(Dân trí) - Những thách thức lớn sau hơn một năm xung đột đã bào mòn năng lực và ảnh hưởng đáng kể tới khả năng tiến công của Nga cũng như Ukraine trên chiến trường.
THÁCH THỨC LỚN CẢN ĐÀ TIẾN CỦA CẢ NGA - UKRAINE TRÊN CHIẾN TRƯỜNG
Những thách thức lớn sau hơn một năm xung đột đã bào mòn năng lực và ảnh hưởng đáng kể tới khả năng tiến công của Nga cũng như Ukraine trên chiến trường.
"Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã đạt đến giai đoạn đỉnh điểm khi cả hai bên đều đối mặt với những thách thức", giáo sư Mark N. Katz tại Trường Chính sách và Chính phủ Schar thuộc Đại học George Mason nhận định.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24/2/2022. Hơn một năm sau, các cuộc giao tranh khốc liệt vẫn tiếp diễn trên khắp Ukraine và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cả Nga và Ukraine đều chịu tổn thất đáng kể về binh lực và hỏa lực. Cuộc chiến đã gây ra hậu quả nghiêm trọng đến mức chưa bên nào đủ sức khởi động một cuộc tấn công quy mô lớn vào mùa xuân như nhiều người dự báo.
Hao mòn binh lực
Một trong những thách thức mà cả Nga và Ukraine hiện phải đối mặt là số lượng thương vong trên chiến trường quá lớn sau nhiều tháng giao tranh.
"Điểm chung của hai bên lúc này là con số thương vong lớn", Guy McCardle, biên tập viên của tạp chí quân sự SOFREP (Mỹ), nhận định.
Tình trạng thiếu binh lực và thiếu kinh nghiệm chiến đấu của các binh sĩ đã ảnh hưởng đáng kể tới khả năng mở chiến dịch phản công mùa xuân của Ukraine.
"Yếu tố quan trọng nhất trong chiến tranh là kinh nghiệm chiến đấu. Một binh sĩ đã sống sót sau 6 tháng chiến đấu và một tân binh mới bước ra từ thao trường huấn luyện là hai người khác nhau một trời một vực", Kupol, tiểu đoàn trưởng thuộc Lữ đoàn không kích số 46 của lực lượng vũ trang Ukraine, nói với Washington Post.
"Chúng tôi chỉ còn rất ít binh sĩ có kinh nghiệm chiến đấu. Thật không may, tất cả họ đều đã chết hoặc bị thương", chỉ huy Ukraine nói thêm.
Bình luận trên đã cho thấy tình trạng khó khăn của lực lượng vũ trang Ukraine sau hơn một năm xung đột với Nga, cũng như viễn cảnh không mấy lạc quan về chiến dịch phản công của Ukraine vào mùa xuân. Mỹ và các đồng minh châu Âu bị chỉ trích vì chậm trễ chuyển giao các khí tài quân sự như xe tăng và phương tiện chiến đấu bọc thép, cũng như huấn luyện binh sĩ Ukraine, trong khi Kiev cần củng cố lực lượng để mở chiến dịch phản công quy mô lớn nhằm đẩy lùi lực lượng Nga.
Một quan chức cấp cao của chính phủ Ukraine cho rằng số xe tăng mà phương Tây cam kết cấp cho Ukraine chỉ mang tính tượng trưng, trong khi những người khác lo ngại rằng số khí tài được hứa hẹn này thậm chí sẽ không đến chiến trường kịp thời để hỗ trợ quân đội Ukraine.
"Nếu chúng tôi có nhiều nguồn lực hơn, chúng tôi sẽ tấn công tích cực hơn. Nếu chúng tôi có ít nguồn lực hơn, chúng tôi sẽ phòng thủ nhiều hơn. Tôi không tin chúng tôi có thể tiến hành một cuộc phản công quy mô lớn. Tôi cũng muốn tin vào điều đó, nhưng tôi đang xem xét các nguồn lực và tự hỏi: Phản công bằng cách nào? Có lẽ chúng tôi chỉ có thể đạt được một vài đột phá cục bộ", quan chức Ukraine nhận định.
"Chúng tôi không có binh sĩ, cũng không có vũ khí. Bên tấn công thường chịu thương vong gấp 2-3 lần so với đối phương. Chúng tôi không thể để mất nhiều người như vậy được", quan chức Ukraine nói thêm.
Tổng thống Volodymyr Zelensky đã mô tả năm 2023 sẽ là "năm chiến thắng" của Ukraine. Lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Ukraine Kyrylo Budanov thậm chí tuyên bố, người Ukraine có thể nghỉ dưỡng ở Crimea, bán đảo sáp nhập vào Nga năm 2014, vào mùa hè này.
Tuy nhiên, tình hình chiến sự nơi tiền tuyến không khả quan như vậy.
Tiểu đoàn trưởng Kupol thừa nhận lực lượng Ukraine ra trận với những tân binh mới nhập ngũ, những người chưa bao giờ ném lựu đạn, không tự tin sử dụng vũ khí, thậm chí sẵn sàng bỏ vị trí khi bị tấn công. Kupol cho biết ông là sĩ quan chuyên nghiệp duy nhất trong đơn vị và gặp rất nhiều khó khăn khi chỉ huy một đơn vị gồm những quân nhân thiếu kinh nghiệm chiến đấu.
"Tôi tiếp nhận 100 binh sĩ mới, nhưng cấp trên không cho tôi thời gian để huấn luyện mà đưa thẳng họ ra chiến trường. Sau đó, họ vứt lại mọi thứ và bỏ chạy. Một người lính không dám bắn. Tôi hỏi tại sao, anh ấy nói sợ tiếng súng. Anh ấy chưa bao giờ ném lựu đạn. Chúng tôi cần sự huấn luyện của NATO", Kupol cho biết thêm.
Dmytro, một binh sĩ Ukraine, cũng mô tả tình trạng thiếu kinh nghiệm chiến đấu của tân binh. Một số binh sĩ ít kinh nghiệm thuộc Lữ đoàn Hải chiến số 36 ở tỉnh Donetsk sợ hãi đến mức không dám rời khỏi chiến hào. "Có lần, pháo kích dữ dội đến mức một người lính bị hoảng loạn, sau đó những người khác cũng hoảng loạn theo", Dmytro cho biết.
Tổn thất nặng nề về binh lực đã đặt ra thách thức lớn cho quân đội Ukraine. Tướng Valery Zaluzhny, Tổng tư lệnh quân đội Ukraine, hồi tháng 8 năm ngoái cho biết gần 9.000 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng. Vào tháng 12, Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Zelensky, ước tính con số này lên tới 13.000. Hiện tại, phương Tây cho rằng số thương vong của Ukraine đã tới ngưỡng 120.000 người.
Nga được cho là cũng chịu số thương vong tương đương Ukraine, tuy nhiên binh lực của Moscow vẫn mạnh. Giám đốc tình báo quân đội Ukraine tháng trước ước tính, Nga có hơn 325.000 quân nhân ở Ukraine, ngoài ra còn có 150.000 dự bị sẵn sàng tham gia chiến dịch quân sự. Trong khi đó, Ukraine gặp khó khăn nhiều hơn trong việc bổ sung quân do quy mô dân số. Ngoài ra, hàng triệu người Ukraine đã rời khỏi đất nước khi xung đột bùng phát.
Theo Mark Hertling, Trung tướng đã nghỉ hưu của quân đội Mỹ, quân đội Ukraine phải đối mặt với một số thách thức khi tiến hành chiến dịch phản công, trong đó có số lượng thương vong lớn. Ông Hertling cho biết quân đội Ukraine phải bổ sung lực lượng để bù đắp tổn thất về binh lực và điều này thực sự khó khăn.
"Lực lượng Ukraine, hầu hết là tân binh, giờ đây sẽ phải chiến đấu và phòng thủ với các vũ khí mới. Điều này thậm chí còn khó khăn hơn", cựu tướng Mỹ nhận định.
Về phía Nga, phương Tây ước tính hơn 220.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương kể từ khi Nga bắt đầu mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Theo thống kê của tình báo Anh, quân đội Nga và tổ chức quân sự tư nhân Wagner, lực lượng chiến đấu cùng quân đội Nga ở Ukraine, có thể đã mất tới 60.000 người sau hơn một năm xung đột.
"Bộ Quốc phòng Nga và tổ chức Wagner có thể đã hứng chịu 175.000-200.000 người thương vong kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine. Trong số này, khoảng 40.000-60.000 người nhiều khả năng đã thiệt mạng", cơ quan tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong bản cập nhật tình hình chiến sự Ukraine hồi tháng 2.
Tình báo Anh nhận định thương vong của quân đội Nga tại Ukraine tăng đáng kể từ tháng 9/2022, sau khi Moscow ban bố lệnh động viên quân một phần. Phương Tây cho biết lực lượng Wagner đã tuyển mộ các tù nhân ở Nga để tham gia chiến dịch quân sự tại Ukraine. Trong những tháng gần đây, lực lượng Wagner đã chịu thương vong nặng nề trong các cuộc chiến khốc liệt giành thành phố Bakhmut, pháo đài trọng điểm ở miền Đông Ukraine.
Cựu sĩ quan Thủy quân lục chiến Mỹ kiêm quan chức Bộ Ngoại giao Matthew Hoh đánh giá rằng, cả quân đội Nga và Ukraine đều mất rất nhiều sĩ quan và chỉ huy, trong đó có cả các chỉ huy cấp cao, và họ là những người có nhiều kinh nghiệm tác chiến.
Giáo sư khoa học chính trị William Reno tại Đại học Northwestern nói với Newsweek rằng, tỷ lệ thương vong cao đã ảnh hưởng lớn đến khả năng chiến đấu của lực lượng quân sự hai nước.
"Thương vong của Nga khá lớn và đây có thể là nguyên nhân khiến Nga không hoạt động tích cực dọc theo chiến tuyến. Trong khi đó, tỷ lệ thương vong của Ukraine cũng cao. Không rõ bên nào giành được nhiều lợi thế hơn, nhưng một cuộc chiến tranh tiêu hao chống lại quân đội Nga sẽ không có lợi cho Ukraine. Nga vẫn có thể huy động thêm binh sĩ và sẵn sàng triển khai nhiều binh sĩ hơn, bao gồm các tù nhân do lực lượng Wagner tuyển mộ, để tham gia cuộc xung đột", giáo sư Reno nói.
Cạn kiệt hỏa lực
Giới phân tích cho rằng, Nga dường như đang cạn kiệt đạn dược và Ukraine cũng không tránh khỏi điều này khi xung đột bước sang năm thứ hai và cuộc chiến ở miền Đông ngày càng khốc liệt.
Người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Ukraine Kyrylo Budanov đầu tháng 3 nhận định: "Nga đã lãng phí một lượng lớn nhân lực, vũ khí và vật liệu. Nền kinh tế và sản xuất của họ không thể bù đắp những tổn thất này. Họ đã thay đổi hệ thống chỉ huy quân sự. Nếu quân đội Nga thất bại trong các mục tiêu vào mùa xuân này, họ sẽ cạn kiệt tài nguyên quân sự".
Ông Budanov dự đoán, Nga sẽ hết tài nguyên vào cuối mùa xuân này, trong khi ngành công nghiệp quân sự trong nước cũng khó có thể bù đắp được. Theo ông, một "cuộc chiến quyết định" sẽ diễn ra vào mùa xuân và là trận chiến cuối cùng trước khi xung đột chấm dứt.
Quân đội Ukraine cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn pháo nghiêm trọng và đây cũng là rào cản lớn cho chiến dịch phản công của họ. Mỹ và các đồng minh vẫn nỗ lực viện trợ đạn dược cho Kiev, nhưng do cường độ giao tranh quá cao, tình trạng khan hiếm đạn dược vẫn chưa được giải quyết.
"Binh sĩ đang ở tiền tuyến. Đối phương đang tiến về phía họ, nhưng họ không có gì để bắn trả", tiểu đoàn trưởng Kupol mô tả tình trạng thiếu đạn dược nghiêm trọng của lực lượng Ukraine.
Tổng thống Volodymyr Zelensky thừa nhận các lực lượng vũ trang Ukraine đang thiếu hụt trầm trọng pháo, đạn dược, máy bay chiến đấu và xe tăng. "Pháo là thứ chúng tôi cần nhất. Cả hệ thống pháo và đạn pháo số lượng lớn", ông Zelensky cho biết trong một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Latvia.
Mark N. Katz, chuyên gia tại Đại học George Mason (Mỹ), cảnh báo cả Nga và Ukraine đều đang đối mặt thách thức trong việc sản xuất thiết bị thay thế và vũ khí sau hơn một năm xung đột khốc liệt.
"Ngay cả những quốc gia phương Tây ủng hộ Ukraine cũng đang gặp phải các vấn đề về sản xuất, đồng thời lo ngại việc duy trì đủ nguồn cung vũ khí cho nhu cầu của chính họ. Nga cũng đang gặp vấn đề về sản xuất vũ khí, ngoài ra so với Ukraine, Nga cũng có ít nhà cung cấp vũ khí hơn. Nếu Trung Quốc quyết định xuất khẩu vũ khí sang Nga, điều này có thể tạo ra sự khác biệt lớn, nhưng sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với Bắc Kinh, do vậy Trung Quốc dường như cũng chưa sẵn sàng", chuyên gia Katz nhận định.
Frank Ledwidge, giảng viên về chiến lược quân sự tại Đại học Portsmouth ở Anh và là cựu sĩ quan tình báo quân đội, cho rằng Nga đang nhanh chóng cạn kiệt nguồn cung xe bọc thép và các thiết bị quân sự khác, trong khi quân đội Nga đang sụt giảm tinh thần chiến đấu và gặp khó khăn trong quá trình huấn luyện. Theo chuyên gia Ledwidge, Nga có thể sử dụng chiến thuật huy động thêm quân với số lượng lớn để bù đắp những khó khăn về khí tài. Cách này chỉ phát huy hiệu quả nếu được triển khai hợp lý và có sự hỗ trợ của lực lượng lớn xe bọc thép, trong khi Nga hiện chưa thể làm được điều này.
Guy McCardle, biên tập viên của tạp chí quân sự SOFREP (Mỹ), nhận định Nga gặp khó khăn hơn trong việc tìm các linh kiện và thiết bị thay thế cho các vũ khí và trang thiết bị tiêu hao do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Đối với Ukraine, lực lượng quân sự nước này gặp khó khăn khi tốc độ bàn giao các khí tài, trong đó có các xe tăng hiện đại của phương Tây như M1 Abrams, Leopard, bị chậm trễ. Ngoài ra, Ukraine sẽ buộc phải chuyển những khí tài do phương Tây viện trợ ra nước ngoài sửa chữa nếu chúng gặp trục trặc.
"Với những gì họ đang có, quân đội Ukraine khó thực hiện một cuộc tấn công trực diện chống lại các xe tăng chiến đấu chủ lực mới hơn của Nga. Linh kiện của Ukraine thay thế cho nhiều hệ thống do Liên Xô sản xuất cũng trở nên khan hiếm dần và Ukraine phần lớn dựa vào nguồn cung từ phương Tây", chuyên gia McCardle nói.
Sụt giảm ủng hộ
Ngoài những thách thức trên, giới phân tích cũng cho rằng việc duy trì sự ủng hộ về mặt chính trị cũng như sự ủng hộ của công chúng cũng đặt ra một trở ngại lớn cho cả Nga và Ukraine.
"Thách thức lớn của Nga là duy trì sự ủng hộ của công chúng đối với chiến dịch quân sự (tại Ukraine). Điều này cũng đồng nghĩa với việc ngăn các quốc gia khác hỗ trợ Ukraine như Thổ Nhĩ Kỳ, vốn là đối tác thương mại lớn (của Nga)", cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Hoh nhận định.
"Ukraine cũng đối mặt với thách thức này. Ukraine cần duy trì sự ủng hộ của phương Tây dành cho cuộc chiến của họ. Việc rút lại sự hỗ trợ dành cho Ukraine đã trở thành vấn đề chính trị lớn ở Quốc hội Mỹ, tác động đến chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ và gây ra sự chia rẽ ở các nước châu Âu", ông Hoh nói thêm.
Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, sự ủng hộ của người dân Mỹ đối với việc cung cấp viện trợ cho Ukraine đang giảm dần. "Chính phủ Ukraine phải chạy đua với thời gian, vì sự trợ giúp của phương Tây sẽ không phải vô hạn", theo ông Hoh.
Giới phân tích nhận định Nga ngày càng bị cô lập. "Lần đầu tiên trong lịch sử Nga, Nga không có bất kỳ đồng minh nào ở phương Tây", Dmitri Trenin, một chiến lược gia thân Nga, nhận định.
Trên thực tế, liên minh chống Nga đã mở rộng ra ngoài châu Âu. "Mức độ gắn kết giữa các quốc gia nói tiếng Anh, các đồng minh châu Âu và châu Á của Mỹ đã đạt đến mức độ chưa từng thấy", chuyên gia Trenin nói.
Trong bối cảnh mới, Nga chỉ còn cách tìm kiếm bạn bè ở châu Á và châu Phi. Một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi và Indonesia không tham gia nỗ lực trừng phạt quốc tế nhằm vào Nga, nhưng những nước này cũng không cung cấp hỗ trợ quân sự cho Moscow như phương Tây viện trợ khí tài cho Ukraine.
Tình trạng bị cô lập của Nga có thể được khắc phục nếu Moscow chấm dứt chiến dịch quân sự tại Ukraine. Tuy nhiên, cho đến nay, Điện Kremlin dường như vẫn chưa có ý định này, thậm chí các chuyên gia cho rằng Moscow dường như đang tiến công mạnh hơn nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.
Thành Đạt
Theo Washington Post, Financial Times, Newsweek, New York Times