1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tên lửa không gian Hàn Quốc nổ tung trong lần phóng thứ hai

(Dân trí) - Hàn Quốc hôm nay lần thứ hai phóng tên lửa không gian tự chế đầu tiên KSLV-1, mang theo một vệ tinh khoa học. Tuy nhiên, tên lửa đã phát nổ chưa đầy 3 phút sau khi rời bệ phóng.

 

Tên lửa không gian Hàn Quốc nổ tung trong lần phóng thứ hai - 1
Tên lửa không gian KSLV-1 tại bệ phóng ở Trung tâm không gian Naro, tại Goheung, cách nam Seoul gần 500km, ngày 9/6.

Tên lửa KSLV-1 hay còn gọi là Naro được phóng vào ngày hôm nay sau khi bị hoãn một ngày do thiết bị dập lửa gần bệ phóng tại Trung tâm không gian Naro, cách nam Seoul gần 500km, gặp trục trặc. Tên lửa mang theo vệ tinh quan sát, nghiên cứu hiện tượng ấm lên của trái đất và biến đổi khí hậu. Nhưng tên lửa đã bị mất liên lạc với trạm điều khiển 137 giây sau khi rời bệ phóng và khi đạt được độ cao 70km. 

Như vậy đây là lần thứ hai Seoul thất bại trong nỗ lực gia nhập các quốc gia phóng vệ tinh trên thế giới. Tháng 8 năm ngoái, Seoul cũng đã phóng tên lửa KSLV-1 mang theo vệ tinh nghiên cứu khoa học và vệ tinh này cũng đã bị đi trệch quỹ đạo.

  

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc Ahn Byong-Man cho biết có vẻ như tên lửa đã bị nổ tung.   
 
Tên lửa không gian Hàn Quốc nổ tung trong lần phóng thứ hai - 2
Vệ tinh do tên lửa đẩy KSLV-1 mang theo đã không đi vào quỹ đạo và phát nổ khi rời bệ phóng chưa đầy 3 phút.
 

Hàn Quốc hiện đang tự nỗ lực xây dựng một chương trình không gian trong nước, có thể thách thức được với các chương trình tiên tiến hơn của các đối thủ trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Họ đã nhờ Nga giúp đỡ phát triển tầng một chứa nhiên liệu lỏng để nâng tên lửa lên không trung. Tầng hai chạy bằng nhiên liệu khô, do các kỹ sư Hàn Quốc chế tạo. KSLV-1 dài 33m và nặng 140 tấn, có mục đích đặt vệ tinh quan sát, dự định để nghiên cứu bức xạ Trái đất, lên quỹ đạo.

 

Trong lần phóng đầu tiên vào tháng 8/2009, Naro-1 đã được phóng thành công nhưng không đưa được vệ tinh khoa học vào quỹ đạo do gặp trục trặc ở hệ thống tách tầng.

 

Hàn Quốc đã đặt tham vọng cho tới năm 2018 sẽ phát triển được một tên lửa của riêng mình và tới năm 2025 sẽ phóng một tàu thăm dò mặt trăng. Ngoài ra, nước này cũng muốn phát triển dịch vụ thương mại phóng vệ tinh.

 

Phan Anh

Theo Reuter, AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm