1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tên lửa "Dao găm": Vũ khí "không thể cản phá" của Nga xuất hiện tại Ukraine

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Một tiêm kích đánh chặn MiG-31K của Không quân Nga đã phóng 3 tên lửa hành trình siêu vượt âm vào các mục tiêu của Ukraine tại thành phố cảng Odessa vào đêm thứ 2 ngày 13/6.

Tên lửa Dao găm: Vũ khí không thể cản phá của Nga xuất hiện tại Ukraine - 1

Tên lửa siêu âm Kinzhal được gắn trên tiêm kích đánh chặn MiG-31K của Nga (Ảnh: AP).

Tên lửa hành trình siêu vượt âm mà Nga sử dụng trong đợt tấn công vào đêm 13/6 là tên lửa Kinzhal (hay còn được biết tới với tên gọi là "Dao găm"). Tên lửa này được đưa vào trang bị trong biên chế quân đội Nga từ tháng 12/2017 và là một trong 6 vũ khí chiến lược hiện đại của Nga được Tổng thống Vladimir Putin giới thiệu trong bản thông điệp liên bang vào tháng 3/2018.

Với tốc độ hành trình đạt mức từ Mach 10-12 (tức là nhanh hơn 10-12 lần tốc độ âm thanh) với tầm bắn có thể lên đến 3.000 km, loại vũ khí này đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận xét là gần như không thể cản phá.

Trong một bài phát biểu vào tháng 3/2022 sau khi Nga lần đầu tiên sử dụng tên lửa Kinzhal trong thực chiến, ông Biden đã nói: "Đây là một loại vũ khí đáng lo ngại và gần như không thể cản phá. Người Nga có lý do khi sử dụng vũ khí này".

Một điều đặc biệt nữa của tên lửa hành trình Kinzhal là việc nó được phóng đi từ các máy bay chiến đấu của Nga. Tiêm kích đánh chặn MiG-31K hay máy bay ném bom tấn công Tu-22M3 đều có thể trở thành bệ phóng tên không cho tên lửa này. Một số chuyên gia tiết lộ siêu tên lửa "Dao găm" nhiều khả năng cũng sẽ được trang bị trên tiêm kích thế hệ thứ 5 Su-57 của Không quân Nga.

Với khả năng được phóng đi từ các máy bay chiến đấu, tên lửa Kinzhal không chỉ được tăng tầm bắn mà còn có thêm khả năng tấn công từ mọi phương diện.

"Tiêm kích MiG-31K có thể tấn công từ những hướng không thể đoán trước được và qua đó đánh bại mọi nỗ lực đánh chặn. Việc được phóng đi từ các bệ phóng trên không qua đó tăng độ bất ngờ cho các đòn tấn công của tên lửa Kinzhal và nâng cao khả năng sống sót trên chiến trường cho tên lửa này", một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) vào năm 2021 nhận định.

Thêm vào đó, với việc được trang bị hệ thống điều khiển quán tính kết hợp với định vị vệ tinh GLONASS, tên lửa này cho phép kíp điều khiển theo dõi và điều khiển toàn bộ quá trình tấn công mục tiêu theo thời gian thực. Điều này tăng cường đáng kể độ chính xác của tên lửa Kinzhal.

Các khả năng vượt trội đó giúp Kinzhal dễ dàng vượt qua tất cả các hệ thống phòng không hiện có trong biên chế quân đội Ukraine.

Các quan chức phương Tây cho biết, kể từ lần đầu tiên được đưa vào thực chiến tại Ukraine, tên lửa này hiếm khi được quân đội Nga sử dụng trong việc tấn công các mục tiêu của Kiev. Giới chức tình báo Anh nhận định, Nga sử dụng tên lửa Kinzhal tại thành phố Odessa là nhằm khẳng định ưu thế áp đảo toàn diện trên chiến trường trước các tin đồn rằng các đợt tiến công trên đất liền của Moscow đang không đạt hiệu quả như mong muốn.

Theo CNN
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine