Liên tiếp tấn công khủng bố tại 3 châu lục:
Thách thức an ninh toàn cầu
Gần 48 giờ đã trôi qua nhưng dư luận thế giới vẫn chưa hết bàng hoàng khi vừa trải qua "Ngày thứ sáu chết chóc".
Trong ba vụ tấn công khủng bố trên, đẫm máu nhất là vụ các kẻ khủng bố nổ súng tấn công, sát hại 39 người tại một khu du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng ở Tunisia, nơi có nhiều du khách Châu Âu lưu trú. Tiếp theo là vụ đánh bom tự sát ở Kuwait làm 25 người chết và vụ tấn công tại một nhà máy khí đốt ở Đông Nam nước Pháp làm 1 người thiệt mạng. Đến nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy 3 vụ tấn công này liên quan với nhau, nhưng đã có không ít nghi ngờ rằng đây là những hành động có tổ chức.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vừa lên tiếng nhận trách nhiệm về hai vụ tấn công ở Tunisia và Kuwait khi cho đăng tải trên tài khoản Twitter các bức ảnh mô tả tay súng ở Tunisia cầm súng máy trên đường phố. Hiện cũng chưa rõ có sự phối hợp nào trong việc thực hiện các vụ tấn công này hay không, nhưng vụ việc xảy ra chỉ vài ngày sau khi IS kêu gọi những kẻ ủng hộ tiến hành các vụ tấn công trong tháng thánh lễ Ramadan.
Dường như chưa khi nào mối lo ngại về khủng bố lại bao trùm lên một phạm vi rộng lớn của thế giới như hiện nay. Theo bản báo cáo về khủng bố toàn cầu năm 2014 do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố mới đây, bất chấp mọi nỗ lực của toàn cầu - trong đó Mỹ là quốc gia đi đầu trong cuộc chiến chống khủng bố - số vụ tấn công khủng bố trên toàn thế giới đã tăng 35% năm 2014, trong khi số người chết tăng tới 81%. Chỉ tính riêng trong năm 2014 đã có gần 33.000 người bị giết hại trong khoảng 13.500 vụ tấn công khủng bố xảy ra trên khắp thế giới, so với 9.707 vụ và hơn 17.800 người thiệt mạng của năm 2013. Như vậy trung bình mỗi tháng, thế giới xảy ra hơn 1.110 vụ tấn công khủng bố. Trong đó, IS tự xưng là thủ phạm của nhiều vụ tấn công khủng bố nhất và cuộc xung đột ở Syria là nơi thu hút nhiều nhất số phần tử khủng bố người nước ngoài.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, mặc dù những nỗ lực chống khủng bố của cộng đồng quốc tế đã bước đầu cho thấy tác dụng, song việc IS chiếm đóng các vùng lãnh thổ rộng lớn ở Iraq và Syria, cũng như phản ứng yếu kém của chính phủ nhiều nước là nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng các vụ tấn công khủng bố trên toàn thế giới.
Sự lớn mạnh của IS một phần là do nhóm này có cách thức hoạt động và mở rộng lực lượng rất tinh vi khi chúng thường sử dụng các phương tiện truyền thông, mạng xã hội phổ biến nhất để đưa ra những thông điệp của mình, chiêu mộ thêm các phần tử cực đoan và hình thành mối liên hệ với các chi nhánh bên ngoài lãnh thổ Iraq, Syria.
Một số chuyên gia phân tích cho rằng, các vụ tấn công khủng bố vừa xảy ra ở ba châu lục có thể là một thủ đoạn của IS nhằm vực lại danh tiếng sau khi liên tiếp bị thất bại trên chiến trường Syria, Iraq. Không chỉ gieo rắc nỗi sợ hãi trên toàn cầu bằng những vụ tấn công tàn bạo, IS cũng như các tổ chức khủng bố quốc tế khác muốn phô trương sức mạnh qua cuộc "chiến tranh thông tin".