1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thái Dương hệ vừa mất đi một hành tinh

(Dân trí) - Các nhà thiên văn trong cuộc họp mới nhất tại thủ đô CH Séc đã quyết định tước bỏ "tư cách" hành tinh của Sao Diêm Vương (Pluto). Hành tinh từng được coi là thứ 9 của hệ Mặt trời này từ nay sẽ bị "giáng cấp" xuống nhóm các "chú lùn" trong Thái Dương hệ.

Sao Diêm Vương được coi là một hành tinh ngay từ khi nó được Clyde Tombaugh, nhà thiên văn học người Mỹ, phát hiện năm 1930. Nhưng giờ đây hành tinh thứ 9 này sẽ bị xóa tên khỏi các sách giáo khoa và giáo trình đại học. Quyết định đã được nhất trí tại cuộc họp của Hiệp hội Thiên văn Quốc tế IAU ở thủ đô Praha qua phương thức bỏ phiếu.

Đồng thời các nhà thiên văn học đã bác bỏ bản đề xuất giữ nguyên tư cách hành tinh của Pluto và công nhận thêm 3 hành tinh mới của Hệ Mặt trời.

“Kể từ hôm nay, Hệ Mặt trời chỉ còn 8 hành tinh là Thủy tinh (Mercury), Kim tinh (Venus), Trái Đất (Earth), Hỏa tinh (Mars), Mộc tinh (Jupiter), Thổ tinh (Saturn), Thiên Vương tinh (Uranus) và Hải Vương tinh (Nepturn).” - Nghị quyết IAU ra kết luận sau 1 tuần tranh cãi căng thẳng.

Bản đề xuất “kết nạp” thêm 3 thiên thể mới vào Thái Dương hệ (bao gồm tiểu hành tinh Ceres, Charon - vệ tinh của Pluto, và thiên thể mới phát hiện năm 2003 mang số hiệu UB313), tăng số lượng các hành tinh trong Hệ Mặt trời lên con số 12 đã vấp phải sự phản đối quyết liệt.

Ông Robin Catchpole, Tổ chức Thiên văn Cambridge cho biết: “Quan niệm của cá nhân tôi là: Hãy để sự vật như nó vốn có. Tôi đã từng gặp Clyde Tombaugh và nghĩ thật tuyệt biết bao khi được bắt tay với người vừa tìm ra 1 hành tinh mới. Nhưng khi IAU đưa ra bản đề xuất kết nạp những hành tinh mới tôi đã phản đối kịch liệt. Nếu nhìn xa trông rộng, ai cũng thấy đề xuất này sẽ gây nhiều rắc rối trong tương lai. Lựa chọn tối ưu là giữ nguyên 8 hành tinh chính và “giáng cấp” Pluto.”

Louis Friedman, chủ tịch Hiệp hội Hành tinh California nhận xét: “Việc thay đổi tên gọi này thực chất không có ý nghĩa gì cả. Pluto – cũng như tất cả các thiên thể thuộc Hệ Mặt trời - vẫn còn là thế giới bí ẩn cần được chúng ta nghiên cứu và khám phá.”

“Chú lùn” trong Hệ Mặt trời

 

Thái Dương hệ vừa mất đi một hành tinh  - 1
 

Sao Diêm Vương được nhà thiên văn 

Mỹ Clyde Tombaugh phát hiện năm 1930.

Từ lâu tư cách Hành tinh của Pluto đã bị nghi ngờ và tranh cãi vì nó nằm quá xa mà kích thước lại có vẻ nhỏ hơn hẳn 8 hành tinh còn lại trong Hệ Mặt trời.

Đầu thập niên 90, các nhà thiên văn đã tìm ra vài thiên thể có kích thước tương đương Pluto, chúng nằm trong khoảng không gian bên ngoài Hệ Mặt trời gọi là vành đai Kruiper. Nhiều nhà thiên văn kiên trì với quan điểm cho rằng, Pluto chỉ là một thành viên trong đám thiên thể “chú lùn” nhỏ bé và băng giá của vành đai Kruiper, không phải ngang cấp với những thiên thể mà ta gọi là hành tinh.

Vấn đề này từng được xem xét một lần khi người ta đo được kích cỡ của Pluto. Với bề ngang chỉ vỏn vẹn 2.360 km, Pluto rõ ràng là nhỏ hơn so với những hành tinh còn lại. Nhưng cho tới thời điểm đó, nó vẫn là thiên thể lớn nhất được biết đến của vành đai Kruiper.

Mọi sự chỉ thay đổi khi thiên thể UB313 đượcGiáo sư Mike Brown và đồng nghiệp của ông tại Tổ chức Công nghệ California (Caltech) phát hiện năm 2003. Công tác đo đạc qua kính thiên văn Hubble cho thấy: đường kính của thiên thể này là 3.000 km, lớn hơn so với Pluto.

Mang tên vị thần Địa ngục trong truyền thuyết Hi Lạp, Pluto cách Mặt trời trung bình 5,9 tỉ km, mất 247,9 năm mới đi hết một vòng quanh quỹ đạo.

Dự kiến Mỹ sẽ phóng tàu không người lái lên thăm dò Pluto và vành đai Kruiper vào năm 2015.

Ngọc Nga
Theo BBC