nền dân chủ trong vòng 15 tháng.

Quân đội Thái Lan đã giành quyền lực hôm 22/5 và bắt giữ các chính trị gia cấp cao trong vài ngày với lý do sự ổn định phải được phục hồi sau nhiều tháng bất ổn.

"Chính quân sự cầm quyền lập khung thời gian 1 năm và 3 tháng để tiến tới cuộc bầu cử. Thời gian đã bị lãng phí cho cuộc xung đột", ông Prayuth nói.

Tướng Prayuth cho hay, giai đoạn đầu của kế hoạch trên - kéo dài khoảng 3 tháng - sẽ tập trung vào "sự tái hòa giải", với mục tiêu thiết lập một nội các và một dự thảo hiến pháp mới.

Các kế hoạch cải cách sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2 kéo dài 1 năm và sau đó cuộc bầu cử sẽ được tổ chức.

"Hãy cho chúng tôi thời gian để giải quyết các vấn đề giúp mọi người. Sau đó quân đội sẽ lùi lại phía sau để giám sát Thái Lan từ xa", Tướng Prayuth nói.

Trong bài phát biểu, ông Prayuth đã kêu gọi tất cả các bên hợp tác và chấm dứt biểu tình. Ông cũng cảnh báo rằng nếu các cuộc biểu tình còn tiếp diễn, ông sẽ không có cách nào khác là phải sử dụng vũ lực.

Tướng Prayuth còn nhắc lại các cảnh báo về sự kháng cự đối với quân đội, nói rằng sự kháng cự chỉ làm chậm tiến trình đưa hạnh phúc trở lại với người Thái.
 
Quân đội được triển khai trên đường phố Bangkok để ngăn chặn các cuộc biểu tình.
Quân đội được triển khai trên đường phố Bangkok để ngăn chặn các cuộc biểu tình.

Cũng trong ngày hôm qua, hàng trăm binh sĩ đã chặn một nút giao cắt quan trọng ở Bangkok trong giờ cao điểm buổi chiều tối để ngăn chặn một kế hoạch biểu tình.

Quân đội Thái đã nắm quyền sau 6 tháng bế tắc chính trị khi những người biểu tình cố gắng lật đổ chính quyền của Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Ít nhất 28 người đã thiệt mạng và vài trăm người khác bị thương trong làn sóng biểu tình.

Kể từ khi nắm quyền, quân đội đã triệu tập và bắt giữ hàng trăm nhân vật chính trị then chốt, trong đó có bà Yingluck. Cựu nữ thủ tướng đã được trả nhưng vẫn chịu một số hạn chế đi lại.

Hồi đầu tuần này, các lãnh đạo đảo chính đã nhận được sự ủng hộ của hoàng gia. Tuy nhiên, việc quân đội loại bỏ chính phủ dân cử đã vấp phải sự chỉ trích rộng rãi của cộng đồng quốc tế.

Mỹ phản đối kế hoạch của Thái Lan

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ Jen Psaki.
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ Jen Psaki.
 
Mỹ ngày 30/5 đã thẳng thừng phản đối kế hoạch của Tướng Prayuth nhằm trì hoãn bầu cử hơn một năm để dành thời gian cho các cải cách chính trị.

"Chúng tôi biết họ đã thông báo một "lộ trình tiến tới dân chủ" nhưng rất ít các thông tin chi tiết được công bố", phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết.

Bà Psaki nhấn mạnh, Washington tin rằng cách tốt nhất là "thiết lập lộ trình cho các cuộc bầu cử sớm và tạo thuận lợi cho một tiến trình bầu cử minh bạch và toàn diện".

Theo phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ, lộ trình 15 tháng là quá dài, mặc dù bà không đề xuất một kế hoạch thay thế.

"Chúng tôi không muốn bất kỳ điều kỳ kết thúc trong hỗn loạn. Chúng tôi nghĩ rằng thiết lập lộ trình cho các cuộc bầu cử sớm là điều không chỉ có thể xảy ra mà còn là một bước đi thích hợp. Không có lý do gì mà các cuộc bầu cử không được tiến hành trong thời gian ngắn", bà Psaki nhấn mạnh.

An Bình
Theo BBC, AFP