1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thách thức có thể khiến F-16 khó thay đổi cuộc chơi ở Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia cảnh báo về những thách thức mà Ukraine có thể phải đối mặt khi vận hành tiêm kích F-16 mà phương Tây viện trợ.

Thách thức có thể khiến F-16 khó thay đổi cuộc chơi ở Ukraine - 1

Máy bay chiến đấu F-16 (Ảnh: Getty).

Trong khi Ukraine đang chờ đợi được chuyển giao các máy bay F-16 từ các đồng minh phương Tây, các chuyên gia cảnh báo rằng nước này có thể phải đối mặt với những thách thức khi vận hành loại máy bay đòi hỏi quá trình bảo trì phức tạp, có thể gây ra gánh nặng về mặt hậu cần. 

Tom Richter, cựu phi công Thủy quân lục chiến Mỹ, nói với Politico rằng F-16 là "một con quái thú nhạy cảm" so với các máy bay thời Liên Xô mà Ukraine quen sử dụng.

"Nếu bạn từng bước tới và đặt tay lên một chiếc MiG-29 tại một triển lãm hàng không rồi bước ngay tới và đặt tay lên một chiếc F-16, bạn có thể cảm nhận được ngay từ bên ngoài rằng chiếc F-16 được thiết kế cao cấp như thế nào", ông nói.

Theo ông, F-16 là tiêm kích rất nhạy cảm, cần được bảo trì kỹ lưỡng, hơn hẳn so với các tiêm kích MiG có từ thời Liên Xô.

Trước đó, Không quân Ukraine nói với Politico rằng Kiev sẽ cần một số thay đổi để vận hành F-16 Fighting Falcon. Ukraine thừa nhận sẽ cần thích nghi với tiêm kích mới theo chuẩn NATO vì đã quen với các máy bay chuẩn Liên Xô, nhưng nhấn mạnh họ có thể xử lý được điều này.

Theo The Times, ngoài các phi công, Ukraine còn có khoảng 50 kỹ thuật viên đang được đào tạo để hỗ trợ và sửa chữa các tiêm kích. F-16 là một máy bay rất phức tạp, đến mức thông thường phải cần 8 đến 14 người để bảo trì mỗi tiêm kích này.

Hồi tháng 2, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, còn nhiều vấn đề cần giải quyết liên quan tới quá trình bảo trì, nhân lực vận hành và hệ thống hỗ trợ phải sẵn sàng trước khi F-16 được chuyển giao.

Năm ngoái, Viktor Bondarev, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Hội đồng Liên bang Nga, cho rằng cơ sở hạ tầng của Ukraine "không hoàn toàn phù hợp" để vận hành F-16, vì một số lượng lớn các sân bay, nơi các máy bay chiến đấu này có thể cất cánh, đã ngừng hoạt động.

Theo chuyên gia quân sự Nga Viktor Litovkin, một vấn đề với F-16 mà Ukraine đang đối mặt chính là Kiev thiếu đi các cơ sở hạ tầng phù hợp để vận hành các tiêm kích này trong hoạt động chiến đấu. 

Ông Litovkin cho biết, để dùng được máy bay Mỹ sản xuất, Kiev sẽ cần cơ sở hạ tầng phức tạp, bao gồm các sân bay, trạm radar được trang bị phù hợp, thiết bị đặc biệt cho quá trình chuẩn bị trước và sau chuyến bay, cũng như các thiết bị lọc nhiên liệu hàng không và kho lưu trữ tên lửa.

"Ukraine không có bất cứ cơ sở hạ tầng nào như vậy. Nếu họ bắt đầu xây dựng tất cả, Nga sẽ không nhắm mắt làm ngơ. Lực lượng Vũ trang Nga sẽ đợi cho đến khi công việc xây dựng đạt đến một mức độ nhất định và sau đó tiến hành các cuộc tấn công (để phá hủy những gì đã được xây dựng)", ông phỏng đoán.

F-16 là loại máy bay chiến đấu phản lực đa năng đã tham gia hàng chục cuộc chiến và được hơn 20 quốc gia sử dụng. Đối với Ukraine, quốc gia đang sử dụng MiG-29 thời Liên Xô, F-16 là một tiêm kích hơn hẳn về nhiều mặt, theo một phi công của Ukraine đã lái thử chiếc máy bay.

Từ năm ngoái, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố việc gửi F-16 tới Ukraine sẽ là "sự leo thang không thể chấp nhận được" và cảnh báo phương Tây không nên "đùa với lửa".

Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo máy bay F-16 sẽ bị bắn cháy tương tự xe tăng phương Tây cung cấp cho Kiev, đồng thời tuyên bố Nga sẽ tìm mọi cách tấn công các địa điểm bên ngoài Ukraine nếu các máy bay này đồn trú ở đó.

Máy bay chiến đấu này cần được cất cánh từ đường băng mà Ukraine hiện không sở hữu, dẫn đến suy đoán rằng chúng có thể bay từ các nước NATO láng giềng vào Ukraine.

Theo BI
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm