1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tên lửa Trung Quốc rơi xuống Ấn Độ Dương, thế giới "thở phào"

Thành Đạt

(Dân trí) - Trung Quốc cho biết mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh 5B của nước này đã rơi xuống Ấn Độ Dương sau khi quay trở lại khí quyển của Trái Đất.

Tên lửa Trung Quốc rơi xuống Ấn Độ Dương, thế giới

Tên lửa Trường Chinh 5B phóng đi hồi cuối tháng 4 (Ảnh: AFP).

Truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn thông báo của Văn phòng Kỹ thuật Không gian Có người lái Trung Quốc cho biết, các bộ phận của tên lửa Trường Chinh 5B đã quay trở lại bầu khí quyển lúc 10h24 sáng nay 9/5 (theo giờ Bắc Kinh) và rơi xuống vị trí có tọa độ 72,47 độ kinh Đông và 2,65 độ vĩ Bắc.

Tọa độ trên cho thấy vị trí tên lửa rơi thuộc Ấn Độ Dương, phía tây quần đảo Maldives.

Phía Trung Quốc cho biết hầu hết các mảnh vỡ đã bị thiêu rụi và bị phá hủy trong quá trình quay trở lại khí quyển Trái Đất.

Hãng Space-Track, sử dụng dữ liệu quân sự của Mỹ, cũng xác nhận việc mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc rơi xuống Trái Đất.

"Những người theo dõi việc tên lửa Trường Chinh 5B quay trở lại khí quyển có thể thở phào. Tên lửa đã bị phá hủy", Space-Track đăng trên Twitter.

"Chúng tôi tin rằng tên lửa đã rơi ở Ấn Độ Dương, nhưng đang chờ dữ liệu chính thức từ SPCS 18", Space-Track cho biết thêm, đề cập đến Phi đội Kiểm soát Không gian 18 (SPCS 18) thuộc Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ.

Tên lửa Trường Chinh 5B (Long March 5B) của Trung Quốc đã phóng mô-đun trạm vũ trụ đầu tiên lên quỹ đạo hôm 28/4. Việc phóng mô-đun này là một phần trong kế hoạch hoàn thành thiết lập trạm vũ trụ của Trung Quốc. Do bay với quỹ đạo thấp nên phần lõi của tên lửa nặng 22 tấn sẽ dần dần rơi trở lại Trái Đất một cách mất kiểm soát. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân khẳng định phần lớn tên lửa sẽ cháy và tự phá hủy trong quá trình trở lại bầu khí quyển và khả năng gây thiệt hại cho hoạt động hàng không và mặt đất là "cực thấp". 

Thời báo Hoàn Cầu, báo nhà nước Trung Quốc, đã bác bỏ những lo ngại "cường điệu của phương Tây" rằng tên lửa đang "mất kiểm soát" và có thể gây thiệt hại.

Tuy vậy, Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ vẫn theo dõi hành trình của tên lửa Trường Chinh 5B suốt nhiều ngày qua, với lo ngại rằng mảnh vỡ tên lửa mất kiểm soát sẽ rơi xuống Trái Đất.

Theo dõi quỹ đạo của tên lửa Trường Chinh 5B, nhà thiên văn học Jonathan McDowell tại Đại học Harvard nói với Reuters rằng mảnh vỡ tên lửa có thể rơi xuống những khu vực nằm xa về phía bắc như New York, Madrid hoặc Bắc Kinh, hay xa về phía nam như nam Chile và Wellington, New Zealand.

Trong khi đó, Cơ quan Vũ trụ châu Âu dự đoán "khu vực có nguy cơ" trúng mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc gồm gần như toàn bộ châu Mỹ ở phía nam New York, toàn bộ châu Phi, Australia, một phần châu Á ở phía nam Nhật Bản, và một số nước châu Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia, Hy Lạp.

Theo các chuyên gia, với hầu hết bề mặt Trái Đất được bao phủ bởi nước, nguy cơ tên lửa rơi xuống khu dân cư trên đất liền là thấp và khả năng gây ra thương tích thậm chí còn thấp hơn. Tuy vậy, mọi giả thuyết vẫn được đặt ra và không ai khẳng định chắc chắn về điểm rơi của tên lửa Trung Quốc.

Đây là sự cố thứ 2 liên quan đến tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc. Tháng 5/2020, mảnh vỡ của tên lửa này đã rơi xuống Bờ Biển Ngà, làm hư hại một số các tòa nhà nhưng may mắn không gây ra thương tích.