Thái Lan chấn động sau vụ bắt nhà sư ăn chơi khét tiếng bậc nhất
(Dân trí) - Lối sống suy đồi của nhà sư Wirapol Sukphol khi sở hữu khối tài sản kếch xù và có quan hệ với nhiều phụ nữ không chỉ làm dấy lên sự bất bình trong dư luận mà còn đặt ra câu hỏi về cuộc khủng hoảng tôn giáo tại Thái Lan.
Ăn chơi khét tiếng
Năm 2013, dư luận Thái Lan đã “dậy sóng” khi đoạn video ghi lại cảnh nhà sư Wirapol Sukphol cùng những nhà sư khác ngồi trên một chiếc máy bay tư nhân, với những phụ kiện xa xỉ trên người, bị tung lên mạng.
Cuộc điều tra sau đó của Cục Điều tra đặc biệt Thái Lan (DSI) đã cho thấy lối sống suy đồi của nhà sư Wirapol. Họ đã phát hiện ít nhất 200 triệu baht Thái (khoảng 6 triệu USD) trong 10 tài khoản ngân hàng và 22 chiếc Mercedes Benz của Sukphol.
Wirapol, 37 tuổi, đã xây một ngôi biệt thự ở phía nam California, Mỹ, và cũng sở hữu một ngôi nhà lớn với trang trí xa hoa tại thị trấn Ubon Ratchathani, Thái Lan. Nhà sư này cũng dựng một bản sao khổng lồ của bức tượng Phật ngọc nổi tiếng ở cung điện hoàng gia Bangkok và tuyên bố trong tượng có 9 tấn vàng.
DSI cũng có bằng chứng về quan hệ của Wirapol với nhiều phụ nữ, trong đó có một người tiết lộ rằng nhà sư này có con với cô khi cô mới 15 tuổi.
Wirapol đã trốn sang Mỹ và phải mất tới 4 năm để chính quyền Thái Lan có thể hoàn thành các thủ tục dẫn độ nhà sư này về nước hồi tuần trước. Tuy nhiên, Wirapol bác bỏ tất cả những cáo buộc về tội gian lận, rửa tiền và hiếp dâm.
Nguyên nhân vì đâu?
Nhiều câu hỏi đã được đặt ra sau vụ việc của Wirapol. Làm thế nào một nhà sư có thể tạo dựng được ảnh hưởng cực kỳ lớn như vậy khi còn đang ở độ tuổi rất trẻ? Làm thế nào mà một nhà sư có thể cử xử vô pháp đến vậy khi vi phạm hàng loạt giới luật trong Phật giáo tại Thái lan? Theo quy định của Phật giáo, các nhà sư thậm chí không được phép chạm vào tiền, và tình dục là thứ cấm kỵ.
Tuy nhiên, tình trạng sư tăng suy đồi không phải điều lạ lẫm ở Thái Lan. Sự cám dỗ của cuộc sống hiện đại đã làm xuất hiện những nhà sư giàu bất thường, nghiện ma túy, ăn chơi, quan hệ nam nữ, thậm chí quan hệ tình dục với cả trẻ vị thành niên.
Ngoài ra, một số chùa chiền còn thu hút tín đồ bằng việc quảng bá về quyền năng siêu nhiên. Nó xuất phát từ 2 khía cạnh của cuộc sống hiện đại ở Thái Lan: khát vọng được trợ giúp tinh thần của người dân đô thị, do họ không còn giữ quan hệ gắn bó với làng quê truyền thống; và niềm tin rằng sự cung tiến công đức vào những chùa chiền linh thiêng sẽ mang đến thành công cũng như sự giàu có vật chất.
Dường như Wirapol đã lợi dụng xu hướng đó. Ông ta đến tỉnh Sisaket nghèo vào đầu những năm 2000, thành lập một tu viện trên khu đất được cấp trong làng Ban Yang. Nhưng theo lời trưởng làng, Ittipol Nontha, rất ít dân địa phương đến đó vì họ quá nghèo.
Nhà sư này đã tổ chức các buổi lễ cầu kỳ, bán bùa chú và cho xây dựng bản sao tượng Phật ngọc để thu hút tín đồ từ những vùng miền khác.
Những tín đồ của Wirapol bị mê muội bởi vẻ ngoài tao nhã, giọng nói ấm áp của Wirapol và bị thuyết phục rằng Wirapol có quyền năng siêu nhiên, như khả năng đi trên mặt nước và giao tiếp với thần thánh.
Về phần mình, Wirapol rất hào phóng với những người có ảnh hưởng trong tỉnh. Ông ta mua nhiều xe hơi làm quà tặng cho các nhà sư và giới chức. Sự ảnh hưởng này mạnh đến nỗi thậm chí ngày nay vẫn có những người ủng hộ Wirapol.
Chính phủ vào cuộc
Sau một loạt tai tiếng, nhiều người đã công khai lên tiếng về một cuộc khủng hoảng Phật giáo ở Thái Lan. Số lượng các nhà sư được tấn phong giảm mạnh trong những năm gần đây và nhiều chùa nhỏ nơi thôn quê không thể tồn tại nếu không được hỗ trợ tài chính.
Trên danh nghĩa, quản lý tăng đoàn ở Thái Lan là Hội đồng Tăng già, nhưng hầu hết là các hòa thượng cao tuổi và nhiều năm qua hoạt động của hội đồng đã tỏ ra không hiệu quả. Văn phòng Phật giáo quốc gia cũng có chức năng quản lý các vấn đề tôn giáo, nhưng luôn gặp bất ổn do thay đổi lãnh đạo và chịu nhiều cáo buộc về tài chính thiếu minh bạch.
Chính phủ Thái Lan giờ đây đã ban hành một đạo luật yêu cầu các chùa chiền, nơi tích lũy được 3-4 tỷ USD từ khoản quyên góp mỗi năm, phải công khai hồ sơ tài chính. Cũng có các thảo luận về một loại thẻ kỹ thuật số cho các nhà sư để đảm bảo những sư tăng sa đọa không thể được tấn phong lại.
Tuy nhiên, gốc rễ vấn đề lại là cách thức Phật giáo phát triển ở Thái Lan. Trong 150 năm qua, đã có hai hệ phái Phật giáo khác nhau. Truyền thống Thammayut khổ hạnh ở Bangkok tuân thủ nghiêm ngặt giới luật về sự tách biệt khỏi thế giới vật chất. Trong khi đó, truyền thống Mahanikai lại lỏng lẻo của các tỉnh, nơi nhà sư là một phần của cộng đồng, tham gia vào các hoạt động làng xã và đôi lúc phạm giới luật một cách vô tình hay cố ý.
Tại các ngôi làng ở Thái Lan, chùa chiền đóng vai trò như các trường học, trung tâm y học cổ truyền hay địa điểm tổ chức lễ hội địa phương. Người dân đến chùa để xin lời khuyên trong mọi vấn đề thế tục. Và trong hoàn cảnh đó, ranh giới giữa hành vi được và không được phép thực hiện có thể bị lẫn lộn.
Một nguyên nhân khác dẫn tới cuộc khủng hoảng tôn giáo tại Thái Lan là sự mê tín của nhiều người dân Thái Lan, và sự mê tín này đã bị thương mại hoá.
Các nhà sư ngày nay thậm chí còn làm lễ cầu may cho những chiếc xe hơi hoặc căn nhà mới xây. Thậm chí, ngay cả việc bán vé số trong chùa cũng không phải là điều gì bất thường ở Thái Lan.
Sự mê tín này lan đến cả giới nhà giàu, những người sẵn lòng cung tiến một cách hào phóng với niềm tin rằng điều đó sẽ đảm bảo tương lai giàu có hơn cho họ.
Phra Payom Kalayano, trụ trì một ngôi chùa phía Bắc Bangkok, nổi tiếng vì những lời chỉ trích việc thương mại hóa Phật giáo, đã kêu gọi người dân Thái Lan cần cân nhắc kỹ hơn khi cúng bái.
"Ngày nay mọi người nghĩ rằng cách tạo nghiệp tốt là quyên tiền vào chùa chiền - đặc biệt là những người giàu. Nhưng điều đó không tạo nên nghiệp tốt, mà chỉ là đức tin mù quáng”, ông Kalayano nói.
Tùng Anh
Theo BBC