Thách thức tìm kiếm máy bay F-35A Nhật dưới đáy biển
(Dân trí) - Ba ngày sau khi máy bay chiến đấu tàng hình F-35A của Nhật Bản rơi ở Thái Bình Dương, các nhà điều tra vẫn đang đối mặt với thách thức tìm kiếm những gì còn sót lại của tiêm kích tối tân này ở dưới đáy đại dương.
Các nhà điều tra thuộc Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản đã tìm thấy một số mảnh vỡ nhỏ trôi nổi trên biển được cho là phần cánh của máy bay chiến đấu tàng hình F-35A bị rơi ở ngoài khơi phía bắc Nhật Bản tối 9/4. Đây là những bằng chứng ban đầu cho thấy máy bay này có thể đã lao xuống biển, tuy nhiên các nhà điều tra vẫn chưa rõ vì sao F-35A mất tích khỏi màn hình radar mà không phát đi bất kỳ tín hiệu cảnh báo khẩn cấp nào.
“Chúng tôi chưa thu thập được bất kỳ thứ gì cho thấy nguyên nhân dẫn tới vụ việc”, một quan chức không quân nói với Reuters trong khi cuộc tìm kiếm xác máy bay và phi công mất tích vẫn đang diễn ra.
Những mảnh vỡ còn lại của tiêm kích F-35A, máy bay chiến đấu có giá lên tới 126 triệu USD, có thể nằm ở dưới đáy biển với độ sâu 1.500m. Trong số những mảnh vỡ này có thể bao gồm thiết bị ghi âm dữ liệu chuyến bay – “chìa khóa” giúp làm sáng tỏ những gì đã xảy ra ở vùng biển ngoài khơi phía bắc Nhật Bản vào tối 9/4.
Quân đội Nhật Bản có thể sẽ phải thuê các công ty chuyên về cứu hộ hàng hải, sử dụng tàu lặn để trục vớt các mảnh vỡ của máy bay F-35A dưới đáy biển sâu. Hai công ty cứu hộ hàng hải lớn nhất của Nhật Bản có thể sẽ được chọn để thực hiện nhiệm vụ này.
Từ 100 năm trước đây, công ty Fukuda Salvage & Marine Works đã bắt đầu trục vớt những tàu chiến bị hư hại trong chiến tranh Nga - Nhật. Trong khi đó, công ty Nippon Salvage có liên quan tới Mitsubishi Heavy Industries, công ty lắp ráp máy bay F-35 bị rơi.
“Thời gian cần thiết để hoàn tất quá trình trục vớt phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Khó có thể nói việc trục vớt chiếc F-35 bị rơi sẽ kéo dài bao lâu”, một quan chức của Fukuda Salvage nói, đồng thời cho biết quá trình này có thể kéo dài nhiều hơn vài ngày.
Một máy bay F-35A Lightning II của Nhật Bản. (Ảnh: USAF)
Theo một kỹ sư của Nippon Salvage, hiện trạng của máy bay F-35A gặp nạn, một trong 12 chiếc thuộc phi đội F-35 mà Nhật Bản đang vận hành, có lẽ là yếu tố quan trọng nhất trong việc lên kế hoạch cho chiến dịch trục vớt.
“Nếu máy bay còn nguyên vẹn, có thể sử dụng một cần cẩu để kéo lên. Nhưng nếu máy bay đã vỡ, các tàu lặn sẽ phải làm nhiệm vụ thu thập các mảnh vỡ. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có muốn thu thập tất cả các mảnh vỡ hay không”, kỹ sư Nippon Salvage cho biết.
Các lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã huy động tàu chiến, tàu cảnh sát biển, trực thăng, máy bay và lực lượng cứu hộ quần thảo vùng biển đông bắc suốt 3 ngày qua để tìm kiếm máy bay và phi công mất tích. Ngoài ra, Hải quân Mỹ cũng điều máy bay do thám P-8A và tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Stethem để hỗ trợ Nhật Bản trong quá trình tìm kiếm.
Sau khi tạm đình chỉ toàn bộ hoạt động của toàn bộ tiêm kích F-35A còn lại, quân đội Nhật Bản đang “chạy đua” với thời gian để xác định xem nguyên nhân dẫn tới vụ rơi tiêm kích F-35A là do lỗi của phi công hay lỗi kỹ thuật của máy bay để kịp thời ngăn chặn các vụ việc tương tự tái diễn. Máy bay bị rơi là chiếc F-35A đầu tiên do Nhật Bản tự lắp ráp.
Các nhà điều tra cho biết họ không phát hiện tín hiệu khẩn cấp từ hệ thống thoát hiểm khẩn cấp trên máy bay F-35A gặp nạn. Điều này cho thấy phi công có thể đã không kịp nhảy ra ngoài máy bay trước khi rơi xuống biển. Trong khi đó, phi công được cho là đã gửi thông báo trước khi máy bay biến mất khỏi màn hình radar, nói rằng anh phải “hủy bài tập huấn luyện”.
Thành Đạt
Tổng hợp