Tàu Trung Quốc lại tiến vào vùng biển tranh chấp với Nhật
(Dân trí) - Trung Quốc hôm nay 21/12 lại phái các tàu tiến vào vùng biển quanh quần đảo tranh chấp với Nhật trên Hoa Đông. Đây là lần triển khai tàu đầu tiên kể từ khi Nhật bầu chính phủ mới, với ông Abe, nhân vật có quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh, làm thủ tướng.
Động thái đã làm tiêu tan hi vọng ở Tokyo, cho rằng Bắc Kinh sẽ lấy cuộc bầu cử ở nước này làm cơ hổi để bắt đầu một khởi đầu mới, sau khiều tháng căng thẳng về chủ quyền biển đảo, mà không bên nào chịu thua bên nào.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật cho biết 3 tàu hải giám Trung Quốc đã ở trong vùng 12 hải lý quanh quần đảo Senkaku do Nhật kiểm soát mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Trung Quốc đã phái tàu tới vùng biển này 19 lần kể từ khi Tokyo quốc hữu hóa chuỗi đảo hồi tháng 9, theo số liệu của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật. Giới phân tích cho rằng Bắc Kinh muốn chứng tỏ họ có thể tới và đi tùy thích trong khu vực.
Vụ việc càng trở nên nghiêm trọng vào tuần trước khi Trung Quốc lần đầu tiên triển khai máy bay tới khu vực. Nhật cho biết đây là lần đầu tiên, ít nhất là kể từ năm 1958, Bắc Kinh xâm phạm không phận nước này. Tokyo đã gấp rút phái chiến đấu cơ đối phó.
Tuy nhiên, tàu của Cục hải dương quốc gia Trung Quốc vẫn bám trụ ở bên ngoài vùng biển 12 hải lý quanh Senkaku/Điếu Ngư kể từ cuộc bầu cử hôm chủ nhật vừa qua tại Nhật, đưa nhân vật “diều hâu” Shinzo Abe lên nắm quyền và cam kết sẽ cứng rắn với Bắc Kinh.
Bắc Kinh vẫn muốn “tăng áp lực”
Trong một trong những cuộc phỏng vấn trên truyền hình đầu tiên sau khi thắng cử, ông Abe cho biết sẽ không có chỗ cho thỏa hiệp trong cuộc tranh chấp này, mặc dù vẫn đặt trọng tâm cải thiện mối quan hệ với Bắc Kinh.
“Nhật và Trung Quốc cần phải cùng nhận ra rằng, mối quan hệ tốt giữa hai nước nằm trong lợi ích quốc gia của cả hai nước”, ông Abe cho hay. “Trung Quốc nhận ra điều này rất ít. Tôi muốn họ nghĩ lại về mối quan hệ chiến lược có lợi chung này”.
Sự trở lại của tàu Trung Quốc như trước bầu cử tại Nhật là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh “không muốn thỏa hiệp và muốn tiếp tục đẩy cao áp lực”, Robert Dujarric, giám đốc của Đại học Temple, Viện nghiên cứu châu Á đương đại của Nhật cho hay.
“Nó cho thấy Bắc Kinh muốn tiếp tục đối đầu. Một thủ tướng mới luôn mở ra cơ hội “ấn nút tái khởi động”, nhưng rõ rằng Bắc Kinh không hứng thú cải thiện quan hệ”.
Ông Abe đã thúc đẩy chương trình nghị sự trong đó bao gồm nâng cấp “Lực lượng tự vệ” của nước này thành quân đội mang ý nghĩa đầy đủ và đã nói về việc muốn xem xét lại hiến pháp theo chủ nghĩa hòa bình của Nhật.
Nhưng giới phân tích cho rằng ít nhất một số điều này chỉ nằm ở lời nói. Họ chỉ ra rằng chủ nghĩa thực dụng khi ông Abe làm thủ tướng vào đầu năm 2006-2007 mơ hồ và bị bỏ lửng.
Khi làm thủ tướng, ông đã “tránh xa” đền chiến tranh Yasukuni, đền tưởng nhớ tới người chết trong chiến tranh của Nhật, bao gồm cả các tội phạm chiến tranh và cũng khiến mối quan hệ của Tokyo với các nước láng giềng xấu đi. Ông Abe cũng tới Trung Quốc trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức vào thời kỳ đó.
Sau chiến thắng vào hôm chủ nhật vừa qua, ông Abe cho biết sẽ tái xây dựng liên minh Tokyo-Washington, cho đây là mục tiêu hàng đầu trong chính sách ngoại giao của ông. Ông cũng cho biết Washington có thể là nơi ông công du đầu tiên sau khi nhậm chức.
Mặc dù nhấn mạnh tới tầm quan trọng của mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh, đối tác thương mại lớn nhất của Nhật, ông Abe cũng nhấn mạnh tới việc xây dựng mối quan hệ với các nước khác như Ấn Độ và Australia.
Vũ Quý
Theo AFP