1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tên lửa cuồng nộ của Israel đang gây sốc ở chiến trường Trung Đông

Theo xu thế chung, tên lửa Rampage (Cuồng nộ) của Israel được chuyển từ “đất đối đất” thành “không đối đất” nhằm tạo ra năng lực tấn công vượt trội.

Cuộc “không kích giải phẫu” thành công

Rạng sáng 13/4/2019, Không quân Israel đã triển khai các chiến đấu cơ đa nhiệm F-16 không kích một cơ sở quân sự được Tel Aviv coi là "nhà máy chế tạo tên lửa của Iran" ở Masyaf thuộc tỉnh Hama, tây bắc Syria. Đáng chú ý, trong phi vụ này, Israel không huy động tiêm kích tàng hình F-35I Adir mà sử dụng biên đội 2 chiếc chiến đấu cơ hạng nhẹ F-16I Sufa, đồng thời, nhằm tránh mối đe dọa từ hệ thống S-300PM-2 của lưới lửa phòng không Syria, Israel sử dụng tên lửa không đối đất siêu thanh Rampage mới nhất của mình, được cho có tầm bắn lên tới 300 km, vận tốc Mach 3,5.

Tên lửa cuồng nộ của Israel đang gây sốc ở chiến trường Trung Đông - 1

Rampage được phát triển từ tên lửa “đất đối đất” EXTRA. Ảnh: globalsecurity.org

Lực lượng phòng không Syria bố trí quanh khu vực Masyaf khá dày đặc, bao gồm cả các tổ hợp tầm xa S-300PM vừa được Nga cung cấp, đã phản ứng kịp thời, nhưng hiệu quả không được như mong muốn; các mục tiêu cần bảo vệ đã bị phá hủy hoàn toàn. Ban đầu, có nhận định cho rằng các hệ thống S-300PM tối tân của Syria vẫn chưa vào cuộc do kíp trắc thủ vẫn còn đang gấp rút hoàn tất quá trình huấn luyện; chỉ những tổ hợp phòng không cũ hơn như Pantsir-S1, Buk-M2E hay Pechora-2M tham chiến.

Tuy vậy, ngày 17/4, nhiều hãng thông tấn Israel đồng loạt đăng tải thông tin cho biết, tên lửa S-300 của Syria thực chất không hề im lặng trong cuộc không kích vừa rồi. Các hãng thông tấn Times of Israel, Avio.pro... đều cho rằng, hệ thống S-300PM của Syria đã thất bại trong lần đầu khai hỏa đối phó với Rampage của Israel. Thông tin về vụ oanh tạc được không quân Israel đưa ra khá rõ ràng, nhưng hiện cả Syria lẫn Nga vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận chính thức nào về vấn đề này.

Theo đánh giá của giới phân tích, đánh chặn một tên lửa hành trình bay với tốc độ cao và quỹ đạo xâm nhập thấp như Rampage là điều cực khó đối với S-300. Ngoài ra, thực tế là binh lính Syria chưa chắc đã hoàn toàn làm chủ hệ thống S-300, do vậy chưa phát huy hết tính năng kỹ - chiến thuật của nó. Dù sao đây vẫn là những thông tin bất lợi cho S-300 và cho thấy, với chiến thuật bài bản, nền khoa học-kỹ thuật quân sự tiên tiến, quân đội Israel tiềm ẩn nhiều tiềm năng và khó lường...

Rampage - Cuồng nộ lợi hại của Israel

Tên lửa Rampage (Cuồng nộ/Giận dữ) được Công ty công nghiệp không gian Israel (IAI) và Công ty Hệ thống công nghiệp quân sự Israel (IMI) phát triển trên nền tảng tên lửa tầm xa có lái dẫn thuộc tổ hợp Pháo phản lực tăng tầm (EXTRA), lần đầu ra mắt năm 2018. Israel đã nghiên cứu chế tạo phiên bản phóng từ trên không của tên lửa có lái dẫn EXTRA -  dự án MARS từ năm 2012. Rampage và EXTRA hoàn toàn tương đồng về các thông số kỹ thuật cơ bản như chiều dài, trọng lượng, đường kính và hình dáng. Dự kiến, Rampage sẽ được sản xuất hàng loạt vào năm 2019.

Tên lửa cuồng nộ của Israel đang gây sốc ở chiến trường Trung Đông - 2

Tiêm kích Israel phóng thử tên lửa Rampage. Ảnh: Israel Aerospace Industries

Được trang bị cho tiêm kích F-15I, F-16I và F-35I có trong biên chế không quân Israel, Rampage sẽ là tên lửa không đối đất tầm xa có tốc độ siêu thanh, sử dụng đầu tự dẫn, động cơ tên lửa và hệ thống dẫn đường tiên tiến. Nó là vũ khí phù hợp để tấn công mục tiêu có giá trị cao, như các trung tâm chỉ huy, căn cứ quân sự, cơ sở hậu cần, sân bay và các mục tiêu khác… được bảo vệ bởi các hệ thống phòng không hiện đại.

Các máy bay mang theo Rampage có thể tấn công các mục tiêu ở Damascus và khu vực xung quanh từ không phận nước này mà không cần xâm phạm không phận Lebanon. Quan trọng hơn, sau khi phóng Rampage, máy bay kịp trở về khoảng cách an toàn trước khi hệ thống phòng không của đối phương phát hiện và đáp trả. Ngoài ra, sử dụng loại tên lửa này sẽ tiết kiệm kinh phí hơn nhiều so với việc sử dụng loại tên lửa Delilah mà Israel hiện đang sử dụng trong các cuộc không kích chống Syria.

Các thông tin về Rampage nhìn chung vẫn còn là “bí mật quân sự”, chỉ biết rằng, tên lửa này dài 4,7 m; trọng lượng 570 kg; đường kính thân 306 mm; có thể tích hợp cho bất cứ dòng chiến đấu cơ nào và phóng ở độ cao cũng như vận tốc đa dạng, có thể công kích đối phương bằng nhiều vũ khí cùng lúc; được trang bị hệ thống định vị toàn cầu, hoạt động tin cậy trong mọi điều kiện thời tiết, cả ban ngày và ban đêm - điều khiến nó trở thành một vũ khí lý tưởng để tấn công các mục tiêu có giá trị cao khi căng thẳng gia tăng ở Trung Đông. Rampage có thể được Israel xuất khẩu rộng rãi, đặc biệt là cho các quốc gia đang có tổ hợp EXTRA trong biên chế.

Điểm ưu việt của Rampage là giá thành rẻ, tầm bắn xa, tốc độ lớn, thao tác vận động linh hoạt và gần như không thể bị đánh chặn. Sau khi được phóng khỏi máy bay, tên lửa Rampage chỉ cần khoảng 5 phút để vượt qua quãng đường dài 150 km và tấn công chính xác mục tiêu với bán kính sai số nhỏ hơn 10 m - phù hợp cho chiến thuật “không kích phẫu thuật” - thuật ngữ trong mô tả đợt không kích chỉ nhắm vào các mục tiêu quân sự mà ít gây ảnh hưởng đến mục tiêu dân sự xung quanh. Ngoài độ chính xác cao, khả năng kiểm soát và giám sát mức độ nổ phá mảnh khiến cuộc tấn công bằng Rampage không mở rộng vùng sát thương, thiệt hại tối thiểu cơ sở vật chất, tài sản trong khu vực tập kích.

Rampage đi theo đúng con đường mà người Nga đã làm với tên lửa 9M723 thuộc tổ hợp Iskander-M để cho ra đời Kh-47M2 Kinzhal - đưa tên lửa đạn đạo chiến thuật hay tên lửa có lái dẫn lên máy bay để biến nó thành loại không đối đất - đang là xu thế chung trên thế giới. Với Rampage, Không quân Israel có thể đã gia nhập một số ít lực lượng không quân trên thế giới có tên lửa đạn đạo phóng từ trên không (ALBM) với các lợi thế chính về tốc độ, tầm bắn và giá cả…

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, dù được giới thiệu với rất nhiều ưu điểm nhưng Rampage cồng kềnh trong khi lại mang phần chiến đấu nhỏ hơn hẳn so với những tên lửa đạn đạo cùng loại. Vì vậy, dù có đánh trúng mục tiêu, khả năng phá hủy chúng chắc chắn sẽ không như kỳ vọng của cả nhà sản xuất. Sputnik dẫn thông tin từ quân đội Syria cho biết, phòng không nước này cũng đã bắn hạ được một số tên lửa siêu thanh Rampage của Israel, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.

Sau khi dùng chiến đấu cơ tàng hình F-35I, Israel lại gây sốc khi sử dụng trong thực chiến các loại vũ khí hàng đầu như bom thông minh GBU-39B, tên lửa hành trình Delilah và tên lửa đặc biệt Rampage. Chiến thuật đa dạng cùng với những vũ khí đỉnh cao, không quân Israel đã tạo nên những trận đánh bất ngờ với hiệu quả cao - điều đang góp phần làm cho Israel trở thành thực lực quân sự đáng sợ tại Trung Đông.

Theo CTV Lê Ngọc

VOV.VN