1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thách thức cuối nhiệm kỳ của ông chủ Nhà Trắng

Việc đưa Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vượt qua cửa ải Quốc hội để được thông qua dường như đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất vào cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ B. Obama, trong bối cảnh ngày càng có nhiều ý kiến bi quan về triển vọng TPP sẽ được Quốc hội Mỹ phê chuẩn vào cuối năm nay...

Chính quyền Tổng thống Mỹ Obama đã tuyên bố cam kết thông qua TPP, đồng thời nhấn mạnh rằng khoảng thời gian ngắn ngủi sau cuộc bầu cử và trước khi Quốc hội mới của Mỹ có hiệu lực chính là cơ hội tốt nhất để TPP được phê chuẩn.

Tuy nhiên, ngay cả cơ hội ít ỏi này cũng trở nên khó khăn bởi TPP đã trở thành một vấn đề “nóng” và nhạy cảm trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016 khi cả ứng viên Dân chủ và Cộng hòa là bà H. Clinton và ông Đ.Trump đều cùng phản đối thỏa thuận này.

Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh: AP.
Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh: AP.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới đã góp phần đưa TPP trở thành mục tiêu của tâm lý chống tự do thương mại đang có xu hướng ngày càng gia tăng tại Mỹ, bởi cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa đều coi TPP là nhân tố quan trọng để thu hút cử tri. Bằng chứng là vào giai đoạn vận động tranh cử để chọn ứng viên đại diện cho mỗi đảng tham gia tranh cử, ứng viên B. Sanders của đảng Dân chủ có quan điểm chống TPP đã giành được cảm tình của tương đối số cử tri phản đối hiệp định này.

Chính vì áp lực từ đối thủ, bà H. Clinton, người đã giúp đàm phán TPP khi còn là Ngoại trưởng Mỹ buộc phải quay sang phản đối hiệp định này để giành lợi thế. Tại Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ tuần trước, ông Sanders đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt khi phát biểu rằng đảng này cần chặn bất kỳ nỗ lực nào tìm cách để TPP được thông qua sau cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay.

TPP cũng đang là nhân tố gây bất đồng trong nội bộ nước Mỹ khi nhiều thành viên phe Dân chủ lẫn phe Cộng hòa đều phản đối việc phê chuẩn hiệp định này, trong khi Tổng thống Obama và những người ủng hộ đang ra sức bảo vệ.

Phát biểu sau cuộc gặp với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long mới đây tại Washington, ông Obama thừa nhận toàn cầu hóa và công nghệ đã dẫn tới nỗi lo ngại gia tăng của nhiều người Mỹ, nhưng ông nói rằng việc từ bỏ các thỏa thuận thương mại không thể là giải pháp.

“Câu trả lời không thể là quay lưng lại với thương mại và nền kinh tế toàn cầu... Chúng ta không thể tự cô lập mình. Cố gắng rút cây cầu thương mại sẽ chỉ khiến chúng ta và những người công nhân của chúng ta bị tổn thương”, Tổng thống Obama nhấn mạnh. Ông còn tự tin tuyên bố mình có lập luận tốt hơn về TPP so với những người phản đối hiệp định này.

Cùng chung quan điểm, Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman tuyên bố thất bại trong việc phê chuẩn hiệp định này sẽ không giải quyết các vấn đề thực sự đang tác động đến xã hội Mỹ như công ăn việc làm.

Cả Tổng thống Obama và ông Froman đều nhấn mạnh tới nguy cơ bị Trung Quốc chiếm lĩnh vai trò cầm trịch trên “sân chơi” thương mại ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như hệ thống thương mại toàn cầu nếu Mỹ không “quyết định nhanh chóng” và củng cố vai trò lãnh đạo hiện nay tại sân chơi cạnh tranh ngày càng quyết liệt này.

Cần phải nhấn mạnh rằng, TPP vẫn được coi là một trong những trọng tâm của chiến lược tái cân bằng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tổng thống Obama. Thủ tướng Singapor Lý Hiển Long trong chuyến thăm tới Mỹ mới đây đã cảnh báo uy tín của Mỹ có thể bị ảnh hưởng nếu TPP không được Quốc hội Mỹ thông qua.

Theo ông, TPP không chỉ là một nhân tố làm thay đổi cuộc chơi kinh tế mà còn có thể “gia tăng mức độ thực chất trong cam kết của Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương”. “Đối với các nước bạn bè và đối tác của Mỹ, việc Mỹ thông qua TPP là một phép thử đối với uy tín của các vị và mức độ nghiêm túc trong mục đích của các vị”, ông Lý Hiển Long nói.

Tuy nhiên, những lập luận nhằm cứu vãn nguy cơ TPP không được Quốc hội thông qua của chính quyền Tổng thống Obama dường như cũng chẳng làm xoay chuyển là bao xu thế phản đối hiệp định này trên chính trường Mỹ.

Các khẩu hiệu chống TPP đã xuất hiện nhiều tại đại hội toàn quốc của cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ. Đến nay, thậm chí các nghị sĩ Cộng hòa còn không muốn tổ chức bỏ phiếu về TPP, hiệp định mà ứng cử viên tổng thống của đảng này, ông Trump gọi là “đòn chí mạng” đối với công ăn việc làm trong ngành sản xuất.

Còn về phe Dân chủ, nhiều cử tri Dân chủ cũng vẫn giữ tâm lý nghi ngại về hiệp định gây nhiều tranh cãi này. Cố vấn thân cận về ngoại giao của bà Clinton là Laura Rosenberger mới đây khẳng định, bà Clinton sẽ không ủng hộ việc thông qua TPP nếu bà trở thành tổng thống.

Bà Clinton cho rằng, các thỏa thuận thương mại cần có lợi cho nhân dân Mỹ và đáp ứng được 3 yêu cầu, đó là: Tạo ra việc làm cho người Mỹ, tăng lương cho người lao động và thúc đẩy an ninh quốc gia. Nhưng theo bà Clinton, TPP không đáp ứng được 3 yêu cầu đó nên quyết định không ủng hộ hiệp định.

Cho đến nay, tại Mỹ cũng như trên thế giới ngày càng xuất hiện nhiều cái nhìn nghi ngờ về khả năng Quốc hội Mỹ sẽ thông qua TPP trong năm nay. Thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell nhận định, cơ hội để TPP được thông qua trong năm nay là “khá mỏng”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Australia Steven Ciobo phát biểu trên Bloomberg ngày 2-8 tỏ ra “lạc quan thận trọng” về khả năng TPP sẽ được Quốc hội Mỹ phê chuẩn.

Theo Mai Nguyên

Quân đội nhân dân