1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

“Tehran có đủ khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân”

(Dân trí) – Iran có đủ trình độ và khả năng kỹ thuật sản xuất vũ khí hạt nhân nhưng sẽ không bao giờ làm như vậy, một nghị sĩ có tiếng của Iran xác nhận. Trước đó, vào tháng 1, Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mỹ cũng từng khẳng định điều này.

“Tehran có đủ khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân”
N
ghị sĩ có tiếng của Iran Gholamreza Mesbahi Moghadam.
Đây là lần đầu tiên một chính trị gia nổi bật của Iran công khai tuyên bố rằng nước Cộng hòa Hồi giáo có khả năng công nghệ để sản xuất vũ khí hạt nhân.

"Iran có thể dễ dàng chiết xuất urani làm giàu ở cấp độ cao, nguyên liệu cần thiết cho việc sản xuất bom nguyên tử. Tuy nhiên, chính sách của Tehran không đi theo hướng đó”, nghị sĩ có tiếng của Iran Gholamreza Mesbahi Moghadam tiết lộ với trang tin tức Icana.ir của Quốc hội nước này tối 7/4.

“Iran có đủ công nghệ để làm giàu urani lên tới cấp độ trên 90%”, ông Moghadam cho biết thêm.

Tuyên bố của nghị sĩ Moghadam một lần nữa khẳng định thêm về chính sách nhất quán của Nhà nước Hồi giáo trong chương trình phát triển hạt nhân của nước này. Trước đó, Iran nhiều lần tuyên bố chỉ phát triển công nghệ tiên tiến, kể cả công nghệ hạt nhân, vì mục đích hòa bình, chứ không phải để sản xuất bom nguyên tử dưới vỏ bọc dân sự như cáo buộc lâu nay của Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên, do ông Moghadam chỉ là một nghị sĩ chứ không phải quan chức chính phủ nên phát biểu của ông không đại diện cho chính sách chính thống của chính phủ Iran.

Ông Moghadam đưa ra tuyên bố trên chỉ vài ngày trước khi diễn ra cuộc gặp giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) để thảo luận về tham vọng hạt nhân của Tehran. Dự kiến cuộc họp sẽ diễn ra ngày 13/4 tại thủ đô Baghdad của Iraq, thay vì thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ như thông báo trước đó.

Iran sẽ công khai nếu muốn phát triển vũ khí hạt nhân

Trong một tuyên bố mới đây, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad từng khẳng định Tehran sẽ “đường đường, chính chính” nếu thực sự muốn phát triển vũ khí hạt nhân.

“Nếu một ngày nào đó có ý định phát triển vũ khí hạt nhân, chúng tôi sẽ tiến hành một cách công khai và không đe dọa bất kỳ quốc gia nào cả”, ông Ahmadinejad cho biết.

Dù nói vậy song ông Ahmadinejad không quên trấn an rằng vào thời điểm hiện tại, Iran chưa có ý định phát triển vũ khí hạt nhân. Ông nói Iran chỉ muốn tiếp cận các thành tựu công nghệ hạt nhân tiên tiến để sản xuất nhiên liệu và phục vụ nghiên cứu y học trong điều trị bệnh ung thư.  

Lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei, cũng khẳng định chương trình hạt nhân của Iran là “vô hại”.

Iran cho biết nước này đang ứng dụng urani làm giàu 3,5% cho mục đích sản xuất năng lượng và urani 20% cho các lò nghiên cứu để sản xuất chất đồng vị phục vụ điều trị bệnh ung thư.

Trong khi đó, muốn sản xuất bom nguyên tử Iran cần phải sử dụng urani làm giàu tới 90%.

Nghi ngờ của phương Tây

Mặc dù Iran đã nhiều lần khẳng định mục đích dân sự trong chương trình phát triển hạt nhân của mình, song phương Tây vẫn cho rằng thực chất đây chỉ là lớp vỏ nguy trang của Nhà nước Hồi giáo.

Trong buổi điều trần tại Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ hồi tháng 1, Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ James Clapper từng nói rằng Iran có đầy đủ phương tiện và khả năng để phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng nước này chưa quyết định làm như vậy.

Vào thời điểm đó, giới chức tình báo Mỹ hoàn toàn ủng hộ kết luận đưa ra trong báo cáo tình báo năm 2007, trong đó nói rằng Iran đã ngừng các hoạt động bí mật phát triển vũ khí hạt nhân từ năm 2003.

Tuy nhiên,  Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc teese (IAEA) và một số đồng minh của Mỹ như Anh, Pháp, Đức và Israel lại cho rằng Tehran vẫn tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân cho đến tận thời điểm này.

Trong một số báo cáo gần đây, IAEA nhận định Iran vẫn cho tiến hành các hoạt động này một cách không thường xuyên, nhưng không có bằng chứng về việc Iran đã nạp nguyên liệu hạt nhân vào vũ khí.

Mặc dù vậy, báo cáo của IAEA vẫn là cái cớ để một loạt nước áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với Nhà nước Hồi giáo, đối với cả ngành tài chính, ngân hàng và hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran.

Vũ Anh
Theo Reuters, AP