1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Tên lửa vũ trụ Nga bốc cháy trên Thái Bình Dương

(Dân trí) - Một tên lửa đẩy Proton của Nga, mang theo vệ tinh viễn thông tiên tiến, đã rơi trở lại trái đất vào ngày hôm nay 16/5, ngay sau khi được phóng đi. Đây được xem là vụ tai nạn mới nhất liên quan đến ngành vũ trụ lâu đời của Nga.


Hình ảnh từ băng hình trực tiếp của Roscosmos cho thấy tên lửa Proton rơi trở lại trái đất

Hình ảnh từ băng hình trực tiếp của Roscosmos cho thấy tên lửa Proton rơi trở lại trái đất


Giới chức phụ trách không gian Nga cho biết động cơ điều khiển tên lửa đã bị hỏng 545 giây sau khi tên lửa được phóng đi từ trung tâm vũ trụ Baikonur mà Mátxcơva thuê ở Kazakhstan.

Đài truyền hình nhà nước Nga phát hình ảnh cho thấy tên lửa Proton và vệ tinh its Express-AM4P, được cho là trị giá 29 triệu USD, bị bốc cháy ở tầng trên của bầu khí quyển, trên Thái Bình Dương.

“Chúng ta có tình huống khẩn cấp”, đài truyền hình Kênh 1 của Nga dẫn lời một nhà bình luận về vụ phóng cho hay. “Vụ phóng đã kết thúc”, nhà bình luận này nói.

Trong khi đó, cơ quan vũ trụ liên bang Nga Roscosmos, cho biết đã thành lập một ủy ban đặc biệt để “phân tích các dữ liệu từ xa và để tìm nguyên nhân của tình huống khẩn cấp”.

Kênh 1 cũng cho hay vệ tinh tiên tiến trên là do Astrium của Airbus Group phát triển, nhằm cung cấp dịch vụ internet cho các vùng xa xôi, kết nối liên lạc kém của Nga.

Hãng thông tấn nhà nước Nga Ria Novosti gọi vệ tinh là “vệ tinh viễn thông tiên tiến và mạnh nhất của Nga”.

Roscosmos cho biết trong quá trình điều tra, họ sẽ tạm thời ngưng phóng các tên lửa Proton, tên lửa chủ lực của ngành vũ trụ Nga, đã thu về hàng chục triệu đô la mỗi năm nhờ phóng các vệ tinh cho phương Tây và châu Á.

Hồi tháng 10/2013, Nga đã sa thải lãnh đạo trước đó của Roscosmos, ông Vladimir Popovkin, sau chưa đầy 2 năm được bổ nhiệm vì để xảy ra hàng loạt vụ phóng hỏng và những vụ việc đáng tiếc khác làm ảnh hưởng đến ngành vũ trụ lâu đời của Nga.


Trung Anh
Theo AFP