1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tên lửa mới của Nga có thể tấn công căn cứ Mỹ ở châu Âu trong vài phút?

Thành Đạt

(Dân trí) - Bản đồ mô tả tầm bắn của tên lửa siêu vượt âm mới được Nga công bố cho thấy vũ khí này có thể tấn công các cơ sở quân sự của Mỹ ở châu Âu trong vòng vài phút.

Tên lửa mới của Nga có thể tấn công căn cứ Mỹ ở châu Âu trong vài phút? - 1

Tên lửa đạn đạo của Nga (Ảnh: Reuters).

"Nga tiếp tục nỗ lực đe dọa châu Âu bằng tên lửa Oreshnik", Anton Gerashchenko, cựu cố vấn của Bộ Nội vụ Ukraine, bình luận trên mạng xã hội X hôm 9/12.

Ông Gerashchenko đã đăng một bản đồ dường như được các kênh của Nga chia sẻ trên Telegram. Bản đồ này cho thấy thời gian mà tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Oreshnik của Nga tiếp cận mục tiêu nếu vũ khí này được phóng từ Belarus.

Theo bản đồ trên, tên lửa Oreshnik có khả năng di chuyển từ Brest, Belarus, đến một căn cứ Không quân Mỹ ở miền nam Romania trong 5,5 phút và đến một căn cứ khác ở Ba Lan chỉ trong 3,2 phút. Bản đồ cũng cho thấy vũ khí của Nga có thể vươn tới thủ đô của một số nước châu Âu trong cùng một khoảng thời gian, bao gồm Paris và London, trong vòng chưa đầy 9 phút.

Tên lửa mới của Nga có thể tấn công căn cứ Mỹ ở châu Âu trong vài phút? - 2

Bản đồ cho thấy khoảng thời gian mà tên lửa Oreshnik bay tới các vị trí ở châu Âu nếu được phóng từ Belarus (Ảnh: Anton Gerashchenko/X).

Mặc dù tầm bắn được công bố của tên lửa Oreshnik là 5.500km sẽ không đạt tới khoảng cách từ Belarus đến lục địa Mỹ, nhưng vẫn cho phép vũ khí của Nga vươn tới các cơ sở quân sự của Mỹ ở châu Âu, cũng như ở Trung Đông và các quốc gia vùng Vịnh.

Vào tháng 11, Nga đã phóng tên lửa Oreshnik vào thành phố Dnipro của Ukraine để đáp trả các vụ tấn công của Kiev bằng vũ khí tầm xa của phương Tây vào Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngay sau đó cho biết đây là tên lửa siêu vượt âm tầm trung thế hệ mới được thử nghiệm trong điều kiện tác chiến. Tên lửa này có tốc độ gấp 10 lần âm thanh, khiến nó gần như không thể đánh chặn.

Ông nói thêm, Oreshnik có khả năng mang nhiều đầu đạn, bao gồm cả đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân. Mặc dù không phải là vũ khí hủy diệt hàng loạt nhưng Oreshnik vẫn có khả năng gây ra sự hủy diệt lớn mà không cần sử dụng năng lượng hạt nhân.

"Bất cứ thứ gì nằm trong trung tâm tấn công đều bị xóa sổ thành các hạt nguyên tố, bị biến thành bụi", ông Putin nhấn mạnh.

Người đứng đầu Điện Kremlin cảnh báo, hệ thống Oreshnik có thể được sử dụng để trả đũa nhằm vào các trung tâm ra quyết định ở Kiev nếu Ukraine tiếp tục các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa vào Nga.

Các nguồn tin của Nga cho biết tầm bắn của tên lửa Oreshnik lên tới 5.000km, cho phép Nga tấn công hầu hết châu Âu và bờ biển phía Tây của Mỹ. Nhà phân tích quân sự Vladislav Shurygin nhận định Oreshnik có khả năng vượt qua mọi hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân hiện có. 

Tổng thống Putin phát biểu đầu tháng này tuyên bố tên lửa Oreshnik của Nga có thể được triển khai tại Belarus vào nửa cuối năm 2025, khi quá trình sản xuất hàng loạt hệ thống này tại Nga tăng lên và Oreshnik được đưa vào sử dụng trong lực lượng tên lửa chiến lược của Nga.

Trước đó, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã đề nghị Nga triển khai hệ thống tên lửa Oreshnik tại Belarus. Ông lưu ý rằng nếu Oreshnik được triển khai, chính quyền Belarus sẽ là bên xác định các mục tiêu tiềm tàng của hệ thống tên lửa này.

Tổng thống Putin và người đồng cấp Belarus đã ký kết một hiệp ước an ninh cho phép cả hai quốc gia sử dụng mọi phương tiện có sẵn để phòng thủ chung.

Theo Newsweek