1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thách thức IS: Cuộc thi hoa hậu đầu tiên tại Iraq sau hơn 4 thập kỷ

Các thí sinh và ban tổ chức đón chào cuộc thi hoa hậu toàn quốc đầu tiên ở Iraq trong hơn 4 thập kỷ, xem đó là chiến thắng trước bạo tàn chiến tranh.

Dù cuộc thi không có nội dung bikini, các nhà tổ chức vẫn coi đây là một chiến thắng của hy vọng ở một quốc gia chìm đắm trong chiến tranh và đổ máu.

Thách thức IS: Cuộc thi hoa hậu đầu tiên tại Iraq sau hơn 4 thập kỷ - 1

Các thí sinh Hoa hậu Iraq 2015 tạo dáng tại thành cổ Babylon hôm 17/12. (Ảnh: Getty Images)

“Iraq vẫn còn sống”

Senan Kamel, giám đốc nghệ thuật của cuộc thi hoa hậu Iraq 2015 nói: “Chúng tôi mong chờ có một đại sứ thiện chí đại diện cho Iraq… Điều chúng tôi hy vọng đạt được là giúp thế giới nghe thấy tiếng nói của Iraq, và chỉ ra rằng đất nước này vẫn còn sống, rằng trái tim của nó vẫn đang đập”.

Kamel trước đó cho biết, trái ngược với các cáo buộc, cuộc thi này vẫn đang nhấn mạnh đến các giá trị truyền thống và hướng tới việc làm sống lại hình ảnh văn hóa một thời của Iraq, vốn từng là một trong các quốc gia năng động nhất ở Trung Đông.

Humam al-Obeidi, một trong các thành viên ban tổ chức, phát biểu: “Một số người bên ngoài nghĩ rằng chúng tôi không yêu cuộc sống”.

Shaymaa Abdelrahman, nữ thanh niên 20 tuổi đến từ thành phố Kirkuk đa sắc tộc, đã giành ngôi vị cao nhất, trở thành người đầu tiên nắm giữ danh hiệu Hoa hậu Iraq kể từ khi cuộc thi này được tổ chức lần cuối vào năm 1972.

Thách thức IS: Cuộc thi hoa hậu đầu tiên tại Iraq sau hơn 4 thập kỷ - 2

8 thí sinh lọt vào đêm chung kết chờ nghe ban giám khảo xướng tên người đoạt ngôi vị cao nhất cuộc thi Hoa hậu Iraq 2015.

Tay cầm bó hoa và giữ dải băng danh hiệu, Abdelrahman cười thật tươi và nhanh chóng làm quen với vai trò mới của mình.

Quyết định của ban giám khảo trùng hợp với ý của phần đông khán giả. Ở các dãy ghế phía sau trong khán phòng cuộc thi, các nam thanh niên để râu dài và mặc áo bó đứng lên ghế và hô to tên của tân hoa hậu.

Trước đám đông người hâm mộ, Abdelrahman nói: “Tôi rất vui được thấy đất nước Iraq của mình đang tiến bộ. Sự kiện này là sự kiện lớn, nó đem đến nụ cười trên gương mặt của người dân Iraq”.

Trong phần thi trên sân khấu, nội dung thuyết trình nhiều hơn nội dung trình diễn và tạo dáng. Đi giày cao gót và mặc trang phục dạ hội để lộ đôi tay trần, các thi sinh trình bày với ban giám khảo về các kế hoạch làm từ thiện của mình.

Súng AK

Cuộc thi được thiết kế nhằm đáp ứng cả các tiêu chí quốc tế mà theo đó, người đoạt ngôi vị cao nhất sẽ được phép tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ kế tiếp.

Tuy nhiên cuộc thi này có nét đặc trưng của một đất nước Iraq hiện tại: Nhân viên bảo vệ cuộc thi phải cầm súng AK gác ở cổng.

Hoa hậu Abdelrahman nói rằng cô sẽ sử dụng sự nổi tiếng của mình để thúc đẩy các sáng kiến giáo dục, đặc biệt là trong các cộng đồng dân cư bị thay đổi chỗ ở do xung đột vũ trang ở Iraq.

Một thí sinh khác thì lại nói cô sẽ nỗ lực giúp sửa chữa con đập Mosul – con đập lớn nhất Iraq và đang cần phải sửa chữa gấp, bởi vì “[sự cố ở con đập] có thể đe dọa toàn đất nước”.

Trong thời gian một tuần trước chung kết, 8 thí sinh lọt vào vòng cuối này đã tham gia một loạt các hoạt động như đi thăm một trại tị nạn ở Baghdad.

Phát biểu trong một lễ trồng cây gần các phế tích của thành phố cổ Babylon vào hôm 17/12, thí sinh Suzan Amer đến từ thị trấn Sulaimaniyah của người Kurd nói rằng cuộc thi thực sự có nhiều ý nghĩa.

“Đây là lần đầu tiên tôi tham gia một sự kiện như thế này. Tôi thực sự muốn là một phần trong trải nghiệm này. Tôi nghĩ Iraq cần có thêm các sự kiện như vậy,” cô gái 22 tuổi nói.

Iraq đã và đang chìm trong cuộc chiến đẫm máu với tổ chức khủng bố IS – tổ chức thánh chiến tàn bạo nhất thế giới, cũng như vật vã với các xung đột sắc tộc và nạn tham nhũng.

Tình trạng bất ổn ở đây đã khiến cuộc thi bị trì hoãn đến tận tháng 12 (theo kế hoạch ban đầu, cuộc thi diễn ra vào tháng 10). Một vài thí sinh đã rút khỏi cuộc thi do bị đe dọa sát hại.

Thách thức IS: Cuộc thi hoa hậu đầu tiên tại Iraq sau hơn 4 thập kỷ - 3

Một thí sinh cuộc thi Hoa hậu Iraq đang được phỏng vấn ở vòng đầu. (Ảnh: Báo Al-Mada)

Nhà hoạt động nhân quyền trước đây - Hana Edwar, nói: “Tôi nghĩ điều này thật tuyệt vời, nó khiến cho bạn cảm nhận được rằng mọi thứ có thể trở lại bình thường”.

Lần cuối cuộc thi Hoa hậu Iraq được tổ chức là vào năm 1972, khi đất nước giàu dầu mỏ này còn ổn định và thịnh vượng.

Lần đầu tiên và lần cuối Iraq tham gia vào một thi sắc đẹp quốc tế lớn cũng là vào năm 1972, khi cô Wijdan Burhan al-Deen đại diện cho quốc gia này tới dự thi tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ năm đó.

Không sợ những lời hăm dọa

Trước và trong cuộc thi, các nhà tổ chức đã đối mặt với những sự chỉ trích gay gắt từ phía các chức sắc tôn giáo cứng rắn và các thủ lĩnh bộ lạc bảo thủ - những người cho rằng các cuộc thi nhan sắc như thế này là phi Hồi giáo và đe dọa đạo đức xã hội.

Trên thực tế ban tổ chức đã phải bỏ nội dung mặc áo tắm.

Giám đốc Kamel cho biết, ban tổ chức đã cố gắng thay đổi nhiều khía cạnh của cuộc thi để tránh những điều cấm kỵ và phù hợp hơn với một quốc gia Hồi giáo truyền thống thường dị ứng với việc phô bày cơ thể nữ giới ở nơi công cộng. Mặt khác ban tổ chức vẫn cố gắng đáp ứng các tiêu chí quốc tế của một cuộc thi sắc đẹp.

Chẳng hạn, áo tắm được thay bằng trang phục kín đáo hơn, nhưng các thí sinh không được choàng khăn trùm đầu Hồi giáo.

Ngoài ra, người ta cũng lùi thời điểm tổ chức đêm chung kết (được truyền hình) từ tháng 10 sang tháng 12 sau khi có các đe dọa từ các trưởng bộ lạc phản đối phụ nữ trẻ trong dòng tộc của họ tham gia vào cuộc thi này.

Hồi tháng 9 một kênh truyền hình thân với nhánh Hồi giáo Shiite đã cảnh báo rằng cuộc thi hoa hậu này sẽ phá hỏng đạo đức xã hội.

Tuy nhiên những lời chỉ trích và hăm dọa không làm nản lòng các thí sinh như Lubna Hameed, 21 tuổi, sinh viên đại học ở Baghdad. Cô cho biết mình hy vọng sẽ trở thành hình mẫu cho các phụ nữ Iraq khác.

Hamsa Khalid, một nữ sinh trung học 18 tuổi, cũng tuyên bố không sợ sự thù địch nhằm vào cuộc thi. Cô nói, thông điệp mình muốn gửi đi với tư cách Miss Iraq có thể tóm tắt trong hai chữ là “Hòa Bình”./.

Theo Trung Hiếu/VOV.VN/Guardian, AFP...