1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tên lửa nguy hiểm nhất của Trung Quốc đe dọa tàu sân bay Mỹ thế nào?

Theo Robert Haddick, một nhà thầu quốc phòng độc lập tại Bộ Chỉ huy Tác chiến Đặc biệt Mỹ, trong bản báo cáo thường niên gần đây nhất của Lầu Năm Góc về sức mạnh quân sự của Trung Quốc có đề cập đến YJ-12, một sự bổ sung mới nhất trong danh mục các tên lửa hành trình chống tàu (ASCM) của Bắc Kinh.

Bản báo cáo lưu ý rằng: “Tên lửa mới này của Trung Quốc đặt ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với các tài sản của hải quân Mỹ dựa vào tầm xa và tốc độ siêu âm của nó”. Điều này là đúng, nhưng theo một cách hiểu đơn giản.

Tên lửa YJ-12 của Trung Quốc.

Tên lửa YJ-12 của Trung Quốc.

YJ-12 là loại tên lửa chống tàu nguy hiểm nhất mà Trung Quốc sản xuất, do đó nó đặt ra một mối đe dọa lớn hơn đối với lực lượng hải quân trên mặt nước của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương so với tên lửa đạn đạo chống tàu Đông Phong (DF)-21D, vốn đã được các chuyên gia và nhà hoạch định chính sách quốc phòng của Lầu Năm Góc thảo luận rất nhiều lần. Sự xuất hiện của YJ-12 là một dấu hiệu cho thấy Hải quân Mỹ đã thất bại hơn nữa trong việc duy trì ưu thế trước Trung Quốc, lộ ra những điểm yếu trong các khái niệm tác chiến mà các nhà chỉ huy quân sự, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ và đồng minh đã áp dụng trong nhiều năm qua.

Theo một nghiên cứu năm 2011 từng xuất hiện trong Báo cáo tổng kết của Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, YJ-12 có tầm bắn 400km và là một trong những ASCM có tầm bắn xa nhất từng được giới thiệu (xa hơn nhiều so với tên lửa Harpoon của Hải quân Mỹ với tầm bắn chỉ giới hạn trong vòng 124km).

Quan trọng hơn, với tầm bắn 400km, tàu sân bay tấn công của Trung Quốc có thể phóng tên lửa YJ-12 bên ngoài phạm vi tác chiến của Hệ thống tên lửa chiến trường Aegis và các tên lửa không đối hải SM-2, vốn được dùng để bảo vệ các nhóm tàu sân bay tấn công của Hải quân Mỹ. Trước đây, khi các ASCM bị giới hạn tầm bắn, chỉ ở mức khoảng 100km hoặc thấp hơn, một tàu sân bay sẽ có nhiều thời gian hơn để phản công bằng chính các máy bay chiến đấu và tên lửa phòng thủ của mình. Nó cũng có một sự lựa chọn nữa là có thể tấn công lại tàu sân bay đối phương trước khi tàu sân bay của đối phương phóng các ASCM và có nhiều thời gian hơn trong việc đối phó với một cuộc phản công tương tự. Với tầm bắn 400km, YJ-12 sẽ làm lu mờ những lợi thế trên của Hải quân Mỹ.

Một kịch bản thực tế trong tương lai là một cuộc tấn công từ các hướng của 2 trung đoàn máy bay chiến đấu Sukhoi Flanker (tổng cộng 48 chiếc Su-33 hoặc các biến thể máy bay chiến đấu ném bom J-11B) nhằm vào nhóm tàu sân bay Mỹ. Mỗi máy bay chiến đấu Flanker này (tính năng tương đương với các máy bay chiến đấu ném bom F-15E của Không quân Mỹ, có tốc độ siêu âm và bán kính chiến đấu 1.500 km) có thể được trang bị 2-4 quả tên lửa YJ-12.

Tên lửa Harpoon của Mỹ.

Tên lửa Harpoon của Mỹ.

Mặc dù các hệ thống giám sát tấn công trên không của các nhóm tàu sân bay Mỹ có thể bắn hạ một vài chiếc trong số các Flanker trước khi chúng phóng tên lửa, nhưng tàu sân bay vẫn phải đối mặt với tình huống phòng thủ chống lại hơn 100 quả tên lửa siêu âm tiếp cận từ nhiều hướng. Các hệ thống phòng không cự ly gần của nhóm tàu sân bay sẽ có chưa đầy 45 giây để tấn công lại các tên lửa của Trung Quốc sau khi chúng xuất hiện trên đường chân trời. Trong khi đó, YJ-12 sẽ sử dụng nhiều loại cảm biến để tìm tới mục tiêu và vòng tránh để vượt qua tuyến phòng thủ cuối cùng.

Một nghiên cứu của Trường đào tạo hải quân sau đại học của Mỹ kết luận rằng, trong các cuộc tham chiến trước đây của tên lửa chống tàu nhằm đối phó với các tàu chiến trên mặt nước có hệ thống cảnh báo, 32% các tên lửa tấn công được ghi nhận là đã thành công. Chỉ cần 5% trong số các tên lửa YJ-12 tiếp cận được mục tiêu, nó vẫn sẽ là một ngày tồi tệ đối với nhóm tàu sân bay của Mỹ.

Sự kết hợp tiềm năng giữa các máy bay chiến đấu Flanker và YJ-12, có thể tấn công các mục tiêu ở cự ly lên đến 1.900 km từ Trung Quốc, là một thách thức nghiêm trọng hơn đối với Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ so với tên lửa đạn đạo chống tàu DF-21D của Trung Quốc. Các quan chức Hải quân Mỹ cũng nhận thức được mối đe dọa từ tên lửa YJ-12 mà lực lượng mặt nước của họ phải đối phó. Do đó, Hải quân Mỹ đang có kế hoạch để giành chiến thắng trong một cuộc "không chiến từ xa” bằng cách phát triển các khả năng phòng thủ tên lửa và phòng không tầm xa mới cho các lực lượng mặt nước của mình.

Hải quân Mỹ cũng có kế hoạch xây dựng mạng lưới các cảm biến và các loại vũ khí có khả năng phối hợp tác chiến chung. Các thành phần này sẽ bao gồm máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm E-2D mới được bố trí trên tàu sân bay, tên lửa không đối hải tầm xa SM-6, máy bay chiến đấu đa năng F-35C, và phần mềm có khả năng chia sẻ thông tin giữa các đơn vị tác chiến khác nhau.

Ý định của Hải quân Mỹ là nhằm khôi phục lại sự nguyên trạng trước khi có sự xuất hiện của các loại tên lửa như YJ-12, cụ thể là khả năng bắn hạ máy bay mang theo tên lửa của đối phương ở khoảng cách xa hơn và trước khi chúng có thể phóng các tên lửa hành trình chống tàu của mình. Mỹ đang hy vọng các kế hoạch phát triển mạng lưới tấn công từ xa của hải quân sẽ thành công.

Theo Công Thuận